Thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị

GD&TĐ - Trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội.

Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định rõ, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Ảnh minh hoạ
Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định rõ, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Ảnh minh hoạ

Trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đều tăng cả về số lượng và chất lượng.

Bình đẳng trong việc tự ứng cử

Trong khi đó, tại các ngành công nghiệp, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng. Trong ngành Giáo dục, các nữ trí thức, nhà khoa học say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tham gia chủ trì nhiều đề tài là cơ sở hoạch định chính sách… Vì vậy, để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cần thực hiện nhiều nội dung, trong đó có thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định rõ, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Nam, nữ bình đẳng trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư hoặc xây dựng và ban hành các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

Bàn về giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, TS Nguyễn Phương Lan - Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, để các biện pháp trở nên dễ hiểu để áp dụng và trở thành hiện thực trên thực tế, cần có sự quy định cụ thể hơn.

Cụ thể, cần quy định các biện pháp bằng việc quy định “bảo đảm tỷ lệ thích đáng” nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân, “bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng” được bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước còn mang tính chất chung chung.

Cần có quy định một cách cụ thể dưới dạng quy phạm pháp luật tỷ lệ nữ cần đạt được một cách tương ứng ở các vị trí nhất định để xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Các mục tiêu cần đạt được về việc phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có ý nghĩa là mục tiêu phấn đấu nhưng chưa là quy định bắt buộc. Do đó, cần có quy định cụ thể về tỷ lệ cần đạt được này trong các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là trong kế hoạch quy hoạch, phát triển cán bộ của từng cấp, từng ngành.

Quy định phải có tỷ lệ nữ tối thiểu 35% trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là chưa đủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là có trên 35% nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp từ năm 2020 trở đi.

Với quy định này có thể thấy, 100% nữ ứng viên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải trúng cử, mà điều đó thì không thể xảy ra. Bởi, còn nhiều rào cản văn hóa, rào cản giới chi phối việc trúng cử của ứng viên nữ.

Do đó, để bảo đảm tỷ lệ đạt trên 35% nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp từ năm 2020 trở đi, trong danh sách chính thức những người ứng cử phải quy định tỷ lệ bắt buộc cần đạt được đối với nữ tối thiểu là 45% trở lên. Đồng thời, cần quy định rõ trong văn bản pháp luật có liên quan tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần đạt được là từ 35% trở lên.

Bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.

Cũng theo chuyên gia này, cần có hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới: “Nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; quy định ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam” trong các văn bản pháp luật điều chỉnh về chính sách cán bộ.

Theo TS Phương Lan, đây là yêu cầu cần thiết, khách quan để hiện thực hóa quy định của Luật Bình đẳng giới về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Từ đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong việc thực hiện chính sách cán bộ nói chung cũng như việc bổ nhiệm cán bộ nữ nói riêng trên thực tế.

Trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cần quy định rõ tỷ lệ nữ lãnh đạo cần đạt được ở các cấp cao nhất của các ngành, lĩnh vực, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác nữ, đảm bảo sự phát triển của phụ nữ trong tham gia, tiếp cận các vị trí lãnh đạo.

TS Phương Lan nhấn mạnh, cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác nữ, về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cần được quy định cụ thể và thống nhất, đồng bộ trong các văn bản khác có liên quan dưới dạng quy phạm pháp luật có tính mệnh lệnh chứ không phải quy phạm tùy nghi. Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được chứ không phải là “phấn đấu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ