Dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo các nhà trường, các thầy cô giáo trong cả nước.
Kết nối trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn
Báo cáo về tình hình triển khai sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học và trường học kết nối, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - cho biết: Để hỗ trợ tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường, tạo môi trường chia sẻ, thảo luận, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà trường trên phạm vi toàn quốc, từ tháng 10/2014, Bộ GD&ĐT triển khai mạng giáo dục "Trường học kết nối tại địa chỉ truonghocketnoi.edu.vn.
Trên trang mạng này, giáo viên là chủ thể tham gia sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm chuyên môn nơi mình công tác, được khai thác và góp phần làm phong phú thêm kho học liệu phục vụ dạy học.
Qua 3 năm thực hiện sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học và gần 2 năm triển khai mạng "Trường học kết nối", các hoạt động đã được triển khai có hiệu quả ở nhiều trường phổ thông trên phạm vi cả nước.
Trong các văn bản chỉ đạo, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Thay cho việc dạy học đang được thực hiện theo từng bài, tiết trong sách giáo khoa như hiện nay, các tổ, nhóm chuyên môn căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với việc sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhiều sở GD&ĐT đã bước đầu có chuyển biến trong nhận thức của cán bộ quản lý về việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn. Các Sở đã chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương với những cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và nhà trường sắp xếp lại nội dung dạy học phù hợp với các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực.
Bước đầu đã có những đổi mới trong công tác quản lý chuyên môn, thực hiện tốt cơ chế quản lý chuyên môn dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường thay cho việc quản lý nặng về hành chính theo "phân phối chương trình" trước đây.
Thực hiện quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học, bước đầu các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên đã có nhận thức tốt và tự tin hơn trong việc đổi mới đồng bộ nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.
Tinh thần hợp tác dân chủ, cởi mở theo quan điểm "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" của các thành viên trong tổ, nhóm chuyên môn khi xây dựng bài học minh họa đã được thể hiện khá rõ nét thông qua việc trao đổi trên "Trường học kết nối" và trong các buổi sinh hoạt chuyên môn.
Sau 2 năm triển khai, Trường học kết nối đã thể hiện tốt vai trò kết nối trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn từ Bộ - Sở - Phòng - Trường đến giáo viên và học sinh. Thông qua trường học kết nối, giáo viên được trao đổi, thảo luận với nhau thường xuyên hơn trong sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và cụm trường.
Cán bộ quản lý từ Bộ - Sở - Phòng đến các nhà trường có thể vừa theo dõi vừa trực tiếp tham gia thảo luận, hỗ trợ về chuyên môn tới từng giáo viên, nhóm giáo viên trong sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn cũng như trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Từng giáo viên có thể tạo ra các bài học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để giao cho học sinh và thường xuyên hỗ trợ học sinh thực hiện.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo |
Kinh nghiệm sử dụng mạng Trường học kết nối tại địa phương
Tại hội thảo, các địa phương đã trình bày những tham luận về việc đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và sử dụng mạng Trường học kết nối, nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thực tế tại Lào Cai cho thấy, sinh hoạt chuyên môn ở các trường cởi mở, thân thiện hơn. Các cụm trường, cụm huyện đã chủ động phối hợp trong việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề để giáo viên được chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ.
Qua sinh hoạt chuyên môn trên Trường học kết nối, các cán bộ QLGD, giáo viên, học sinh được tiếp cận với nguồn tư liệu dạy học số hóa của các chuyên gia giáo dục đã được thẩm định, hỗ trợ hoạt động học tập, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Còn tại Bắc Giang, các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và giáo viên đã sáng tỏ hơn về cách thức triển khai và tổ chức sinh hoạt chuyên môn.Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn dần có chất lượng và hiệu quả hơn, đặc biệt với các trường triển khai mô hình Trường học mới (VNEN).
Giáo viên đã chủ động hơn trong việc linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với đối tương học sinh. Các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực được áp dụng thường xuyên hơn. Năng lực quan sát, nhận xét, giúp đỡ học sinh trong giờ học của giáo viên được nâng lên.
Các giờ học đã hướng đến hoạt động của tất cả học sinh, đảm bảo tất cả học sinh đều được học và học được, số học sinh bị "bỏ rơi" giảm.
Tại Kon Tum, việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn qua mạng được đưa vào kế hoạch thực hiện hàng tháng, hàng năm của từng đơn vị. Hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học tại trường, cụm trường trên trang truonghocketnoi.edu.vn đã trở thành hoạt động thường xuyên. Các sản phẩm đưa lên mạng phần lớn đã được thẩm định nên cơ bản đảm bảo chất lượng.
Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện trang mạng Trường học kết nối
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Những kết quả đạt được của việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn và sử dụng trường học kết nối đã thể hiện được tinh thần cố gắng và quyết tâm đổi mới của các cấp quản lý, giáo viên trong toàn ngành. Tuy còn khiêm tốn nhưng đó là điểm khởi đầu quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29 đối với việc đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về định hướng chỉ đạo thông suốt về đổi mới tổ chức quản lý các hoạt động chuyên môn theo hướng giao quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cho các nhà trường, giáo viên. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện trang mạng Trường học kết nối để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở dữ liệu và lượng truy cập. Phối hợp với công ty Intel Việt Nam hỗ trợ và khuyến khích các sở GD&ĐT tổ chức máy chủ để cài đặt Trường học kết nối. Chủ động hoàn toàn trong việc quản trị mạng để phục vụ riêng cho các hoạt động tại địa phương và kết nối với hệ thống Trường học kết nối toàn ngành.
Cùng với đó là việc tăng cường kết nối trường phổ thông với trường sư phạm. Trường sư phạm cung cấp đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà sư phạm tham gia nhận xét góp ý cùng với các tổ nhóm sinh hoạt chuyên môn. Sinh viên sư phạm được tham gia sinh hoạt chuyên môn với các tổ nhóm chuyên môn ở trường phổ thông trước khi kiến tập, thực tập sư phạm, qua đó tăng cường sự hiểu biết và phối hợp giữa các trường sư phạm và các trường phổ thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.