Đón đầu xu thế
Lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư. Dự báo thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đẩy mạnh đầu tư và Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới.
Với đà tăng trưởng cao, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, tuy nhiên nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.
Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 9 trường đại học; 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 12 trường cao đẳng và 09 trung cấp) mỗi năm đào tạo được khoảng gần 100.000 lao động đáp ứng nhu cầu về tuyển dụng nhân lực các ngành, nghề nói chung và nguồn nhân lực có tay nghề cao nói riêng không chỉ riêng cho tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh khác. Dân số trong độ tuổi lao động khoảng 550.000 thanh niên bước vào tuổi lao động. Đây là lợi thế lớn cho tỉnh trong việc đảm bảo nguồn lao động cho việc phát triển nền kinh tế.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch 11 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245 ha. Nhu cầu nguồn nhân lực, lao động đáp ứng yêu cầu hoạt động của các khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình là rất lớn.
Ngoài ra, Thái Nguyên là địa phương có tiềm năng to lớn và hiện đang đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Tính tới nay, trên địa bàn tỉnh có trên 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD. Đáng chú ý, khoảng 70% trong số các dự án này thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử.
Tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Đại học Thái Nguyên là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 3 trường thành viên triển khai đào tạo ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI gồm trường Đại học nghệ thông tin và Truyền thông; trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; trường Đại học Khoa học.
Năm học 2024 – 2025 trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo sinh viên lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Công nghiệp bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ điện tử và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội và kinh tế. Công nghệ vi mạch bán dẫn không chỉ dừng lại ở ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, nó đã mở ra cửa cho nhiều ứng dụng khác nhau như trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, y tế số, IoT (Internet of Things), ..., và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.
Chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông cung cấp các kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch chuyên sâu về Thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn, Kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn, Quản lý sản xuất và các công việc liên quan đến sản xuất vi mạch bán dẫn, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch để đảm bảo sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động.
Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định: Thời gian qua, các trường đại học thành viên đã chủ động mở chuyên ngành đào tạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tổ chức đào tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch.
Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm lớn, thư viện, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Đại học Thái Nguyên cam kết quyết tâm đầu tư mọi nguồn lực để ngành công nghệ bán dẫn được đào tạo chất lượng, đáp ứng tốt nguồn nhân lực theo định hướng của Chính phủ.
Như vậy, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đã nỗ lực tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, có nhiều chính sách nhằm thu hút, khuyến khích, động viên sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao khả năng thực hành. Qua đó, từng bước đào tạo có chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và đất nước.