Lợn nuôi bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) sẽ ủ bệnh ít nhất trong vòng 24 giờ, trước khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện.
Virus DTLCP được tiết ra từ nước bọt, nước mắt, tiết dịch mũi, nước tiểu, phân và chất tiết từ đường sinh dục. Máu của lợn nhiễm bệnh chứa một lượng lớn virus.
Chỉ cần những con lợn đứng cùng nhau với khoảng cách gần cũng bị lây bệnh, nhất là việc ăn, uống, hay nằm cạnh nhau. Những nguyên nhân lây truyền bệnh còn có thể do môi trường bên ngoài như đi cùng phương tiện vận chuyển, bị kí sinh trùng cắn... từ lợn đã nhiễm bệnh trước đó.
Virus DTLCP có thể sống khá lâu trong môi trường giàu protein (thịt, máu, phân, tủy xương), thậm chí cả khi bị đông lạnh hay trong sản phẩm lợn đã qua chế biến.
Lợn ở tất cả các lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, chỉ khi được tách khỏi đàn lợn, những con khỏe mạnh mới có khả năng sống sót.
Dấu hiệu nhận biết lợn bị nhiễm DTLCP
Các dấu hiệu lâm sàng thưởng xuất hiện khoảng 5 - 15 ngày sau khi lợn bị nhiễm virus DTLCP. Điều đầu tiên và dễ dàng nhận thấy nhất là lợn bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).
Thỉnh thoảng lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu đau liên tục, nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Đa số lợn nái trong thời gian mang bầu sẽ sảy thai.
Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, đồng thời xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của DTLCP.
Trong trường hợp lợn sống sót qua vài ngày, chúng có thể phát thêm các dấu hiệu bệnh thần kinh.
Dấu hiệu lợn chết do nhiễm bệnh DTLCP
Những con lợn chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực.
Có thể có máu chảy ra từ mũi và miệng, mủ chảy ra từ mắt, và phân lẫn máu.
Khi mổ lợn ra, sẽ thấy các dấu hiệu sau:
Dịch ở khoang ngực và ổ bụng nhiều, có thể dính lẫn máu.
Xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể. Máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn.
Lá lách phình to. Hạch bạch huyết to, chứa máu nên có thể trông giống cục máu đông.
Phổi không xẹp xuống sau khi ngực bị mổ ra. Phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt.
Khí quản thường chứa đầy bọt, và có thể dính máu.
Thận bị xuất huyết. Bên trong niêm mạc dạ dày cũng có máu và đôi khi bị loét. Ruột cũng bị tắc và có thể chứa máu.