Nhiều rào cản dạy học tiếng Anh ở vùng khó

GD&TĐ - Theo quy định hiện nay thì các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có biên chế để dạy tiếng Anh cho trẻ, kinh phí là do cha mẹ đóng góp...

Học sinh Trường Mầm non 20/10, TP Điện Biên Phủ trong giờ học làm quen tiếng Anh.
Học sinh Trường Mầm non 20/10, TP Điện Biên Phủ trong giờ học làm quen tiếng Anh.

Năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Điện Biên cho phép thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại Trường Mầm non Rainbow (TP Điện Biên Phủ). Sau 6 năm, địa phương này đã có 25 trường, 134 lớp, với khoảng 3.000 học sinh mầm non, tiểu học được tiếp cận với môn học này.

Từng bước gỡ vướng

Lớp mẫu giáo lớn, Trường Mầm non 20/10 (TP Điện Biên Phủ) có 32 học sinh. 100% phụ huynh trong lớp đăng ký cho con học làm quen với tiếng Anh 2 tiết/tuần. Cô giáo Ngô Thị Mỵ, chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, phụ huynh đã chủ động đăng ký học tiếng Anh cho các con. Buổi nào có lịch học trẻ đều rất hào hứng. Bạn nào cũng vui vẻ, sôi nổi tham gia và tiếp thu khá tốt. Bởi vậy phụ huynh rất ủng hộ việc học này”.

Không riêng lớp mẫu giáo lớn, hiện nhà trường có 10 lớp mẫu giáo các độ tuổi, với 310 học sinh đều được làm quen tiếng Anh. Theo cô Dương Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thì từ năm 2019 đã có phụ huynh đăng ký. Do vậy, trường phối hợp với Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (Sở GD&ĐT) tổ chức giảng dạy.

“Sau năm học đầu tiên, thấy tác động tích cực của việc làm quen sớm tiếng Anh đối với con em mình nhiều phụ huynh đã quan tâm đến nội dung này. Đến nay, gần 100% phụ huynh đăng ký học cho con”, cô Hạnh cho hay.

Theo cô Hạnh, số ít còn lại không đăng ký đều là trường hợp đặc biệt, trẻ tiếp thu chậm. Nhà trường đã chuẩn bị 1 phòng riêng để số trẻ này sang học trong các giờ dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, trên thực tế, 100% trẻ đều được tham gia học.

“Chúng tôi đã trao đổi với trung tâm tạo điều kiện để trẻ đều được tham gia, tương tác trong tiết học như các bạn khác. Vừa để các bé không cảm thấy tủi thân, hòa đồng cùng lớp. Song bên cạnh đó, một số bé vẫn ghi nhận sự tiến triển nhất định. Phụ huynh rất phấn khởi”, cô Hạnh tâm sự.

Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ là đơn vị đầu tiên tại Điện Biên triển khai phối hợp đưa tiếng Anh vào các trường mầm non công lập. Đến nay, trung tâm hợp đồng dạy tại 25 trường, cho 134 lớp, với khoảng 3.000 học sinh mầm non và tiểu học (lớp 1, 2) tham gia.

Các địa phương hiện nay triển khai hoạt động này đều là địa bàn thuận lợi, bao gồm: TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Tuần Giáo. Trong đó, riêng huyện Tuần Giáo mới dạy thí điểm năm học đầu tiên.

Theo bà Phạm Thúy, Giám đốc Trung tâm cho hay: Đơn vị hiện có 5 giáo viên tiếng Anh người nước ngoài và 15 giáo viên Việt Nam. Ngoài các yêu cầu chung về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì đối với giáo viên nước ngoài phải có đủ bằng cấp, điều kiện theo quy định, chứng chỉ dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, chứng chỉ dạy mầm non được Bộ GD&ĐT chấp nhận…

Học sinh Trường Mầm non Hoa Ban, TP. Điện Biên Phủ tham gia sân chơi “Vua tiếng Anh”.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Ban, TP. Điện Biên Phủ tham gia sân chơi “Vua tiếng Anh”.

Khó mở rộng

Cũng theo bà Phạm Thúy, mỗi giờ học trung tâm luôn bố trí 2 giáo viên đứng lớp. Chi phí để lựa chọn giáo viên người nước ngoài kèm trợ giảng người Việt là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Mặc dù được đánh giá là hợp lý, song với nhiều phụ huynh ở các huyện thì đây là số tiền lớn. Do vậy, đa phần bà con chưa có nhu cầu hoặc không mặn mà.

Bên cạnh đó, với số lượng giáo viên hiện có, trung tâm chỉ có thể bố trí, tổ chức giảng dạy tại một số địa bàn thuận lợi. Việc phải di chuyển, bố trí giáo viên đến các trường vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm lẻ giảng dạy còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Bà Trần Thị Thúy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Điện Biên) cho hay, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở đó, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan. Các cơ sở giáo dục mầm non chỉ tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh khi có đủ điều kiện theo quy định và cha mẹ trẻ có nhu cầu. Tuy nhiên, với nhiều đặc thù mang tính vùng miền, quá trình triển khai gặp không ít rào cản, vướng mắc.

Ngoài ra, theo quy định thì các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh. Do vậy, hiện những cơ sở này đều phải thực hiện hợp đồng với các trung tâm có giáo viên tiếng Anh hoặc giáo viên có đủ điều kiện.

Trong khi đó, số lượng giáo viên có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy lại hạn chế. Việc bố trí nhân lực, nhất là đến các điểm trường lẻ rất khó khăn. “Nếu muốn mở rộng, các địa phương sẽ cần sự đầu tư không nhỏ, đặc biệt là về tài chính và nhân lực”, bà Thúy cho hay.

“Theo quy định hiện nay thì các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có biên chế để dạy tiếng Anh cho trẻ, kinh phí là do cha mẹ đóng góp. Trong khi, phụ huynh ở các địa bàn này lại đa phần là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn nên nhu cầu hạn chế”, bà Trần Thị Thúy cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ