Trong một thông báo được gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), phái đoàn Ukraine cho biết, có ba vị tướng Triều Tiên nằm trong số ít nhất 500 sĩ quan nước này được cử tới Nga.
Người đầu tiên được nêu tên là Thượng tướng Kim Yong Bok, chỉ huy cấp cao phụ trách lực lượng đặc nhiệm, bao gồm Quân đoàn XI, còn được gọi là Quân đoàn Bão táp.
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, binh lính từ quân đoàn đó hiện đã có mặt tại Nga. Ông Kim Yong Bok được cho là đại diện chính thức của Triều Tiên tại Nga.
Người thứ hai trong danh sách là Đại tá Ri Chang-ho, phó Tổng Tham mưu trưởng, và là người đứng đầu Tổng cục Trinh sát.
Ông Ri Chang-ho đã từng được nhìn thấy cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một số sự kiện quân sự, bao gồm cả một cuộc kiểm tra căn cứ hải quân Triều Tiên.
Là người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Triều Tiên kể từ khoảng năm 2022, ông Ri từng bị Hàn Quốc trừng phạt, với cáo buộc rằng, ông giám sát các nỗ lực tấn công mạng lớn nhằm đánh cắp công nghệ và ngoại tệ.
Vị tướng thứ ba là Thiếu tướng Shin Kum-chul – Trưởng phòng Tác chiến Chính.
Cũng tại cuộc họp của HĐBA LHQ hôm 30/10, đặc phái viên Nga, Vassily Nebenzia, cho biết, hợp tác quân sự giữa Moscow và Bình Nhưỡng không vi phạm luật pháp quốc tế, và rằng, họ có quyền tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác của mình.
Trong khi đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, bình luận về hợp tác quân sự gần đây giữa Moscow và Bình Nhưỡng, nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này bao gồm hợp tác trong mọi lĩnh vực có thể, và không gây ra bất kỳ lo ngại hay sự quan tâm quá mức nào từ phía các quốc gia khác.
Theo quan chức ngoại giao Nga, thỏa thuận này nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương và phù hợp với các nguyên tắc hợp tác cùng có lợi.
Những bình luận này được Điện Kremlin đưa ra sau bối cảnh các cuộc thảo luận quốc tế và lo ngại về hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên, tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh rằng, các thỏa thuận như vậy là thông lệ chung, và phản ánh mối quan hệ bình thường giữa các quốc gia.
“Hợp tác giữa Nga và Triều Tiên đòi hỏi nhiều tương tác, bao gồm các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo, chính vì vậy không nên là lý do khiến các quốc gia khác lo ngại”, ông Peskov kết luận.