Dịch thơ - cuộc thám hiểm vượt thời không

GD&TĐ - Dịch thơ, có thể xem là công việc khó nhất trên đời, nhưng đồng thời, lại là việc thú vị nhất đối với những ai liều mình dấn thân.

Dịch giả Thụy Anh.
Dịch giả Thụy Anh.

Câu chữ trong thơ là nghệ thuật của từng tác giả, luôn mang phong cách riêng với màu sắc và mùi vị không lặp lại. Nhạc điệu trong thơ cũng là một thách thức đối với người dịch.

Những đòi hỏi đó vừa thách thức người dịch, đồng thời lại quyến rũ họ. Dịch thơ, nghĩa là bạn đã dọn sạch tâm trí mình, để trở nên trong suốt và có thể thẩm thấu được một tinh thần mới mẻ, nguyên bản vô điều kiện, không định kiến. Nó cho phép bạn vượt qua thời gian, không gian để thám hiểm vẻ đẹp khác biệt của văn hóa, của tâm hồn người.

Nhưng có thể đó chỉ là cảm nhận riêng của mỗi người. Còn những dịch giả khác thì sao? Chúng ta cùng tiếp xúc với một số dịch giả thơ Việt Nam và quốc tế, ở tầm tuổi trung niên, để nghe họ chia sẻ về mục đích dịch thơ – một món ngon mà không dễ xơi.

Dịch giả Nguyễn Thụy Anh

Người Nga đặc biệt coi trọng các nhà thơ. Chẳng thế mà Pushkin tin rằng, tượng đài của nhà thơ trong lòng dân chúng còn “cao hơn tượng đài Aleksandr đệ nhất”: “Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm/Không bởi sức tay người!/Đường tới viếng/Cỏ không trùm mất dấu bước thế nhân/Đỉnh tháp ngang tàng sẽ ngẩng cao hơn/Cả trụ thờ Alecxanđrơ đệ nhất/Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết!/Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan/Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân/Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi” (Thúy Toàn dịch). Còn Evghenhi Evtushenko thì khẳng định: “Thi sĩ ở nước Nga còn hơn là thi sĩ!”.

Ông cho rằng, thi sĩ ở nước Nga có sứ mệnh riêng và vì thế, số phận của họ cũng dữ dội trong sự tận hiến trước thi ca.

Dịch thơ Nga, tôi có cơ hội được nhìn sâu vào lương tâm thời đại của nước Nga, chia sẻ với họ những cảm xúc thấm đẫm vinh quang, thống khổ, đồng thời cũng hiểu đến tận cùng tình yêu thuần khiết mà người Nga dành cho thiên nhiên hào phóng và đầy bất trắc, cho Tổ quốc và tinh thần Nga giản dị mà không đo được bằng thứ thước đo thông thường.

Với tôi, mỗi lần chuyển ngữ một bài thơ Nga là một lần giải mã một điều bí ẩn sâu xa trong tâm hồn một dân tộc, cho dẫu đó là lời tự sự của một cô nàng luỵ tình, dòng suy ngẫm của một triết gia hay nỗi niềm hân hoan của người chiến thắng...

Dịch giả Võ Như Mai

Dịch giả Võ Như Mai.

Dịch giả  Võ Như Mai.

Tôi thường thích làm những gì chưa ai làm. YouTube là cây cầu âmnhạc, phim ảnh, tin tức, văn hóa... thì đã quá rõ, nhưng chưa thực sự thành cầu văn học. Thơ là đối tượng khá dễ qua cây cầu ấy. Đọc thơ thì cũng nhiều; dịch thơ còn nhiều hơn. Nhưng vừa làm người dịch lẫn người đọc thì tôi chưa thấy ai.

Thế là tôi liều mạng nhào dzô. Làm việc vừa khó vừa khổ này, tôi có niềm vui nho nhỏ là giúp các nhà thơ đến với nhiều độc giả tiếng Việt hơn nữa, dẫu họ thành danh hay chưa (mà các tác giả của tôi đa số là “nhân tài trong tương lai”), và cũng tin là họ sẽ lọt vào mắt xanh dù rất hiếm các bạn đọc tiếng Anh trên thế giới.

Cũng là người làm thơ, tôi rất thấu hiểu nỗi buồn và niềm vui của dân thi sĩ. May mắn có được chút tiếng Anh tôi nghĩ mình có thể dành chút thời gian và công sức cho cái việc dịch thơ nhọc nhằn mà lý thú không dễ ai có được này.

Tôi bắt đầu chuyển ngữ thơ của một số tác giả: Nguyễn Ngọc Hưng, Mai Văn Phấn, Võ Quê, Mai Hữu Phước, Võ Văn Hoa... bắt đầu từ năm 2011, đăng Facebook cho vui vậy thôi chứ cũng không nghĩ là sẽ làm gì nhiều hơn thế. Sau đó, Facebook tôi bị hack và thơ Việt, thơ chuyển ngữ mất sạch, tôi nghỉ tham gia mạng xã hội một thời gian khá lâu và mới quay trở lại một năm nay khi bắt đầu giãn cách xã hội.

Hiện tại, tôi cũng chưa có kênh YouTube riêng mà mỗi clip thực hiện xong tôi đưa cho cháu gái đăng lên YouTube của cháu. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ tạo tài khoản riêng và tự đăng để các bạn dễ theo dõi hơn.

Với mỗi clip thực hiện cho từng tác giả khác nhau, tôi chẳng phải quảng bá gì mà mỗi tác giả đều có lượng độc giả riêng của họ. Ngày xưa, tôi cực kỳ bé con, nhút nhát và giọng rất yếu, nhưng sau hai mươi mấy năm đứng trên bục giảng, tôi tự tin hẳn ra, giọng cũng khỏe hơn. Sau một, hai clip ban đầu, tôi cũng ngạc nhiên vì mình có thể nghe được giọng của mình.

Dịch giả Sanjay Borude (Ấn Độ)

Dịch giả Sanjay Borude.

Dịch giả Sanjay Borude.

Mục đích niềm đam mê dịch thơ của tôi là được tìm hiểu về thơ đương đại trên toàn thế giới. Vì tôi cũng là một nhà thơ, tôi cần tư duy về thơ toàn cầu. Bởi vì văn học là đại diện của xã hội.

Các vấn đề toàn cầu hầu như giống nhau. Con người từ bất cứ một quốc gia nào, đều xứng đáng được hưởng cải cách, tiến bộ, bình đẳng, cuộc sống hòa bình và thịnh vượng. Để tăng cường mối quan hệ, hợp tác của con người, thì sứ mệnh của tôi là dịch thơ.

Để cải thiện năng lực văn học nên tôi học hơn hai ngôn ngữ, rất thích dịch thơ văn. Tôi háo hức muốn biết các nhà thơ trên thế giới suy nghĩ như thế nào về các vấn đề toàn cầu hiện nay, ví dụ vấn đề môi trường chẳng hạn. Việc dịch thơ giúp tôi đánh giá bản thân trong vai trò một tác giả.

Tôi thích thú với sắc vị thơ ca của các ngôn ngữ khác. Tôi thích học các phong cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh, miêu tả và nội dung, cũng như giá trị của thơ văn nước ngoài. Nó giúp tôi cải thiện năng lực viết của mình cũng như văn học Ấn Độ nói chung.

Dịch giả Bhawana Pokhrel (Nepal)

Dịch giả Bhawana Pokhrel.

Dịch giả Bhawana Pokhrel.

Mỗi khi dịch thơ, tôi luôn sợ sẽ rời xa ý nghĩa gốc của bài thơ. Trong nỗ lực mới đây, tôi dịch thơ Việt Nam sang tiếng Nepal. Tôi thích dịch thơ bởi nghệ thuật là không có ranh giới và không nên chỉ giới hạn một giá trị nghệ thuật trong một quốc gia.

Chúng ta là con người, chúng ta thích chia sẻ, đọc thơ người khác và được người khác đọc tác phẩm của mình. Sự chia sẻ ấm áp này tạo cho chúng ta động lực để cất lên tiếng nói, mong được lắng nghe đồng cảm, giống như ta được nghe tiếng người thân ở một nơi xa vọng về.

Với cương vị là một trợ giảng cho một giáo sư văn học, tôi muốn việc dịch văn học của mình sẽ khiến mọi người trên thế giới cảm thấy gần gũi như trong một ngôi nhà chung, không phân biệt và không quá khác biệt.

Dịch giả Đỗ Mai Hòa

Tôi có may mắn được đào tạo nghiệp vụ phiên dịch - biên dịch tại Khoa Tiếng Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Hà Nội), được tiếp cận và nghiên cứu nhiều dạng văn bản dịch từ đó. Nhưng chỉ sau khi gặp và quen nhà văn - nhà thơ - dịch giả Kiều Bích Hậu, tôi mới bắt đầu dịch thơ.

Thơ là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật nên việc chuyển thể chưa bao giờ dễ dàng và luôn thách thức các dịch giả. Người viết thơ có những xúc cảm và biểu đạt riêng, người đọc thơ cũng sẽ có những xúc cảm và cảm thụ riêng nữa.

Dịch giả Mai Hòa.
Dịch giả Mai Hòa.

Không nghĩ là tôi có thể hiểu hết và chuyển tải trọn vẹn được tư tưởng, hàm ý cô đọng, súc tích cùng các dạng thức biểu cảm của tác giả. Nhưng trong một nỗ lực cá nhân, tôi luôn tìm tòi, trăn trở để phát hiện ra cách biểu đạt phù hợp nhất có thể.

Cố gắng sao cho giữ được đầy đủ các thông điệp mà tác giả gửi gắm dưới văn phong và ngôn ngữ tiếng Việt, sao cho gần gũi nhất với độc giả Việt. Thơ tự do là thể thơ yêu thích của tôi và đó cũng là thể thơ mà các tác giả trên thế giới biểu đạt.

Dịch giả Khánh Phương

Dịch giả Khánh Phương.

Dịch giả Khánh Phương.

Thơ ca là nghệ thuật ngôn từ. Con người nói chung và nhà thơ nói riêng giao tiếp được với nhau nhờ có ngôn ngữ, nhưng khi ngôn ngữ bất đồng thì chính nó lại cản trở giao tiếp. Mặc dù vậy, sự giao tiếp thơ ca giữa các quốc gia vẫn diễn ra, một phần quan trọng là nhờ một công việc được gọi tên là dịch thuật.

Rất nhiều nhà thơ Việt Nam muốn thưởng thức thơ ca của các nhà thơ nước ngoài và ngược lại cũng có nhiều nhà thơ nước ngoài muốn thẩm vị thơ ca Việt Nam. Chính vì vậy, tôi muốn là cầu nối về ngôn ngữ để góp phần nhỏ bé của mình chuyển tải thơ ca của Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, muốn đưa hơi thở thơ ca của các nhà thơ nước ngoài giới thiệu cho người Việt Nam.

Dịch thơ ca chưa bao giờ là giản đơn, dễ dàng. Rất khó có thể chuyển được toàn vẹn ý tưởng, tình cảm cũng như hình thức nghệ thuật khi dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại xem đó là niềm vui mà ngôn ngữ thách thức để rồi sau mỗi lần tìm ra đáp án trong từng câu chữ, niềm hạnh phúc như được vỡ òa.

Trong sự chuyển giao ngôn ngữ ấy, tôi cố gắng nhất có thể để ngữ nghĩa của phiên bản gốc không bị “mất đi”, cùng với đó, tôi muốn thổi thêm chút hơi thở của thơ ca Việt Nam để mưu cầu thêm phần giá trị và cũng để người Việt thẩm thơ dễ dàng hơn.

Chính vì thế, tôi yêu thích nhất sử dụng cú pháp của dạng thơ ca lục bát để chuyển dịch ngôn ngữ của các nhà thơ nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ