Thành quả đó đến từ cách làm linh động, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Đẩy mạnh phong trào học tập
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Phòng Giáo dục đã kịp thời tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến học sinh và phụ huynh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tiếng Anh.
Kết quả, năm học 2022 - 2023, Đại Từ có 34/34 trường mầm non xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch cho trẻ làm quen với tiếng Anh; 100% trường tiểu học và trường liên cấp tiểu học và THCS trên địa bàn huyện thực hiện dạy học tiếng Anh cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cử giáo viên tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng chuẩn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy.
Hầu hết, giáo viên đã thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức dạy học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài, phối hợp với trung tâm Anh ngữ trên địa bàn để giảng dạy; 27 trường THCS và 5 trường liên cấp tiểu học và THCS đều tiếp cận chương trình hệ 10 năm (học sinh sẽ bắt đầu được học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12) theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, Đại Từ cử 16 giáo viên tiếng Anh đi bồi dưỡng nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng nghe - nói, 15 giáo viên dự lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, mua sắm sách giáo khoa và sách tham khảo phục vụ nhu cầu nghiên cứu của giáo viên tiếng Anh.
Đến nay, tổng số giáo viên tiếng Anh cấp THCS là 64 người. Số đạt chuẩn là 62/64 (96,9%). Số giáo viên cơ bản đáp ứng được quy mô, trường lớp và chương trình đào tạo theo đề án. Trong năm học vừa qua, số lượng học sinh giỏi ngoại ngữ các cấp trong toàn huyện có 26/57 học sinh đoạt giải cấp huyện, 12 học sinh tham gia dự thi cấp tỉnh có 4 em đoạt đạt giải.
Cô Trần Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên, huyện Đại Từ cho biết: Trường có 2 giáo viên biên chế và 1 giáo viên hợp đồng dạy môn Tiếng Anh.
Được sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT, trường đã tích cực tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh về lợi ích và ý nghĩa của việc học tiếng Anh. Rất may mắn, nhà trường đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, học sinh cũng như sự cố gắng quyết tâm của giáo viên.
Thời điểm bắt đầu triển khai dạy học tiếng Anh, các em lần đầu tiếp xúc với ngoại ngữ nên còn bỡ ngỡ, nhút nhát, ngại giao tiếp bằng tiếng Anh. Trang thiết bị ở trường lúc đó gần như chưa có gì phục vụ chuyên biệt cho công tác dạy ngoại ngữ.
Tuy nhiên, trường luôn xác định phải khắc phục khó khăn để đưa tiếng Anh đến gần với học sinh của mình hơn, giúp các em từ từ hiểu và hòa nhập với môn học. Cùng với tinh thần quyết tâm, vượt khó của giáo viên, đến nay chất lượng dạy và học tiếng Anh của trường ngày càng được nâng cao.
Năm học 2022 - 2023, giáo viên, học sinh của trường đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, cuộc thi do huyện, tỉnh phát động như: Tham gia cuộc thi Tiếng Anh qua mạng, cuộc thi Vì Thái Nguyên giỏi tiếng Anh và đoạt 3 giải đồng đội, 52 giải cá nhân. Quan trọng hơn, mặc dù là trường miền núi, nhưng tinh thần chủ động, tích cực học tập của học sinh ngày một nâng lên. Các em không còn e ngại, rụt rè mà đã nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân.
Tạo môi trường tốt nhất cho học sinh
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Định Hóa (huyện Định Hóa) có 1.548 học sinh với 36 lớp. Trường hiện có 83 biên chế giáo viên và 6 giáo viên hợp đồng theo định mức khoán.
Cô Hiệu trưởng Nông Thị Hảo cho biết: Năm học này, nhà trường có 9 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó có 1 giáo viên trình độ thạc sĩ và 8 giáo viên trình độ đại học, 100% giáo viên đạt trình độ C1 trở lên. Thời gian qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong trường học.
Theo cô Hảo, các hoạt động được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nổi bật như tổ chức ngoại khóa nói tiếng Anh, câu lạc bộ tiếng Anh sinh hoạt định kỳ hàng tháng và tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi. Điều đó làm tăng tính tích cực trong phong trào dạy và học tiếng Anh tại đơn vị, nhất là phong trào nói tiếng Anh của học sinh.
Kết quả, học sinh ngày càng có nhận thức tốt về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, xếp loại tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường tăng, đặc biệt năm 2023, trường có 5 học sinh tham gia kỳ thi IELTS và đạt điểm số cao nhất là 7.0
Cô giáo Bùi Thị Thương Huyền, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Định Hóa chia sẻ: Do đặc thù là trường nằm ở huyện miền núi xa trung tâm, học sinh người DTTS chiếm tỷ lệ cao, chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho học sinh gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, xác định tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ để giao tiếp với thế giới, mà nó còn là phương tiện để nhận thức và tư duy trong cuộc sống. Vì vậy, mỗi giáo viên trong trường luôn cố gắng dành thời gian để tìm hiểu tâm lý học sinh và thấu hiểu các em, từ đó tìm ra cách truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách linh hoạt và phù hợp.
Cô Huyền cho biết: Giáo viên ngoại ngữ nhà trường cũng thường xuyên tham gia sinh hoạt chuyên đề, họp trực tuyến để trao đổi, chia sẻ các phương pháp, giải pháp cụ thể, lựa chọn sách giáo khoa phù hợp và không tạo áp lực cho các em học sinh. Qua đó, giúp các em có thiện cảm và yêu mến môn học.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, trong thời gian tới, Trường THPT Định Hóa sẽ xây dựng các kế hoạch hoạt động cụ thể như liên kết với các tổ chức, trung tâm ngoại ngữ để tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên rèn luyện, phát triển kỹ năng giao tiếp.
Tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh cũng như xây dựng không gian dạy học tiếng Anh trong trường học để tạo môi trường tốt nhất giúp học sinh phát triển tiếng Anh.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt việc phối hợp triển khai hoạt động bồi dưỡng theo nguồn kinh phí thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia và Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh. Tổ chức tốt việc bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm. Hiện toàn tỉnh có 1.074/1.126 giáo viên đã đạt theo quy định của Bộ GD&ĐT về năng lực ngoại ngữ, đạt tỷ lệ 95,38%. Năm học 2022 – 2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lệ phí thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho 263 học sinh.