Điểm môn Lịch sử tăng: Hiệu quả từ đổi mới cách dạy và học

GD&TĐ - Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, phổ điểm môn Lịch sử tăng cao, tập trung ở mức 6,5 – 7 điểm, tăng 1,37 điểm so với năm 2021; đặc biệt, điểm liệt giảm từ 540 xuống còn 83 bài.

Cô Nguyễn Thị Mai Loan (áo vàng) - giáo viên môn Lịch sử - Trường THPT chuyên Bắc Ninh cùng học trò.
Cô Nguyễn Thị Mai Loan (áo vàng) - giáo viên môn Lịch sử - Trường THPT chuyên Bắc Ninh cùng học trò.

Không chỉ học kỹ sách giáo khoa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, môn Lịch sử có 659.600 thí sinh tham gia. Trong đó, tốp 10 tỉnh có điểm trung bình môn Lịch sử cao gồm: Vĩnh Phúc (7,17 điểm); Nam Định (7,09); Ninh Bình (7,02); Bình Dương (6,96); Phú Thọ (6.88); Hải Phòng (6,85); Bắc Ninh (6,73); Tuyên Quang (6,73); Hà Tĩnh (6,69) và An Giang (6,66).

Là một trong những thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, em Phan Thị Kim Oanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đối với em môn Lịch sử không đơn giản chỉ là học thuộc kiến thức mà còn cần vận dụng và suy luận kiến thức một cách logic.

Để có thể học tốt và hiểu được các vấn đề Lịch sử, em đọc kỹ các bài học trong sách giáo khoa. Những giờ học trên lớp, em cẩn thận ghi chép và chú ý lắng nghe sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Sau giờ học, em dành thời gian xem lại bài”.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch Covid-19, thời gian học trực tuyến dài, Oanh tìm hiểu fanpage dạy học lịch sử trên Facebook của các thầy cô khác nhau để nâng cao kiến thức. Nữ sinh học Lịch sử với tâm thế thoải mái, giống như lắng nghe một câu chuyện của quá khứ được tái hiện lại trong sách.

“Quá trình học Lịch sử em không hề thấy khô khan và khó tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, sau mỗi bài học em tìm thêm tài liệu của sự kiện đó hoặc những thông tin mà sách giáo khoa chưa đề cập đến. Do đó, em càng thấy môn Lịch sử cuốn hút và hấp dẫn hơn. Thay vì suy nghĩ học để thi, em sẽ suy nghĩ học để khám phá, để hiểu hơn quá khứ của cha ông”, Oanh nói.

Không những vậy, nhằm biến Lịch sử thành môn học hấp dẫn, Oanh tìm những video khái quát với nội dung ngắn gọn và dễ hiểu khiến em có thể học tập và ghi nhớ tốt hơn, tránh cảm giác nhàm chán trong quá trình học.

Còn nữ sinh Lê Thị Hoa, học sinh lớp 12 Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) cho rằng, muốn học tốt môn Lịch sử, cốt lõi nhất chính là sách giáo khoa. “Khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, em tìm kiếm tài liệu trên mạng Internet. Mỗi ngày em đều dành thời gian làm khoảng 2 - 3 đề để ôn luyện trước khi vào phòng thi”.

Đối với Hoa, thầy cô chính là người truyền cảm hứng, đồng hành cùng em trong những năm qua. Bởi môn Lịch sử, kiến thức trong sách giáo khoa khá cơ bản, do vậy khi học, Hoa được nghe cô kể thêm các câu chuyện lịch sử, những câu chuyện đó giúp em và các bạn hứng thú và nhớ lâu hơn.

Phan Thị Kim Oanh, học sinh Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh đạt 10 điểm môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Phan Thị Kim Oanh, học sinh Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh đạt 10 điểm môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Vai trò của người thầy truyền cảm hứng

Theo đánh giá của nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử, kết quả phổ điểm môn Lịch sử năm nay tăng cao là tin vui, tín hiệu mừng cho thấy được giá trị của môn học trong bối cảnh hiện nay.

Cô Nguyễn Thị Mai Loan – giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: Thầy cô luôn là người truyền cảm hứng cho học trò trong từng bài giảng. Khi học sinh yêu thích môn học, giáo viên sẽ tiếp tục truyền kĩ năng tư duy logic, phát huy yếu tố nội lực của mỗi học trò. Với những nội dung, vấn đề mà học trò băn khoăn, trong quá trình trao đổi, các em có quyền phản biện lại.

Dạy Lịch sử không nhồi nhét kiến thức. Trong quá trình dạy, cô giáo lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để cho học trò dễ hiểu, dễ hình dung nhất. Bởi lịch sử bắt nguồn từ cuộc sống, là quá trình liên hệ với cuộc sống thực tế chứ không phải cứ kể về nhân vật này, nhân vật kia.

Đồng tình với quan điểm của cô Loan, cô Hoàng Thị Thúy Nga - Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Ngoài sử dụng các phương pháp dạy học thông thường, giáo viên thường vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học lịch sử đặc biệt là văn học, âm nhạc.

“Để thực hiện CT GDPT mới một cách hiệu quả, trước hết giáo viên phải nghiên cứu kĩ nội dung chương trình sách giáo khoa mới, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; chú trọng tạo hứng thú học tập, phát huy vai trò chủ động của học sinh trong quá trình học…”, cô Nga cho biết.

Cô Hoàng Thị Thúy Nga, Tổ trưởng Tổ Lịch sử- Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT Hương Khê.

Cô Hoàng Thị Thúy Nga, Tổ trưởng Tổ Lịch sử- Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT Hương Khê.

Thể hiện chất lượng dạy học

Cô Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khoá XV (đoàn Bắc Ninh) cho biết: “Điểm thi THPT năm 2022 đã thể hiện được chất lượng dạy học môn Lịch sử rất cao. Các nhà trường đã quan tâm đến môn Lịch sử, tạo niềm hứng khởi cho học sinh học tập môn này. Bên cạnh đó, rất vui mừng khi Bắc Ninh lại có học sinh thủ khoa khối C00, đó là niềm tự hào không chỉ của nhà trường mà của cả tỉnh Bắc Ninh.

Từ góc độ giáo viên, tôi cũng đặc biệt mong muốn môn học này tiếp tục được quan tâm, có những kế hoạch cụ thể hơn về chiến lược làm sao đưa môn học gần hơn với học sinh, nâng cao chất lượng. Hướng ra đề, nên sát hơn nữa với tư duy của học sinh. Hiện nay đề thi đang ở hướng kiểm tra học sinh nhớ kiến thức. Điều này sẽ làm cho môn Lịch sử nặng về thông tin sự kiện và các con số khiến học sinh cảm thấy khô khan. Do đó, đổi mới cách ra đề thi, giáo viên sẽ đổi mới cách giảng dạy và học sinh sẽ hứng thú với môn học hơn”.

“Để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học môn Lịch sử, Sở GD&ĐT khuyến khích giáo viên đổi phương pháp dạy học để học sinh yêu thích hơn. Sở cũng chỉ đạo thống nhất trong việc giảng dạy chung cho toàn tỉnh đối với bộ môn này. Đồng thời, tổ chức các cuộc tập huấn, hội nghị để các thầy cô trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó là quan tâm, bồi dưỡng giáo viên cốt cán, thường xuyên tổ chức thăm, dự giờ, sinh hoạt chuyên đề môn Lịch sử”. - Ông Nguyễn Như Học - Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.