Điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 ổn định, tin cậy

GD&TĐ - Các chuyên gia đánh giá đề thi và kết quả thi thông qua phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khá ổn định, đáng tin cậy...

Thí sinh Thừa Thiên - Huế thảo luận về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hoàng Hải
Thí sinh Thừa Thiên - Huế thảo luận về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hoàng Hải

Qua đó hỗ trợ tốt cho cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh và giúp thí sinh có thể dự báo về mức điểm chuẩn để đăng ký xét tuyển phù hợp.

Đánh giá cao độ tin cậy của kết quả thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xếp hạng điểm trung bình các môn thi của Thừa Thiên - Huế so với toàn quốc tăng nhẹ, đều ở các môn, không còn điểm dưới 5. Điểm thi của địa phương này tương đối ổn định so với năm 2022, trong đó một số môn tăng như Ngữ văn, Sinh học, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân.

Hai môn có điểm trung bình cao là Hóa học (7,02 điểm, đứng thứ 9 toàn quốc) và Vật lí (6,86 điểm, đứng 11 toàn quốc). Với lứa học sinh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ hài lòng với kết quả này và từ cơ quan quản lý đến các nhà trường, thầy cô đều đã làm hết sức mình.

Ông Nguyễn Tân nhận định, được tổ chức thi nghiêm túc, với quy trình hết sức chặt chẽ, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT là thực chất, đáng tin cậy. Tuyển sinh đại học sử dụng kết quả điểm thi này vẫn là phương án rất tốt. Với Thừa Thiên - Huế, địa phương đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018.

Mục tiêu đến 2024 không còn xảy ra sai phạm trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh, dạy thêm học thêm. Thực hiện chủ trương toàn ngành “dạy thật, học thật, đánh giá thật, thi thật”, yêu cầu các kỳ thi, kiểm tra được tổ chức chặt chẽ; các cấp quản lý thực hiện cương quyết và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong tổ chức thi, kiểm tra, lộ lọt đề, coi và chấm kết quả bài thi, kiểm tra - từ công tác đánh giá thường xuyên đến các kỳ thi quan trọng do Sở/Bộ GD&ĐT tổ chức.

ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT có độ tin cậy và đánh giá: Phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nhìn chung ổn định, có phân phối tương đối chuẩn, điểm trung bình khá cao, so sánh với năm 2022 thì khá tương đồng. Với vai trò là Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì kết quả này hoàn toàn phù hợp, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay sẽ cao.

Đi vào từng môn thi, theo ThS Nguyễn Vinh San, các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học năm nay khá “dễ thở” khi phân phối điểm lệch nhiều sang phải. Môn Sinh học có mức điểm trung bình tăng khá mạnh và có phân phối chuẩn. Điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay của khối Tự nhiên khả năng sẽ tăng nhẹ. Các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có phổ điểm rất đẹp, mức điểm trung bình ở mức trên 6 điểm, phù hợp cho các trường xét tuyển đại học. Điểm chuẩn khối Xã hội sẽ ít có khả năng tăng so với các năm.

Riêng 2 môn Tiếng Anh và Giáo dục công dân vẫn còn vấn đề phải bàn. Theo đó, điểm trung bình Tiếng Anh tăng nhẹ so với 2022 và không còn tình trạng 2 “đỉnh” trong phân phối điểm, nhưng vẫn chia 2 nhóm khá rõ. Điều đó cho thấy vẫn có sự chênh lệch về dạy học ngoại ngữ. Môn Giáo dục công dân mức điểm trung bình lên tới 9.0, đề thi cần được ghi nhận và điều chỉnh để phù hợp với cả mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tin tưởng sử dụng điểm thi trong xét tuyển đại học

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết: Ngay sau khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đã có nhiều ý kiến nhận định đề thi tương đối vừa sức, quen thuộc với thí sinh, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, có tính phân loại cao. Kết quả kỳ thi mới được Bộ GD&ĐT công bố minh họa rõ nét điều này.

Tỷ lệ các điểm cao (điểm 8 trở lên) ở đa số các môn giảm so với năm trước, dù tổng số bài thi đạt điểm 10 năm nay tăng với khoảng 16.400 thí sinh đạt mức này. Tuy nhiên, số điểm 10 tập trung chủ yếu ở Giáo dục công dân - môn thi ít xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển đại học. Các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn và Ngoại ngữ có số điểm 10 giảm mạnh.

Với môn Toán, nếu như năm ngoái điểm trên 8 chiếm tỷ lệ 21% thì năm nay tỷ lệ này phân hóa tốt hơn, chỉ chiếm hơn 15%. Hay môn Hóa học, tỷ lệ điểm trên 8 năm trước là 27,8%, năm nay chỉ còn 22,6%. Với môn Lịch sử, năm 2022 tỷ lệ điểm 8 trở lên là 18%, năm nay chỉ còn 13%. Phổ điểm Lịch sử (cũng như một số môn khác: Sinh học, Hóa học, Địa lí) tương đối “đẹp” (hình chuông ngược). Điều này chứng tỏ giáo viên, học sinh đã cố gắng đầu tư vào môn học; đề thi có tính ổn định, phân hóa cao như Bộ GD&ĐT đã công bố.

“Kết quả kỳ thi cũng sẽ giúp điều chỉnh phương pháp dạy học một số môn có số điểm dưới trung bình nhiều hơn so với môn khác. Ví dụ có 876.102 thí sinh tham gia thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5,45, điểm trung vị là 5,2; mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2.

Phổ điểm của môn Tiếng Anh chưa thực sự đẹp (chưa theo dạng hình chuông ngược). Bộ GD&ĐT có thể so sánh điểm này đến từng vùng miền để có những điều chỉnh chính sách phù hợp về đổi mới phương pháp dạy học, điều kiện cơ sở vật chất trong dạy học tiếng Anh”, PGS Nguyễn Chí Thành chia sẻ thêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH CMC, nhìn chung phổ điểm năm nay ổn định so với năm 2022; một số môn như Toán, Vật lí, Hóa học (khối A00) tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi trở lên có giảm, điểm phổ biến là 7,0 đến 7,6. Điều này thể hiện đề thi năm nay có sự phân hóa cao hơn, phổ điểm phân bố “chuẩn” hơn.

Đây cũng là cơ sở tốt để các trường đại học, cao đẳng yên tâm, tự tin hơn trong xét tuyển năm 2023. “Dự kiến điểm chuẩn với phương thức xét bằng điểm thi THPT sẽ giảm trong khoảng 0,5 - 1,0 điểm so với năm ngoái ở các khối A00, A01, B00, C00, D01 - các khối mà Trường ĐH CMC đã tuyển năm 2022”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.

Với phổ điểm năm nay, ThS Nguyễn Vinh San cũng nhận định sẽ thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học xét tuyển, lựa chọn thí sinh. Điểm chuẩn vào trường có thương hiệu, hoặc sử dụng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ cao.

Trường ở tốp dưới cũng dễ xét tuyển hơn khi số lượng thí sinh có điểm trên mức sàn (phổ biến là 15) chiếm đa số. Có thể đánh giá chung, đề thi, kết quả thi thông qua phổ điểm của năm nay so với năm 2022 là khá ổn định, hỗ trợ tốt cho các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, giúp thí sinh dự báo về mức điểm chuẩn để đăng ký xét tuyển phù hợp.

Kết quả từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay là thông tin tốt, tin cậy giúp các trường đại học xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi, lựa chọn được các thí sinh có năng lực phù hợp với đặc thù của trường. Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, kỳ thi sẽ giữ mức ổn định đến năm 2025, do đó trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT như một kênh để tuyển sinh. PGS.TS Nguyễn Chí Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.