Mới đây, vấn đề này tiếp tục làm “dậy sóng” dư luận, sau khi một bác sĩ nội trú bị hãm hiếp và sát hại tại một bệnh viện công ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal.
Nữ bác sĩ nội trú 31 tuổi này được cho là đã bị hành hung và xâm hại rạng sáng ngày 9/8, ngay sau ca trực tại hội trường lớn của Bệnh viện Trường Đại học Y Radha Gobinda Kar. Điều gây phẫn nộ là vụ việc xảy ra tại một bệnh viện trường đại học, nơi đáng lẽ phải là một địa điểm an toàn cho nữ giới.
Đây không phải là lần đầu vụ việc tương tự xảy ra tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Hàng loạt cuộc biểu tình, tuần hành của người dân đã diễn ra để gây sức ép, buộc chính quyền có các biện pháp mạnh tay với những kẻ gây tội ác. Tuy nhiên, bạo lực nhằm vào nữ giới, đặc biệt là bạo lực tình dục vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Vậy nên, vụ việc ở Kolkata đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ liên quan đến quyền của phụ nữ và điều kiện làm việc nguy hiểm của ngành y tế. Chia sẻ với Đài BBC, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) R.V. Asokan thừa nhận, cộng đồng y tế nước này vốn đã phải đối mặt với vấn nạn bạo lực trong nhiều năm qua.
Các phong trào phản đối tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra ngày 9/8 lại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ông Asokan nhấn mạnh, “không nơi nào ở Ấn Độ đem lại sự an toàn cho các bác sĩ”.
Không cam lòng trước tình cảnh đó, cộng đồng bác sĩ trên khắp Ấn Độ liên tục tổ chức đình công và biểu tình toàn quốc, yêu cầu chính quyền có biện pháp bảo vệ nhân viên y tế tốt hơn. Song song với đó là các phong trào biểu tình vì quyền phụ nữ.
Ngay trước thềm kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ, đêm 14/8, hàng chục nghìn phụ nữ đã thắp đuốc tuần hành trên khắp nẻo đường thuộc thành phố Kolkata. Họ mang theo khẩu hiệu “Reclaim the Night” (Giành lại màn đêm), kêu gọi giải quyết triệt để nạn bạo lực phụ nữ, nhấn mạnh quyền sống an toàn và tự do không sợ hãi của phụ nữ.
Các cuộc bãi công, biểu tình nhanh chóng lan rộng “như cháy rừng”. Tiêu biểu, ngày 17/8, hơn 1 triệu nhân viên y tế toàn Ấn Độ tham gia cuộc đình công toàn ngành kéo dài 24 giờ. Chỉ có các dịch vụ cấp cứu duy trì hoạt động trong giai đoạn này.
Sau đó, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trên khắp Ấn Độ mà không có dấu hiệu dừng lại. Tại một số nơi, cảnh sát thậm chí đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình.
Các nhà hoạt động cho biết, vụ việc mới nhất cho thấy, phụ nữ ở Ấn Độ vẫn phải đối mặt với bạo lực tình dục mặc dù đã có luật nghiêm khắc hơn sau vụ hiếp dâm tập thể và giết hại một sinh viên 23 tuổi trên xe buýt ở New Delhi năm 2012.
Vụ tấn công năm đó đã thúc đẩy các chính trị gia ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ ác và thành lập tòa án xét xử nhanh dành riêng cho vụ hiếp dâm. Chính phủ cũng đưa ra án tử hình đối với những kẻ tái phạm.
Mặc dù, luật pháp có phần nghiêm khắc hơn, song, tình trạng bạo lực tình dục vẫn tràn lan ở Ấn Độ. Theo Cục Hồ sơ Tội phạm quốc gia, vào năm 2022, cảnh sát đã ghi nhận 31.516 báo cáo về các vụ hiếp dâm, tăng 20% so với năm 2021.