Dịch chiết lá xoan thay thế thuốc trừ sâu

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã làm chủ công nghệ dịch chiết lá neem (xoan Ấn Độ) bằng phương pháp cô đặc chân không, sử dụng thay thế thuốc trừ sâu sinh học.

Cây neem là nguyên liệu chế tạo thuốc trừ sâu sinh học.
Cây neem là nguyên liệu chế tạo thuốc trừ sâu sinh học.

Sáng tạo quy trình chiết xuất lá neem

Dùng phương pháp cô đặc chân không để tạo dịch chiết lá neem là nghiên cứu của ThS Đào Thanh Khê và ThS Lê Thúy Nhung, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Cây neem hay còn gọi là cây xoan Ấn Độ, tên khoa học Azadirachta indica A. Juss, thuộc họ Xoan (Meliacaea), xuất xứ từ Ấn Độ. Cây được trồng đại trà thành rừng ở khắp nước này và là một nguồn lợi rất lớn của Ấn Độ.

Từ đầu những năm 1990, cây neem được gieo trồng thành công ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Việc sử dụng lá neem trong nông nghiệp đã và đang được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chiết xuất lá neem được dùng để quản lý dịch hại và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Chiết xuất lá neem đã được thừa nhận là sản phẩm thương mại rộng rãi, nhờ các đặc tính và lợi ích của nó. So với các hóa chất thông thường, thường tồn tại lâu trong môi trường và có độc tính cao, thuốc trừ sâu thực vật có khả năng phân hủy sinh học, không để lại dư lượng có hại. Hầu hết, các loại thuốc trừ sâu thực vật không gây độc tế bào và cũng có tính chọn lọc nhiều hơn đối với sâu bệnh.

Nhược điểm của dịch chiết lá neem là tính ổn định thấp trong điều kiện đồng ruộng, chủ yếu là do tốc độ phân hủy cao, cũng như thời gian lưu ngắn và tốc độ tiêu diệt sâu bọ chậm, so với thuốc trừ sâu thông thường.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, công nghệ chiết xuất và cô đặc dịch chiết lá neem với hệ thống thiết bị chân không được lựa chọn. Bằng công nghệ chân không giúp làm tăng hiệu suất và giảm thời gian trích ly dịch ép từ lá neem so với các phương pháp thông thường.

Dưới áp suất chân không, nhiệt độ sôi của dịch chiết sẽ giảm (60 ÷ 80 độ C) giúp hạn chế quá trình biến tính các hoạt chất quý có trong dịch chiết từ lá neem như azadirachtin, meliantriol, salannin, nimbin và nimbidin,… đồng thời kéo dài thời gian bảo quản thành phẩm sau cô đặc.

Lá neem tươi được thu hái và rửa sạch, để ráo nước, gói bằng giấy báo và bảo quản trong kho mát ở nhiệt độ 10 ÷ 12 độ C trước khi ép. Dịch ép tổng thu hồi được lọc qua lưới lọc để loại bỏ bã ép mịn còn sót lại.

Sau đó, để yên dịch lọc khoảng 2 giờ, tiến hành chiết lấy phần dịch ở phía trên trước khi cho vào hệ thống máy cô đặc chân không. Dịch cô đặc lá neem được bảo quản trong lọ thủy tinh tối màu với chất bảo quản (tỷ lệ 1 gam/lít).

Thay thế thuốc trừ sâu

ThS Đào Thanh Khê chia sẻ, dịch cô đặc lá neem được hòa với nước theo tỷ lệ nhất định và khuấy đều để hỗn hợp đồng nhất với thể tích 5 lít. Có thể phối trộn thêm dung dịch phụ gia để tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.

Mỗi bình dung dịch thuốc trừ sâu sinh học được chuẩn bị (5 lít) để phun vào cùng một thời điểm trong các ngày (6 - 7 giờ sáng) cho 1 luống rau, phun phòng trừ 1 lần cho rau ở giai đoạn rau còn non khoảng 2 - 3 tuần tuổi.

Dung dịch phụ gia được chuẩn bị bao gồm các nguyên liệu như ớt, tỏi, gừng được giã nhỏ và ngâm với rượu 75°C theo tỷ lệ 1:1 (w/v) với thời gian 15 ngày để thu được dung dịch ngâm chứa các chất gây cay hỗ trợ cho việc tiêu diệt sâu bệnh.

Các loại rau được lựa chọn khảo sát bao gồm: Cải ngọt, dền và mồng tơi. Thời gian thu hoạch ngắn ngày từ 20 - 45 ngày, có thể trồng quanh năm, thích hợp với khí hậu nơi thực nghiệm (huyện Củ Chi, TPHCM).

Kết quả khảo sát chu kỳ phun ở 4 loại rau cải xanh, cải ngọt, cải bèo và rau dền cho thấy hiệu lực phòng trừ sâu bệnh ở chu kỳ phun 3 ngày và 5 ngày là cao nhất, không khác biệt nhiều. Đối với cải xanh, cải ngọt, cải bèo (xà lách) và rau dền, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh ở chu kỳ phun 3 ngày là cao nhất.

Từ thành công của thử nghiệm, nhóm nghiên cứu bước đầu đã xây dựng thành công quy trình sản xuất dịch chiết lá neem Ninh Thuận bằng phương pháp cô đặc chân không. Dịch cô đặc thu được có màu xanh sẫm và mùi hắc đặc trưng, được bảo quản tốt nhất trong thời gian khoảng 2 tháng, ở nhiệt độ phòng.

Kết quả nghiên cứu ban đầu đã chứng tỏ vai trò của dịch cô đặc lá neem trong phòng trừ sâu bệnh. Trên cơ sở nghiên cứu, có thể áp dụng dịch cô đặc lá neem trên các loại cây trồng khác hoặc bảo vệ các kho lương thực để hạn chế tình trạng mối mọt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.