Theo đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, một số trường THPT ở Thanh Hóa, chẳng hạn như Trường THPT Lang Chánh lấy điểm chuẩn 2,9 (trung bình chưa đầy 1 điểm/môn) là thấp nhưng không sai, bởi các em không vi phạm quy chế thi và các quy định về tuyển sinh vào lớp 10.
Từng dạy học ở vùng khó nên đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy hiểu rằng, điểm số là một chuyện, nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đó là sự nỗ lực của con em đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách nhân văn của ngành Giáo dục nói chung. Nếu ai đã từng công tác và dạy học ở những vùng đặc biệt khó khăn – nơi chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mới thấu cảm với trăn trở của những người làm giáo dục.
Để học sinh đến trường đã khó, giữ chân các em ở lại trường còn khó khăn hơn nhiều. Việc phải đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để đón học sinh đến trường không phải là chuyện xa lạ với giáo viên vùng sâu, vùng xa. Nhiều em chưa học hết tiểu học là “ngấp nghé” bỏ học để theo bố mẹ lên nương rẫy. Để các em học hết THCS là câu chuyện vượt khó của cả thầy và trò; bởi ở lứa tuổi này, bố mẹ các em thường có tư tưởng dựng vợ, gả chồng cho con.
Vì vậy, có học sinh thi vào lớp 10 và học đến THPT là điều đáng trân quý. Bởi ít nhất, các em đã vượt lên chính mình, qua rào cản của gia đình và phong tục, tập quán của địa phương. Quan trọng hơn, chúng ta nhìn thấy ở các em ý thức về sự học.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy chia sẻ: Những năm trước, nhiều trường THPT thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa không tuyển đủ chỉ tiêu. Vì thế, gần như em nào đăng ký dự thi vào lớp 10 đều trúng tuyển (nếu như không bị điểm liệt).
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Điểm chuẩn là mức tối thiểu để các em đủ điều kiện trúng tuyển vào lớp 10 của trường THPT công lập. Do vậy, chắc chắn có nhiều em đạt điểm trên chuẩn, thậm chí là đạt điểm khá – giỏi.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, thay vì chỉ trích, chúng ta nên động viên, hiến kế để các trường có kế hoạch giáo dục hợp lý và ngày một tốt hơn. “Theo tôi, nhà trường nên phân loại học sinh để xếp lớp hoặc thành lập các nhóm học sinh để có kế hoạch giáo dục hiệu quả. Đặc biệt, không nên đặt nặng kết quả hay thành tích mà cần quan tâm đến sự tiến bộ của các em trong quá trình học tập” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.