Đích đến của chuyển đổi số là sinh viên ra trường có năng lực số

GD&TĐ - Ngày 11/4, Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong Giáo dục đại học với bối cảnh Toàn cầu hóa và Công nghiệp 4.0”.

GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM phát biểu tại hội thảo.
GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, học giả và cán bộ quản lý các trường.

Trường đại học phải xác định đượclàm như thế nào để chuyển đổi số thành công

Tại hội thảo các đại biểu đã cùng nhau trao đổi sâu về các chủ đề như: Chuyển đối số trong hoạt động quản lý sinh viên và quản trị nhà trường; Chuyển đổi số trong hoạt động đánh giá sinh viên đại học; Chuyển đổi số trong phát triển học liệu phục vụ sinh viên; Đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển đại học số sao cho hiệu quả.

Đặc biệt, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá về góc nhìn thái độ và nhận thức của người học, giảng viên và xã hội đối với giáo dục đại học số; Cơ chế, chính sách và nền tảng pháp lý để thúc đẩy và thực hiện thành công chuyển đổi số, nhất là kinh nghiệm của thế giới chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Nêu ý kiến tại hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế cho rằng, đích đến của hệ sinh thái của đại học số đó là sinh viên ra trường có kiến thức và năng lực đáp ứng nhu cầu việc làm của thời đại số.

Vì vậy, GS Đạt cho rằng các trường đại học phải xác định được mục tiêu chuyển đổi số cái gì và làm như thế nào để chuyển đổi số hiệu quả, thành công.

Với góc nhìn của cá nhân, GS Đạt đề xuất các trường cần rà soát lại chương trình đào tạo và các môn học để thay đổi phù hợp; Thêm các môn học mới cần thiết, ví dụ như phân tích kinh doanh, thống kê toán; nghiên cứu bổ sung các ngành đào tạo mới liên quan đến tài chính số, tiếp thị số. Với môn học, GS Đạt khuyến nghị nên giảm hoặc bỏ bớt phần ít cần, thêm phần mới cần có.

"Chúng ta cố gắng cập nhật thêm các kiến thức mới nhưng lại bỏ qua việc giảm đi các kiến thức cũ không cần thiết. Sinh viên không thể học nhiều khi chúng ta chỉ có khối lượng chương trình với số tín chỉ nhất định"- GS Đạt nói.

TS Lê Thị Thanh Thu, Trường ĐH Mở TPHCM thì cho rằng: Các cơ sở giáo dục ĐH (CSGDĐH) cần có chiến lược hỗ trợ phát triển kỹ năng số cho giảng viên và sinh viên thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực. 5 lĩnh vực chính mà CSGDĐH cần tổ chức đào tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho giảng viên là: (1) nhận thức về sở hữu trí tuệ, (2) thực hành sư phạm, (3) kỹ năng số, (4) phát triển mô hình học tập cá nhân hóa và (5) hỗ trợ kỹ thuật số cho giảng viên lớn tuổi.

Đặc biệt nên ưu tiên các lĩnh vực mới trong chuyển đổi số, như bản quyền, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và quyền riêng tư mà giảng viên có thể gặp phải.

Ở lĩnh vực thực hành sư phạm, nhà trường cần cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành các phương pháp sư phạm phù hợp để giảng dạy trực tuyến hiệu quả, quản lý lớp học và tương tác trực tuyến với sinh viên. Trong đó, cần đào tạo các kỹ thuật cơ bản như lập và điều khiển diễn đàn thảo luận, dự án nhóm và xây dựng bài kiểm tra đánh giá trực tuyến như thế nào để tăng cường sự tham gia và tương tác của sinh viên.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế trình bày tại hội thảo

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế trình bày tại hội thảo

Chuyển đổi số là nền tảng để triển khai và áp dụng thành công Công nghiệp 4.0

Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức, Chủ tịch hội đồng chuyên môn - Khoa Đào tạo Sau đại học, Trường ĐH Mở TPHCM, khi nghiên cứu tiếp cận chuyển đổi số dưới góc độ hệ sinh thái, mô hình giáo dục đại học ở Malaysia là mô hình Việt Nam nên tham khảo. Bởi theo PGS.TS Hữu Đức, Malaysia có chương trình phát triển về công nghệ thông tin rất công phu, nổi bật nhất là khung giáo dục đại học Malaysia 4.0.

"Malaysia cho rằng giáo dục đại học là một hợp thể sinh thái. Họ cũng tiến hành khá đồng bộ bốn nhánh: chương trình đào tạo, quản trị đại học, thu hút nhân tài, nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, với nền tảng công nghệ và sự chuyển dịch trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay của các trường, việc đi theo mô hình của Malaysia là khá phù hợp"- PGS.TS Hữu Đức nói.

Chia sẻ và phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Hà, hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM nhấn mạnh: Công nghiệp 4.0 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Trong đó, chuyển đổi số là nền tảng để có thể triển khai và áp dụng thành công Công nghiệp 4.0. Vì thế, việc triển khai và thực hiện chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu tất yếu cho mọi tổ chức, trong đó có các tổ chức giáo dục đại học.

Để đáp ứng được sứ mạng cốt lõi đó trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ cũng như yêu cầu của xã hội, từ rất sớm, Trường ĐH Mở TPHCM đã có những chiến lược phù hợp và những bước phát triển trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các hệ thống này đều được dần dần nâng cấp và phát triển hàng năm.

Hiện nay tất cả các hoạt động giảng dạy, học tập, các công tác quản lý chức năng của trường đều đã sử dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, tuân thủ các quy định kỹ thuật của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và trường đang trong giai đoạn tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin.

"Bên cạnh đó các quy định cũng được ban hành, điều chỉnh để phù hợp với môi trường hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Trường ĐH Mở TPHCM đang tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi và ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý của nhà trường nhằm theo kịp tiến độ phát triển của thế giới"- GS Hà cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.