Dịch Covid-19 bùng phát: Địa phương linh hoạt trong thi và xét tuyển lớp 10

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TPHCM và các tỉnh lân cận buộc phải tạm dừng hoặc thay đổi phương thức thi tuyển lớp 10 sang xét tuyển. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh và học sinh. 

Học sinh TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Ảnh minh họa
Học sinh TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Ảnh minh họa

Dời lịch, phân đợt thi

Trong số các địa phương có dịch Covid-19 lây nhiễm cộng đồng ở khu vực phía Nam, TPHCM có ca bệnh mới tăng nhanh nhất. Chính vì thế, UBND TP đã quyết định dừng tất cả các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại TP (lớp 10 và lớp 6) theo đề xuất từ Sở GD&ĐT TP từ ngày 30/5, cho dù mọi công tác phục vụ kỳ thi đã hoàn tất.

Tại Long An, do liên tiếp ghi nhận các ca lây nhiễm từ TPHCM về, ngày 1/6, UBND tỉnh quyết định tạm dừng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 sẽ không tổ chức vào ngày 8 - 9/6 theo kế hoạch đã đề ra mà chuyển sang tháng 8.

Bình Dương cũng mới ghi nhận 3 ca dương tính Covid-19. Tuy nhiên, sở GD&ĐT vẫn quyết định cho hơn 17.000 học sinh THCS thi tuyển sinh vào lớp 10 các ngày 2 - 5/6. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, lý do khiến tỉnh vẫn tổ chức thi vì tỉnh không có F1, F2 là thí sinh tham gia thi vào lớp 10.

“Thí sinh có biểu hiện ho sốt, đơn vị sẽ phối hợp với ngành Y tế kiểm tra lại một lần nữa. Nếu bảo đảm sức khỏe sẽ bố trí phòng thi riêng đợt này (đợt 1), còn trường hợp không ổn sẽ tổ chức thi đợt 2 cùng các thí sinh đang ở các khu vực phong tỏa”, bà Hằng cho biết.

Học sinh THCS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020.
Học sinh THCS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020.

Linh hoạt chuyển đổi hình thức thi

Là địa phương chưa ghi nhận ca dương tính trong cộng đồng ở đợt dịch này nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn quyết định dừng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và chuyển sang hình thức xét tuyển. Đây là quyết định nhận được sự đồng lòng rất lớn từ phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, trước khi đề xuất thay đổi phương thức thi tuyển vào lớp 10, sở GD&ĐT tỉnh đã nghiên cứu và tính toán để công tác xét tuyển vẫn bảo đảm công bằng, khách quan và chất lượng. Các tiêu chí và điều kiện xét tuyển và trúng tuyển được bộ phận chuyên môn của sở tính toán kỹ lưỡng.

Cụ thể, các trường THPT căn cứ nguyện vọng thí sinh đã đăng ký, thực hiện xét tuyển bằng kết quả rèn luyện và học tập các lớp 6, 7, 8, 9 của học sinh. Cách tính điểm như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 10 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 9 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực khá: 8 điểm; Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình: 7 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá: 6 điểm. Các trường hợp còn lại: 5 điểm.

“Điểm xét tuyển là tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập trong 4 năm học THCS và điểm cộng cho đối tượng ưu tiên. Các trường THPT căn cứ điểm xét tuyển, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Trường hợp chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh điểm xét tuyển bằng nhau tiếp tục xét chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Tổng điểm trung bình cả năm học lớp 9 của tất cả môn; tổng điểm trung bình cả năm học lớp 9 của các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; Thí sinh đoạt giải văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, các kỳ thi chuyên môn cấp tỉnh.

Việc xét tuyển theo nguyện vọng quy định như sau: Nguyện vọng 2 lấy điểm chuẩn cao hơn điểm chuẩn của nguyện vọng 1 tối thiểu 1 điểm và tối đa là 2 điểm. Cách xét tuyển và phương thức tính điểm như trên hoàn toàn minh bạch và bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh”, bà Châu nói.

Đánh giá về thay đổi của kỳ tuyển sinh lớp 10 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Nguyễn Bá Trọng, phụ huynh em Nguyễn Bá Kiên - học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP Vũng Tàu cho rằng: Thay đổi thể hiện sự mới mẻ trong tuyển sinh, tiết giảm chi phí, thời gian cho học sinh và phụ huynh.

“Nếu sở GD&ĐT làm nghiêm, các phòng GD&ĐT và các trường THCS thực hiện tốt việc dạy thật, học thật thì phương thức xét tuyển thay vì thi tuyển vào lớp 10 là mô hình đáng để nhân rộng. Sự minh bạch, công bằng và phân loại rõ ràng học sinh qua các tiêu chí đánh giá mà sở GD&ĐT đưa ra cho tôi niềm tin vào chất lượng thực của kỳ xét tuyển này” - anh Trọng nói.

Tương tự, thầy Phan Ngọc Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Vũng Tàu cho rằng đây là sự thay đổi phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay cũng như quy chế và quy định của Bộ GD&ĐT.

Thầy Tấn chia sẻ thêm: Số hồ sơ của thí sinh dự thi đã chuyển về trường THPT và được cập nhật lên hệ thống Vnedu. Học sinh cũng cân đong đo đếm và lượng sức mình rất kỹ trước khi nộp hồ sơ dự thi, vì vậy khi chuyển từ thi sang xét tuyển gần như không có gì xáo trộn.

Nhìn nhận việc thay đổi hình thức từ thi sang xét tuyển mang lại tâm lý thoải mái và sự công bằng cho mọi học sinh, em Trần Khánh Thụy Vương - học sinh Trường THCS Trần Phú, TP Vũng Tàu cho rằng, việc đánh giá và xét tuyển vào lớp 10 sẽ khẳng định rõ nhất quá trình phấn đấu, rèn luyện và cố gắng học tập của từng học sinh.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.