Trong khi một số nơi đang đỏ mắt tìm nguồn tuyển giáo viên Anh văn để triển khai dạy học lớp 3 Chương trình GDPT 2018, thì tại một số địa phương vùng ven, vùng khó của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại đảm bảo 100% đội ngũ thực hiện môn học bắt buộc trong năm học này.
Chủ động đón đầu
Thông thường, các trường ở vùng nông thôn sẽ khó khăn khi tổ chức dạy học tiếng Anh lớp 3. Thế nhưng nhờ chuẩn bị từ sớm, lộ trình rõ ràng, nhiều trường làng ở ĐBSCL lại chủ động trong việc dạy học.
Huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh, việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 42 giáo viên thuộc biên chế dạy ngoại ngữ được 26 trường phân công đảm bảo 100% lớp 3 được học môn này theo Chương trình GDPT 2018, trong đó 2 giáo viên ngoại ngữ được tuyển mới.
Ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình, cho biết, năm học đầu tiên môn Tiếng Anh bắt buộc ở khối lớp 3, phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND từ năm học trước để đầu tư xây dựng thêm phòng học, tuyển dụng giáo viên; chỉ đạo các trường sắp xếp đội ngũ để giảng dạy môn học này.
“Để có đủ đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh trong năm học này là nhờ sự chuẩn bị và định hướng của ngành nhiều năm qua. Ngành GD tỉnh đã mạnh dạn đưa môn Tiếng Anh vào chương trình tự chọn ở các khối lớp tiểu học từ những năm trước. Nhờ vậy khi thực hiện chương trình mới, ngành GD huyện cơ bản bắt nhịp và đảm bảo đội ngũ”, ông Thuận chia sẻ thêm.
So với những địa phương khác, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) là vùng ven của thành phố. Năm học này, toàn huyện có 16 trường tiểu học và 1 trường tiểu học - THCS, với 26 điểm lẻ. Nhưng khi triển khai dạy học Tiếng Anh ở lớp 3, huyện cũng có lợi thế về việc đảm bảo đội ngũ.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT - ông Nguyễn Văn Dũng, nhờ thực hiện mô hình “Trường học điển hình đổi mới”, ngành GD huyện đưa Tin học và Anh văn vào môn học tự chọn của nhà trường. Đồng thời, cùng với việc nỗ lực xóa điểm lẻ, sắp xếp lại trường lớp… cho nên cơ bản Vĩnh Thạnh có được đội ngũ giáo viên đảm bảo hơn so với một số nơi khác.
Nhiều chính sách cho giáo viên
Để đảm bảo giáo viên đứng lớp, một số địa phương đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực về phục vụ địa phương, nhờ vậy đáp ứng yêu cầu về nhân sự thực hiện chương trình mới.
Tiết học Anh văn lớp 3 tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). |
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), cho hay, huyện Châu Thành là một trong những địa phương còn khó khăn, nhiều học sinh hằng ngày phải vượt khó đến trường.
Nhờ sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, đặc biệt là các chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó có giáo viên Anh văn, Tin học và Mỹ thuật, nên khi triển khai Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là tổ chức dạy học bắt buộc đối với môn Tiếng Anh và Tin học, ngành GD huyện đảm bảo thực hiện 100% đối với học sinh khối lớp 3. Năm học này, huyện có 15 biên chế giáo viên Tiếng Anh/12 trường tiểu học.
Năm học 2022 - 2023, ngành GD huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) được địa phương phê duyệt ngân sách gần 20 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho chương trình lớp 3 mới. Đội ngũ giáo viên, toàn huyện có 31 biên chế tham gia giảng dạy môn Tiếng Anh, cơ bản đáp ứng dạy học bắt buộc cũng như nhu cầu của học sinh.
Ngoài xây dựng các chính sách thu hút nguồn lực cho ngành, việc giữ chân giáo viên gắn bó với địa phương cũng đòi hỏi sự linh hoạt, khéo léo của lãnh đạo các trường. Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) có một điểm chính và 3 điểm lẻ, với tổng số 446 học sinh, trong đó khối lớp 3 có 92 em. Hiện, trường có 2 giáo viên giảng dạy môn Anh văn. Mặc dù phải di chuyển qua lại giữa các điểm lẻ, tuy nhiên đường giao thông thuận tiện, mặt khác khoảng cách giữa các điểm tương đối gần nên việc triển khai giảng dạy môn học này không quá khó khăn.
Thầy Vũ Quang Trung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, chia sẻ: “Để khích lệ tinh thần cũng như tạo động lực cho đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề, nhà trường chủ động xây dựng thời khóa biểu ưu tiên cho các giáo viên bộ môn, thực hiện giảm tiết, đưa vào tiêu chí xét thi đua, trích thêm kinh phí vào thu nhập tăng thêm. Ban giám hiệu cũng thường xuyên thăm hỏi, nhờ vậy giáo viên yên tâm gắn bó với nghề”.