Điểm danh mảng công nghệ thiếu hụt nhân sự

GD&TĐ - Đà Nẵng cần khoảng 77.000 nhân sự công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp phần mềm, khu công nghệ cao và các dự án chuyển đổi số.

Sinh viên Trường Công nghệ Kỹ thuật (Đại học Duy Tân) trong giờ học thực hành An ninh mạng. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Công nghệ Kỹ thuật (Đại học Duy Tân) trong giờ học thực hành An ninh mạng. Ảnh: NTCC

Các địa phương khác của miền Trung, từ Huế, Quảng Nam đến Bình Định… cũng chứng kiến sự gia tăng nhu cầu nhân lực này.

Thiếu nhân lực có kỹ năng và chuyên môn sâu

Đà Nẵng được xem là trung tâm công nghệ thông tin lớn nhất khu vực miền Trung, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số và chuyển đổi số của vùng.

Ngành công nghệ thông tin tại Đà Nẵng trong những năm qua đã duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thường đạt trên 20% mỗi năm, nhờ vào sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Thị trường nhân lực công nghệ thông tin tại đây đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Theo ước tính của PGS.TS Nguyễn Gia Như - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật (Đại học Duy Tân), Đà Nẵng cần khoảng 77.000 nhân sự công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp phần mềm, khu công nghệ cao và dự án chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được một phần. Tính đến tháng 4/2025, số lượng lập trình viên và nhân sự công nghệ thông tin tại Đà Nẵng ước tính khoảng 44.000 người.

Con số này bao gồm cả lập trình viên làm việc tại các công ty phần mềm lớn như FPT Software, Axon Active, CMC Global, Enclave, Bravo, Softech Đà Nẵng, Rikkeisoft Đà Nẵng… cũng như các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ. So với nhu cầu thực tế, Đà Nẵng vẫn thiếu khoảng 33.000 nhân sự công nghệ thông tin, đặc biệt ở các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao.

Khảo sát của Đại học Duy Tân cho thấy, ở phạm vi rộng hơn, khu vực miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Định và Tây Nguyên) đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, nhưng quy mô nhỏ hơn so với Đà Nẵng.

Tổng số lập trình viên tại miền Trung có thể dao động trong khoảng 55.000 - 60.000 người, trong đó, Đà Nẵng chiếm phần lớn. Các tỉnh, thành khác như Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định) cũng phát triển các trung tâm công nghệ thông tin, nhưng chủ yếu tập trung vào gia công phần mềm và các dự án quy mô nhỏ.

Hiện, Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng, một số nhân viên vẫn thiếu kỹ năng chuyên môn sâu và kiến thức cần thiết cho các dự án phức tạp. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu suất của sản phẩm phần mềm. Chẳng hạn trong việc phát triển các ứng dụng AI hoặc IoT, doanh nghiệp phần mềm thường gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân lực có kiến thức sâu.

Ngoài ra, theo phản hồi của các doanh nghiệp, lao động còn yếu và thiếu kỹ năng mềm; khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và hợp tác trong môi trường đa dạng. Chưa kể một bộ phận lực lượng lao động công nghệ trẻ tại Đà Nẵng chưa nắm vững, không theo kịp một số xu hướng công nghệ trong lĩnh vực phần mềm. Đây chính là lý do nhiều công ty khó khăn trong tuyển dụng, phải đào tạo bổ sung một thời gian ngắn sau đó.

PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhận xét: “Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin đào tạo từ các trường đại học trong nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển xã hội, đặc biệt kỹ sư chất lượng cao”.

Nguyên nhân của tình trạng này do sự phát triển “nóng” của lĩnh vực chuyển đổi số, đòi hỏi tức thời nguồn nhân lực lớn. Trong khi đó, việc tăng chỉ tiêu, quy mô đào tạo từ các trường đại học cần có thời gian chuẩn bị về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo trình độ đại học tối thiếu 4 năm.

diem-danh-mang-cong-nghe-thieu-hut-nhan-su-1.jpg
Sinh viên Đà Nẵng tìm hiểu thông tin tại sự kiện công nghệ thông tin - DevDay Đà Nẵng. Ảnh: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Cung ít, cầu nhiều

Theo Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật (Đại học Duy Tân), các mảng công nghệ được Đà Nẵng ưu tiên phát triển, tuyển dụng nhưng lại thiếu hụt nhân lực như: Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng, phát triển phần mềm và gia công phần mềm, Internet vạn vật (IoT), blockchain và công nghệ tài chính (fintech).

PGS.TS Nguyễn Gia Như phân tích: “Đà Nẵng hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và thành phố thông minh, trong đó AI và Big Data đóng vai trò cốt lõi trong các dự án như phân tích dữ liệu đô thị, tối ưu hóa giao thông, và phát triển ứng dụng chính quyền điện tử.

Các doanh nghiệp lớn như LG, FPT Software, CMC Global, KMS… tại Đà Nẵng đã đầu tư mạnh vào các dự án AI”. Theo đó, nhân sự trong lĩnh vực này đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về machine learning (học máy), deep learning (học sâu) và xử lý dữ liệu lớn, nhưng số lượng chuyên gia tại Đà Nẵng và miền Trung hạn chế. Các lập trình viên có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên trong AI gần như phải tuyển từ Hà Nội, TPHCM hoặc nước ngoài.

Nhân lực an ninh mạng tại Đà Nẵng cũng khan hiếm, đặc biệt các chuyên gia có chứng chỉ quốc tế (như CEH, CISSP) và kinh nghiệm thực chiến. Sinh viên mới ra trường thường chỉ có kiến thức cơ bản, chưa đủ để xử lý các vấn đề phức tạp. Nhu cầu tuyển dụng các vị trí như Security Analyst, Penetration Tester, và Cybersecurity Engineer đang được săn đón.

Riêng nhân lực mảng phát triển phần mềm và gia công phần mềm, theo PGS.TS Nguyễn Gia Như, đây là thế mạnh truyền thống của Đà Nẵng, với sự hiện diện của các công ty lớn. Thị trường gia công phần mềm cho Nhật Bản, Mỹ, châu Âu tiếp tục mở rộng, đòi hỏi số lượng lớn lập trình viên. Dù có số lượng lập trình viên tương đối lớn, Đà Nẵng vẫn thiếu nhân sự ở cấp trung và cấp cao, đặc biệt là những người thành thạo các ngôn ngữ lập trình hiện đại và có khả năng quản lý dự án.

Cùng đó, số lượng kỹ sư có khả năng phát triển giải pháp IoT toàn diện còn rất ít. IoT được ứng dụng trong các dự án thành phố thông minh tại Đà Nẵng, như quản lý năng lượng, giám sát môi trường và tự động hóa công nghiệp.
Đây cũng là lĩnh vực tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhân sự IoT cần kiến thức kết hợp giữa phần mềm, phần cứng và mạng, nhưng tại miền Trung, nhu cầu tuyển dụng lập trình viên và kỹ sư phần mềm nhúng là các vị trí khó tuyển và cần nhân lực lớn.

Dù còn mới mẻ tại Đà Nẵng, blockchain và fintech đang được một số doanh nghiệp và startup chú trọng để phát triển các giải pháp thanh toán số, hợp đồng thông minh và quản lý chuỗi cung ứng. Đây là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế, nhưng nhân sự tại Đà Nẵng gần như không đủ đáp ứng. Các chuyên gia blockchain thường tập trung ở Hà Nội và TPHCM.

“Lách” cánh cửa tuyển dụng

Đà Nẵng có vị trí chiến lược kết nối giữa miền Bắc và miền Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông. Thành phố này đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, như các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm và khu FPT Complex, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Quy Nhơn (Bình Định) và Huế cũng nổi lên như những trung tâm công nghệ thông tin mới, tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực và chi phí vận hành thấp.

Tuy nhiên, để sinh viên công nghệ thông tin lọt qua cánh cửa nhà tuyển dụng, theo PGS.TS Nguyễn Gia Như, trước hết, các trường đại học phải vượt qua thách thức mới trong đào tạo như tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, blockchain; nhu cầu đa dạng và chuyên môn hóa sâu, khả năng thích ứng cao; các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu…

Theo nhận định của Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật (Đại học Duy Tân), AI đang tự động hóa các công việc truyền thống như nhập liệu, phân tích dữ liệu cơ bản, thậm chí thiết kế và lập trình, dẫn đến việc sinh viên không được trang bị kỹ năng mới khó cạnh tranh với máy móc và đồng nghiệp có trình độ cao hơn.

Để ứng phó với tác động của AI, các trường đại học cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, chương trình đào tạo cập nhật theo hướng AI bằng cách đưa các khóa học về học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính và khoa học dữ liệu vào chính khóa, đồng thời tích hợp kỹ năng đa ngành như kết hợp công nghệ với kinh tế, y tế, giáo dục.., để sinh viên hiểu cách áp dụng AI vào thực tế.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên thực tập trong các dự án AI thực tế, mời chuyên gia từ doanh nghiệp giảng dạy, tổ chức hội thảo hoặc hướng dẫn dự án cuối khóa, giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết, mà còn nắm bắt nhu cầu thực tế, giảm nguy cơ thất nghiệp.

“Các trường đại học đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần định hướng cho sinh viên vào các vai trò như chuyên gia phát triển AI, nhà phân tích dữ liệu, quản lý dự án công nghệ - đòi hỏi sáng tạo và tư duy chiến lược - kết hợp tăng cường môn học về quản lý, giao tiếp, thiết kế để họ có lợi thế trong công việc”, PGS.TS Nguyễn Gia Như gợi ý.

“Cần có quy định chuẩn giảng viên ngành công nghệ thông tin phù hợp với thực tế để huy động lực lượng cán bộ doanh nghiệp công nghệ thông tin có trình độ cao, kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy đại học.

Tại Việt Nam, do rào cản về tiêu chuẩn giảng viên nên các trường không huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này tới 50%. Nếu kéo dài sẽ khó phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp công nghệ thông tin”. - PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Boeing đối diện nguy cơ cực lớn

Boeing đối diện nguy cơ cực lớn

GD&TĐ - Trung Quốc đã hủy bỏ việc mua máy bay Boeing, khiến cổ phiếu của hãng sản xuất phi cơ dân dụng lớn nhất thế giới giảm mạnh.

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Sumy, Ukraine, ngày 13/4/2025.

Mỹ chặn tuyên bố của G7 về Sumy

GD&TĐ -Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ủng hộ tuyên bố của G7 lên án cuộc tấn công tên lửa gần đây của Nga vào thành phố Sumy của Ukraine.