Răn đe hạt nhân

GD&TĐ - Nga tuyên bố bác tin nước này đang đàm phán với Ukraine, một động thái như cú bồi dập tắt tia hy vọng về thỏa thuận cho cuộc xung đột hiện nay.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngay sau cuộc tập trận lực lượng hạt nhân chiến lược, ngày 31/10 Nga tuyên bố bác tin nước này đang đàm phán với Ukraine, một động thái như cú bồi dập tắt tia hy vọng về thỏa thuận cho cuộc xung đột hiện nay.

Các cuộc tập trận gồm phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ các bệ phóng trên không, trên biển và trên bộ được Nga tổ chức từ ngày 29/10.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết chi tiết rằng, các lực lượng nước này đã thực hiện diễn tập nhiệm vụ tấn công hạt nhân hàng loạt bằng các lực lượng răn đe chiến lược nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ địch.

Theo đó, Nga đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars từ Sân bay vũ trụ Plesetsk tại bãi thử ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông. Ngoài ra, các quả tên lửa đạn đạo Sineva và Bulava cũng được phóng thử từ tàu ngầm hạt nhân Novomoskovsk ở biển Barent và tàu ngầm hạt nhân Knyaz Oleg ở biển Okhotsk.

Một loại vũ khí chiến lược hạng nặng khác cũng được Nga tung vào cuộc tập trận mang nhiều mục đích răn đe này là các máy bay tầm xa Tu-95MS để phóng thử các loại tên lửa hành trình mang theo. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng của mình đã chứng minh được độ sẵn sàng cho nhiệm vụ răn đe chiến lược sau cuộc tập trận trên.

Cuộc tập trận quy mô lớn của Nga diễn ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vũ khí hạt nhân là biện pháp cực đoan và đặc biệt để đảm bảo an ninh quốc gia. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của loại vũ khí này trong bối cảnh xuất hiện các mối đe dọa và rủi ro mới từ bên ngoài và lực lượng chiến lược Nga được yêu cầu luôn sẵn sàng chiến đấu.

Đáng chú ý, cuộc tập trận của Nga cũng chỉ diễn ra khoảng hai tuần sau cuộc tập trận mang tên Steadfast Noon của NATO bắt đầu từ ngày 14/10, với sự tham gia của 13 thành viên trong khối, gồm khoảng 2.000 quân nhân và 60 máy bay các loại. Đây là cuộc tập trận kiểm tra việc triển khai vũ khí do Mỹ cung cấp theo thỏa thuận “chia sẻ hạt nhân” của NATO.

Hai cuộc tập trận quy mô lớn liên quan đến vũ khí hạt nhân của cả khối NATO và Nga trong những ngày qua phần nào phản ánh sức nóng của cuộc xung đột Nga – Ukraine không chỉ có ở các mặt trận tiền tuyến. Các lực lượng liên quan đến cuộc xung đột này đã tung các đòn tập trận chiến lược như một tín hiệu gửi đến nhau.

Tình hình căng thẳng hơn khi Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 31/10 tuyên bố thông tin về việc Nga và Ukraine đang đàm phán dừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau là “lừa bịp”. Ông Peskov khẳng định, thông tin do tờ Financial Times đưa ra này nhằm cố tình gây hiểu nhầm, vì Nga không có cuộc đàm phán nào với Ukraine vào thời điểm hiện nay.

Hiện, Nga vẫn kiên định với mọi điều khoản tiên quyết để bước vào đàm phán trong sáng kiến hòa bình mà Tổng thống Putin đưa ra hồi đầu năm nay, đó là Ukraine phải rút quân khỏi các vùng đã bị sáp nhập vào Nga và từ bỏ việc tìm cách trở thành thành viên của NATO.

Trong khi đó, cho đến nay Ukraine vẫn chưa có ý định thực hiện bất kỳ điều khoản tiên quyết nào do Nga đưa ra để có thể bước vào đàm phán. Còn cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện vẫn ngày càng khốc liệt trên các mặt trận tiền tuyến, đồng thời còn tăng thêm sức nóng từ những động thái của các bên liên quan như những cuộc tập trận răn đe hạt nhân vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.