Dịch tả lợn châu Phi: Khuyến cáo dành cho người chăn nuôi

GD&TĐ - Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát rộng ở nhiều quốc gia và lan đến các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản… Đây là loại virus độc lực cao chưa có vắc xin phòng chống, nhưng đáng lo ngại hơn, dịch bệnh đang có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.  

Virus gây bệnh tả lợn châu Phi rất khỏe có thể tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng trong thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn
Virus gây bệnh tả lợn châu Phi rất khỏe có thể tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng trong thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn

Việt Nam có nguy cơ xâm nhiễm lớn

Ông Juan Lubroth - Giám đốc Chương trình Thú y toàn cầu của Quỹ Nông lương Liên Hiêp Quốc (FAO) cho biết: “Dịch tả lợnchâu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua việc vận chuyển, lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh và gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian”.

Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9/2018, Trung Quốc đã có 14 ổ dịch tại 6 tỉnh với hơn 38.000 con lợn phải tiêu hủy. Việt Nam có đường biên giới giáp Trung Quốc, vì vậy, các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giữa hai nước nếu không được kiểm soát kỹ thì nguy cơ virus bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta là rất lớn.

Trước nguy cơ lây lan này, ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg điện Bộ NN&PTNT tập trung các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm nói trên.

Chưa có vắc xin phòng chống

Theo Bộ Y tế, chỉ có lấy mẫu xét nghiệm mới xác định chính xác bệnh tả lợn châu Phi. Lợn bị bệnh này có các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn thông thường ở Việt Nam nên rất khó phát hiện.

“Công tác phòng bệnh là giải pháp tốt nhất ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Có hai nhóm giải pháp là phòng từ ngoài vào qua việc kiểm soát biên giới, kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và phòng tại chỗ tại các cơ sở chăn nuôi qua việc thực hiện đúng quy trình phòng các loại bệnh tật trong đó có bệnh này”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Lợn bị bệnh tả châu Phi cũng có các triệu chứng: Sốt cao, nằm ủ rũ, lười ăn và vận động… Lợn có dáng đi bất thường, nhiều vùng da chuyển sang màu đỏ. Trước khi chết 1, 2 ngày, lợn đi không vững, thở gấp, có bọt lẫn máu ở mũi, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón, phân cứng có chất nhầy và máu…

Nếu bị bệnh ở thể cấp, lợn sẽ chết trong khoảng 6 - 20 ngày. Thể nhẹ hơn, lợn sẽ chết trong khoảng 15 - 40 ngày. Đây là loại virus độc lực cao lây lan chậm, lợn nhiễm bệnh không chết hàng loạt một lúc nhưng tỉ lệ chết gần như 100%.

Virus gây bệnh tả lợn châu Phi rất khỏe, có thể tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng trong thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn. Bệnh tập trung nhiều ở lợn từ 12 tuần tuổi trở lên và hiện chưa lây sang người.

Phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn dịch bệnh tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam diễn ra mới đây, ông Ken Inui, chuyên gia Phòng thí nghiệm, Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (FAO) đã khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn. Không dùng thức ăn thừa, không sử dụng chung kim tiêm cho đàn lợn, vì đây là đường lây bệnh nguy hiểm. Thường xuyên vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, người chăn nuôi và phương tiện ra vào khu vực…

Thường xuyên vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, người chăn nuôi và phương tiện ra vào khu vực

Thường xuyên vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, người chăn nuôi và phương tiện ra vào khu vực

Khi thấy lợn có dấu hiệu của bệnh tả như trên hoặc thấy lợn chết không rõ nguyên nhân hay những sản phẩm chế biến từ lợn nhập khẩu không rõ nguồn gốc, người chăn nuôi và tiêu dùng phải báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để lấy mẫu xét nghiệm trước khi đem đàn lợn và các sản phẩm đi tiêu hủy. Đồng thời tạm đóng cửa, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và xung quanh vùng có bệnh. Hiện nay, hệ thống các phòng phân tích của ngành thú y ở Việt Nam đều có khả năng xác định bệnh.

“Bệnh tả lợn châu Phi có tỉ lệ lợn chết gần như 100% và chưa có vắc xin phòng bệnh nên người nông dân không nên chữa trị khi lợn mắc bệnh mà phải tiến hành tiêu hủy cả đàn dù tại thời điểm kiểm tra chỉ có một con lợn dương tính với virus gây bệnh”, ông Ken Inui nhấn mạnh.

Người chăn nuôi cần tìm hiểu những kiến thức về căn bệnh này để tự mình nhận diện triệu chứng ban đầu từ đàn lợn, kịp thời cung cấp thông tin cho các ngành quản lý, chức năng. Nghiêm cấm người dân buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển các sản phẩm được chế biến từ lợn không rõ nguồn gốc nhất là đối với những tỉnh phía Bắc có đường biên giới giáp với Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.