Dịch Covid-19 lây lan mạnh, các địa phương đang ứng phó thế nào?

GD&TĐ - Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc cao nhất với 29.269 ca; tiếp đến là Nghệ An 10.243 ca, Đắk Lắk ở vị trí thứ 3 với 7.569 ca, Phú Thọ là 6.534 ca, Bắc Ninh 6.417 ca.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính từ 16h ngày 12/3 đến 16h ngày 13/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 166.968 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh, thành phố (có 100.536 ca trong cộng đồng). 

Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc cao nhất với 29.269 ca - giảm so với ngày trước đó; tiếp đến là Nghệ An 10.243 ca, Đắk Lắk ở vị trí thứ 3 với 7.569 ca, Phú Thọ là 6.534 ca, Bắc Ninh 6.417 ca.

Ngoài ra có 42 tỉnh, thành phố khác ghi nhận số ca mắc mới từ 1.000- hơn 4.000 ca/ ngày.

Tại Hà Nội, các địa bàn đã quản lý F0 thông qua tổ Covid cộng đồng tại các tổ dân phố bằng việc lập nhóm Zalo để hỗ trợ tư vấn điều trị, xác nhận thủ tục cách ly và khỏi bệnh; người dân có thể tự test nhanh tại nhà và gửi hình ảnh hoặc video kết quả đến nhóm quản lý F0 để được xác nhận; hay F0 khai báo thông tin trực tuyến qua các hệ thống như: chamsocsuckhoe. hanoi.gov.vn hay trang chamsocsuckhoe.yte.360.com được quản lý điều trị. 

Về điều trị người bệnh Covid-19, Hà Nội cũng triển khai tổng đài điện thoại 1022, huy động lực lượng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng tham gia để hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà…

Thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí, sắp xếp lại đối với các cơ sở thu dung, điều trị ở tại các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp, các bệnh viện, khi cần có thể kích hoạt và các đơn vị hoạt động trong vòng 24 giờ.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao; chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" cập nhật người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện F0, từ đó chủ động điều trị; đồng thời, phát hiện những trường hợp chưa tiêm vaccine để vận động người dân tiếp tục tiêm.

Để hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ mắc Covid-19 sang những người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế thành phố có hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà. Với những gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ cho trẻ nhập viện điều trị.

Đồng thời Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các BV chuyên khoa Nhi dành 30-50% giường bệnh để sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hải Phòng vừa ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác kiểm dịch y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại cảng biển Hải Phòng, cụ thể yêu cầu thực hiện khai báo y tế hàng hải trước 24 giờ theo quy định tại nghị định 89 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Trường hợp thuyền viên trên tàu có các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh Covid-19, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và các biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ thực hiện công tác kiểm dịch y tế tại vị trí đón trả hoa tiêu Hòn Dáu.

Trường hợp thuyền viên không có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh Covid-19; tàu được phép cập cảng để thực hiện công tác kiểm dịch y tế, tàu sẽ được phun khử trùng trước khi vào làm hàng, thuyền viên trên tàu cách ly tại tàu bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Tại Hưng Yên, từ ngày 15/3, tỉnh đồng ý chủ trương mở lại hoạt động gồm: dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, games, rạp chiếu phim, gym, yoga, spa, cơ sở làm đẹp, cơ sở cắt tóc gội đầu, các dịch vụ ăn, uống (trừ ăn, uống vỉa hè).

Tỉnh cũng cho phép các địa phương và người dân được tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đám hiếu, đám cưới, đám hỏi; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động trở lại. Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận người lao động trở lại làm việc; tổ chức thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ