Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho thí sinh
Phát biểu tham luận tại Hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến", diễn ra tại TP Đà Nẵng vào ngày 31/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, đối với ngành GD&ĐT là ngành có quy mô rất lớn với hơn 24 triệu người học, trên 52.000 cơ sở giáo dục gần 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT xác định thực hiện dịch vụ công trực tuyến là nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh cải cách hành chính, mang lại sự thuận tiện cho người học, nhà giáo, phụ huynh và người dân khi tham gia các thủ tục hành chính trong ngành giáo dục.
Với hàng trăm thủ tục hành chính của ngành giáo dục, ngành đã chọn ra những thủ tục hành chính có nhiều người tham gia nhất để ưu tiên số hóa thành các dịch vụ công trực tuyến.
“Ngành Giáo dục có 1 kỳ thi rất lớn hàng năm là kỳ thi Tốt nghiệp THPT với trên 1 triệu thí sinh và xét tuyển vào các trường đại học trên 700 ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển. Đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất trong cả nước, với hàng triệu thí sinh tham gia và dành được sự quan tâm đặc biệt từ các thí sinh, gia đình và xã hội. Bộ GD&ĐT ưu tiên và chuyển đổi số để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với kỳ thi này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với kỳ thi Tốt nghiệp THPT mỗi thí sinh được cấp một tài khoản theo mã căn cước công dân để tự thực hiện đăng ký hồ sơ dự thi, 100% thí sinh học lớp 12 thực hiện trực tuyến việc này.
Đối với kỳ xét tuyển vào đại học sau khi kết thúc kỳ thi Tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục triển khai dịch vụ công trực tuyến về đăng ký xét tuyển đại học. Mỗi thí sinh được cấp một tài khoản có thể dùng tài khoản định danh VneID để đăng ký các nguyện vọng xét tuyển chọn nguyện vọng cần đăng ký, chọn trường, chọn ngành, chọn phương thức xét tuyển, đóng lệ phí xét tuyển trực tuyến được kết nối với hệ thống thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống xét tuyển chung trực tuyến sẽ công bố kết quả trúng tuyển, các thí sinh sẽ đăng ký nhập học bằng hình thức trực tuyến.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho hay, năm 2024 đã hoàn thành dịch vụ với hơn 730 ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, hơn 4,5 triệu nguyện vọng đăng ký, hơn 700 ngàn giao dịch đóng lệ phí trực tuyến.
“Toàn bộ quy trình đăng ký, nộp lệ phí, xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện trực tuyến. Với việc triển khai dịch vụ trực tuyến này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí, công sức đi lại của các thí sinh, mang lại sự công khai, minh bạch và hiệu quả của công tác tuyển sinh đại học hàng năm. Mỗi thí sinh khi trải nghiệm tham gia dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần nâng cao năng lực số và nhận thức về trách nhiệm công dân với các dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, đối với kỳ thi Tốt nghiệp THPT đây là kỳ thi với quy mô rất lớn, các yêu cầu và độ chính xác về thời gian cao, nên cũng là thách thức lớn. Vì vậy Bộ GD&ĐT đã triển khai với quyết tâm cao trên tinh thần dám làm.
Trong quá trình triển khai lựa chọn đúng dịch vụ để làm trực tuyến sẽ tạo nên sự đồng thuận lớn từ người dân và các cơ quan quản lý, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, các dịch vụ mới.
" Để triển khai chuyển đổi số nói chung và thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói riêng, quan trọng là phải số hóa dữ liệu, và có dữ liệu sạch. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông cho đến đại học.
Với dữ liệu số hóa của hơn 26 triệu hồ sơ người học, gần 2 triệu hồ sơ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ ngành giáo dục, của 52.000cơ sở giáo dục mầm non - phổ thông và gần 500 cơ sở đào tạo đại học. Cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục đã kết nối và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu về công chức- viên chức theo đúng tiến độ của Đề án số 06 (Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 – PV)”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Để thực hiện được thành công dịch vụ cấp quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, cần có sự phối hợp hỗ trợ chặt chẽ của các Bộ ngành để có dữ liệu sạch, xác định được đúng danh tính của thí sinh cần phải kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để có thể thanh toán trực tuyến trên phạm vị toàn quốc cần có sự hỗ trợ của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng như Bộ TT-TT hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn thông tin hệ thống.
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, hiện Bộ đang đẩy mạnh triển khai học bạ số, tới đây là văn bằng số để hướng đến không sử dụng học bạ giấy, văn bằng giấy, tạo nền tảng dữ liệu có tính pháp lý cao để triển khai có hiệu quả các hoạt động dịch vụ công trực tuyến của GD&ĐT.
“Đây là kết quả thành công bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến của ngành GD&ĐT. Chúng tôi xem đây là bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các dịch vụ khác trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã kết nối với Đề án số 06, bởi 1 triệu thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT 2024 là dữ liệu số lớn phục vụ cho việc quản lý dân cư về sau.
Thủ tướng cho rằng, từ dịch vụ công trực tuyến đã thiết yếu hóa vấn đề đi thi Tốt nghiệp, xét tuyển Đại học cho nên nhận được sự hưởng ứng 100% người dân. “Lựa chọn vấn đề thiết yếu, đúng vấn đề, thiết thực với người dân thì hiệu quả rất cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.