Thầy giáo người Tày đem tình yêu nghệ thuật đến với xã vùng cao

GD&TĐ - 17 năm là quãng thời gian thầy giáo Mai Ngọc Tú miệt mài đem tiếng đàn thắp lửa đam mê cho những học trò huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Một tiết học của thầy Tú và học trò. Ảnh NVCC.
Một tiết học của thầy Tú và học trò. Ảnh NVCC.

Thầy Mai Ngọc Tú là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Gieo mầm xanh nơi núi rừng

Khi xóm Bản Noóng còn bao trùm bởi màn sương sớm dày, đen nghịt thế nhưng trên những lối nhỏ gập ghềnh dẫn đến Trường THCS Quy Kỳ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã thấy lập lòe dưới tán rừng ánh đèn pin của các học trò dậy sớm đến lớp.

Thầy Tú kể: “Nhiều em nhà rất xa, lại vượt qua nhiều con suối để tới lớp nên phải di chuyển ngay trong đêm như vậy, dù thương nhưng tôi luôn động viên các em cố gắng đi học đầy đủ”.

Thầy Mai Ngọc Tú tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên năm 2006, là giáo viên Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên dạy Âm nhạc của Trường THCS Quy Kỳ từ năm 2007 đến nay.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề “cầm phấn”, thầy cho biết: “Sau khi ra trường năm 2006, dù đủ điều kiện ở lại thành phố giảng dạy, nhưng nghĩ đến quê hương, đến đàn em thơ khiến tôi không đành lòng mà quyết định về quê với hy vọng gieo cho các em những hạt mầm kiến thức tôi học được”.

Đến nay với hơn 17 năm trong nghề, thầy Tú từng trải qua không ít khó khăn. Thuở đầu về dạy, thầy đã không biết bao lần đến nhà học sinh vận động các em đến trường. Nhiều học trò khi ấy vắng nhà thường xuyên vì bỏ học đi làm rừng với bố mẹ khiến thầy không tài nào liên lạc để trao đổi được.

Vốn cùng là người dân tộc Tày, thầy không mấy khó khăn khi tìm hiểu về tâm tư, sở thích học trò để đưa ra chương trình học tập phù hợp mà lại không quá khô khan.

“Đầu giờ học khi các em còn chưa chú ý thì tôi sẽ tổ chức các trò chơi khởi động để lôi kéo sự tập trung, rồi thầy trò cùng sáng tác lời bài hát, củng cố kiến thức bằng trò chơi trắc nghiệm, như vậy các em tiếp thu tốt vì tham gia năng nổ hơn bình thường”, thầy chia sẻ.

Những giờ lên lớp đó, thầy đều mang chiếc đàn organ của mình để tự đàn giai điệu cho học trò, còn chiếc được nhà trường cấp đã hỏng hóc nằm trong góc tủ từ lâu.

Chia sẻ về câu chuyện ấy, thầy tâm sự trong một lần đổi lớp học, các em học sinh mang đàn đã không cẩn thận làm rơi khiến máy móc bên trong hỏng hóc nặng, các em khi ấy rất sợ vì làm hỏng đồ dùng của nhà trường.

“Thương các em, tôi lại tự mang đàn đi sửa, thay mới vì việc đó không nằm trong ngân sách của nhà trường. Nếu không sửa mà đi dạy “chay” thì rất thiệt thòi cho học trò”, thầy chia sẻ.

eb000bdd75d1ce8f97c0.jpg
Thầy Tú là giáo viên Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên dạy Âm nhạc của Trường THCS Quy Kỳ từ năm 2007 đến nay.

Những số phận học trò

Hơn 17 năm qua, trên cương vị giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy Mai Ngọc Tú đã tham gia nhiệt tình vào hoạt động văn nghệ của Trường THCS Quy Kỳ. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng nên nhiều học trò tiềm năng có đam mê với nghệ thuật, nhưng không phải khi nào hoàn cảnh gia đình các em cũng cho phép theo đuổi ước mơ ấy.

Những buổi trưa tại trường tập luyện, thầy trò cùng ăn tạm mì tôm lấy sức, trò chuyện chia sẻ về cuộc sống khiến thầy Tú càng hiểu thêm về các học trò, trong đó có Lường Minh Trọng cùng niềm say mê ca hát giấu kín từ nhỏ do điều kiện gia đình nghèo khó.

Mẹ Trọng mất sớm, bố là người khuyết tật lại là lao động chính trong nhà, kinh tế gia đình rất khó khăn.

“Tôi phát hiện ra tài năng của Trọng năm em học lớp 7, giọng hát em rất tốt nên từ đó tôi đưa em tham gia nhiều cuộc thi văn nghệ và đạt nhiều thành tích cao”, thầy chia sẻ.

Sau này khi đang theo học Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Trọng bươn trải nhiều nghề từ hát thuê, hát rong kiếm tiền trang trải, thầy Tú lại đứng ra giúp đỡ ứng trước học phí.

Thầy Tú tâm sự: “Trọng giờ đã tốt nghiệp đi làm và có khả năng chăm lo cho gia đình nhỏ của em là điều làm tôi vui sướng nhất”.

Thế nhưng cũng có hoàn cảnh học trò khác khiến thầy không khỏi trăn trở vì cái nghèo, gánh nặng gia đình khiến em không thể theo đuổi ước mơ. Đó là một học sinh nữ nhiều năm về trước, mẹ mất sớm, bố em không có khả năng nhận thức nên mọi công việc đều trông chờ vào người chú ruột. Qua hoạt động trường lớp, thầy Tú nhận thấy em có năng khiếu đặc biệt về thể thao nên hết sức bồi dưỡng.

Năm học lớp 8, em tự ý nghỉ học. Thầy Tú đã đến tận nhà thuyết phục chú ruột em vận động em đi học trở lại thành công, giúp em được vào diện ưu tiên nhận hỗ trợ của nhà trường với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nói đến đây, mắt người thầy như nhìn xa xăm: “Có năm em được hỗ trợ 30 triệu đồng và được giúp xây căn nhà nhỏ cho 2 cha con em, nhưng cuối cùng khi lên lớp 10 vì không muốn thành gánh nặng cho chú ruột nên em nghỉ học hẳn để đi làm.

Đó là điều đã làm tôi suy nghĩ trong thời gian dài làm sao để thay đổi được số phận học trò nơi đây vì cô học trò nhỏ đó không phải trường hợp duy nhất phải nghỉ học vì điều kiện gia đình”.

Trò chuyện cùng cô Ngô Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Quy Kỳ là người đồng nghiệp dẫn dắt thầy Tú từ những ngày đầu, cô chia sẻ: "Thầy Tú là thầy giáo trẻ rất năng động và có năng lực, nhiệt tình trong các trong trào thể thao, văn nghệ của nhà trường, xây dựng được nề nếp học sinh và phong trào Đội đi vào quy củ trong nhiều năm qua”.

Thầy giáo Mai Ngọc Tú là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ