Diệc cổ tự, nơi lưu giữ “Văn tế thập loại chúng sinh”

GD&TĐ - “Văn chiêu hồn”, một tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du được tìm thấy trong một ngôi chùa có tên là Diệc tại phường Quang Trung (Vinh – Nghệ An).

Chùa Diệc thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
Chùa Diệc thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Được người địa phương gọi là Diệc cổ tự, nghĩa là một ngôi chùa cổ linh thiêng. Từ xa xưa, Diệc cổ tự đã trở thành chốn tâm linh của đông đảo Phật tử xứ Nghệ. Trong ngôi cổ tự này, ẩn chứa biết bao bí mật mà mãi cho đến sau này mới dần được khai mở.

Diệc làm mưa cứu dân

Về Nghệ An, hỏi chùa Diệc thì không ai không biết. Địa danh đó luôn được nhắc tới nhiều nhất trong lòng Phật tử, cũng là chốn danh tích thu hút đông đảo khách thập phương ghé thăm mỗi ngày.

Người địa phương đánh giá rằng, Diệc cổ tự không chỉ là một ngôi chùa mang trong mình nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa bản địa mà còn là trung tâm thờ tự xứ Đông Thành xưa với nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực đầy huyền bí lạ lùng.

Ngay cả sự hình thành ngôi chùa cũng có nhiều câu chuyện giải thích khác nhau. Nhưng có lẽ chuyện gắn với loài diệc được nhiều người đồng tình hơn cả bởi gắn với tên chùa từ xửa xưa.

Theo bà con phường Quang Trung, ngày xưa tại địa phương có cánh đồng nhiều ao chuôm do người dân đào để lấy nước tưới cho hoa màu. Vào một năm hạn hán kéo dài, ao chuôm khô sạch nước khiến cá tôm chết hết.

Dã thú và cả chim trời cũng đi hết để lại một vùng đất hoang vắng với chướng khí bao phủ. Rồi vào một ngày, cả làng bàng hoàng thấy diệc bay kín cả vùng trời.

Diệc chen chúc nhau ở các lòng ao lòng chuôm khô nẻ đất. Trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm vần vũ mây đen, giông tố nổi lên, mưa xối xả. Đồng ruộng được tưới mát, ao chuôm đầy ắp nước. Khi người trong vùng kéo nhau ra đồng thì ngạc nhiên thấy hàng trăm con diệc nằm chết la liệt.

Ai cũng bảo những con diệc này do trời phái xuống để làm mưa. Vậy là họ nhặt xác diệc lại một nơi và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ hôm ấy, đêm nào người ta cũng thấy từ gò đất ấy có đàn diệc bay lên trời. Các cụ già trong vùng mới quyết xây trên gò đất một ngôi chùa đặt tên Diệc.

Đời vua Thành Thái (1873), đất Vinh mới được nhà vua ký đạo dụ thành lập thị xã. Trước đó rất lâu, năm 1742, chùa Diệc đã được dựng lên. Thuở ban sơ, chỉ là một ngôi nhà gianh nho nhỏ, tường vách sơ sài, bao quanh bởi khu vườn rậm rạp. Năm này qua năm khác, chim muông kéo nhau về rất đông và khách thập phương về lễ bái tấp nập.

Ngày rằm tháng Bảy năm ấy, vị sư trụ trì tại chùa nằm mơ thấy chim diệc bay về kín vườn, rồi lại rủ nhau bay về trời. Bà con dân làng bàn nhau góp công đức, xây dựng chùa lớn với Thượng – Hạ điện, tam quan lầu gác chuông đường bệ. Cửa chùa luôn đề đôi câu đối: “Thiền môn quang phổ độ/Vĩnh thủy viễn trường lưu” với “Nhân tâm cầu hòa lạc/Phật pháp thượng tín trung”.

Nhưng cũng có thuyết nói rằng Diệc Cổ tự được khởi dựng từ thời nhà Trần. Khi đàn chim diệc không biết từ đâu bay về nằm chết la liệt, lúc mọi người chạy ra xem thì trời đổ mưa to.

Người dân nơi đây cho rằng, vì thương cảnh trăm dân không có nước tưới tiêu trồng trọt, ăn uống sinh hoạt nên Trời đã cho đàn chim diệc xuống làm mưa. Vì thế, nhân dân gom xác những con chim diệc này và đắp thành một gò nhỏ. Kì lạ là vào ban đêm chính tại gò này, người ta thấy đàn chim diệc bay về trời. Để tưởng nhớ, dân đã dựng nên một ngôi chùa đặt tên là Diệc.

Thầy giáo tìm ra “Văn tế chiêu hồn”

Chùa Diệc tọa lạc tại phường Quang Trung – TP Vinh.
Chùa Diệc tọa lạc tại phường Quang Trung – TP Vinh.

Cho đến nay, nhiều người thuộc lòng tác phẩm “Văn tế chiêu hồn”, hay còn gọi là “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du. Bài văn tế cũng trở thành một bài tế được dân gian truyền tụng khấn trong ngày rằm tháng bảy hằng năm.

Bài văn tế với 184 câu chia làm bốn phần và được đánh giá là một bài văn khấn tế đề cập đến xã hội hồn ma một cách thảm thương nhất. Đó là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt cơ bản ở chỗ không có đối lập giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn.

Những câu thơ bất hủ mà Nguyễn Du đã viết: “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô/Não người thay buổi chiều thu/Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…” là những lời ở đầu tác phẩm duy nhất, nói đến những người chết, nói đến cái chết dưới trăm tình thế và thực chất lại là sự ôm trùm rộng rãi những người sống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong bộ sách “Từ điển Văn học” bộ mới do Nhà xuất bản Thế giới năm 2004, tại trang 172 có ghi “người đầu tiên phát hiện bài văn tại chùa Diệc ở thành phố Vinh là GS Lê Thước”. Nhà chùa cũng cho biết, từ xưa giữa nhà chùa và các thầy giáo, học sinh trường Quốc học Vinh có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Từ mối liên hệ này, đã dẫn đến một sự kiện văn học quan trọng: Năm 1926, thầy giáo Lê Thước (GS Lê Thước, Trường Quốc học Vinh – PV) đã phát hiện được văn bản gốc Văn chiêu hồn, tức Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du ngay tại chùa Diệc.

Thầy giáo Lê Thước sinh năm 1891, quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Thầy giáo Thước từng dự kỳ thi Hương cuối cùng ở trường Nghệ vào năm 1918 và đậu giải Nguyên. Sau đó thầy Thước chuyển sang con đường Tây học để thuận đường nghiên cứu.

Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thầy Thước về Nghệ An thành lập “Hội Hàn lâm Nghệ An” và dạy Trường Quốc học Vinh. Nhà trường ở gần chùa Diệc nên vào ngày nghỉ, thầy giáo thường sang chùa trò chuyện với nhà sư già. Thấy sư già là người am hiểu nên Lê Thước càng thích gần gũi.

Một hôm, thầy chùa cho thầy giáo Thước xem bản chép tay bằng chữ Nôm tác phẩm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Xem xong, thầy Lê Thước sướng run người vì vô tình mà tìm được Văn chiêu hồn đã từng lưu lạc hàng trăm năm mà chưa hề có ai nhắc đến.

Đó là một sự tình cờ, cũng là một cái duyên khi Văn chiêu hồn được lưu giữ ở chùa Diệc. Ngôi chùa này cách quê hương đại thi hào Nguyễn Du khoảng 15 cây số, đó là sự sắp đặt kỳ lạ để cất giấu tác phẩm nhân ái cho hậu thế.

Nhờ duyên tình cờ giữa thầy giáo Lê Thước với chùa Diệc mà tác phẩm Văn chiêu hồn được phát hiện và phổ biến rộng rãi như hiện nay. Bài văn tế cũng trở thành một chuẩn mực mang tính tâm linh mà hiện nay, những người làm công tác tín ngưỡng thực hành khấn tế chúng sinh vào rằm tháng Bảy.

Tam quan hồn Diệc

Bia đá cổ ở chùa Diệc.
Bia đá cổ ở chùa Diệc.

Kể từ ngày tìm thấy Văn chiêu hồn trong chùa Diệc, đến nay theo truyền thống, tháng bảy âm lịch người ta thường làm lễ cầu siêu cúng tế các cô hồn lưu lạc nơi đầu đường xó chợ. Nhiều ngôi làng, nhiều nhà chùa cùng đền miếu phủ quán đã dùng bài Văn chiêu hồn để cầu siêu cho người đã mất.

Lời lẽ văn chương đầy nhân ái của Nguyễn Du đã làm rung động tới những nơi sâu nhất của cuộc đời khi ông viết về những cô hồn: “Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn/Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra/Lôi thôi bồng trẻ dắt già/Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh”.

Theo truyền thuyết, chùa Diệc được xây trên gò diệc và trở thành chốn tâm linh của Phật tử xứ Nghệ.
Theo truyền thuyết, chùa Diệc được xây trên gò diệc và trở thành chốn tâm linh của Phật tử xứ Nghệ.

Chùa Diệc bây giờ, có lẽ chỉ còn mỗi cổng tam quan là nguyên vẹn dáng cũ tích xưa; và may nữa là mấy tấm bia đá còn sót lại ghi việc công đức thời các cụ tu bổ cổ tự. Phía tam quan cổ kính, nhà chùa bảo rằng đó là gò đất xưa gắn với xác diệc.

Chẳng biết bao giờ diệc mới lại bay về chùa? Và đồ rằng, việc diệc có bay về nữa hay không cũng chẳng phải điều quá quan trọng. Quan trọng là nhà chùa làm cách nào giữ lại được nguyên vẹn tam quan cổ kính. Giữ được tam quan là giữ được hồn diệc, bởi chính nơi tam quan ngự là gò đất nhỏ xưa kia người dân chôn xác diệc. Và diệc cùng từ chốn tam quan linh thiêng này mà bay về trời.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong Văn tế chiêu hồn, Nguyễn Du gợi lên những hình ảnh đau xót của thời đại ông sống. Có những người ở tầng lớp trên, nhưng đa số là những người ở tầng lớp dưới.
Trong tầng lớp trên thì lòng thương của ông dành cho những người “chân yếu tay mềm”, do hoàn cảnh đang “màn lan trướng huệ” bỗng chốc bơ vơ như chiếc lá giữa dòng. Còn tầng lớp dưới thì có thể nói đủ mặt, từ người học trò ốm đau dọc đường đến chết phải “liệm sấp chôn nghiêng” đến những “tiểu nhi tấm bé” chết yểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.