Dịch bệnh và nỗi khổ của sinh viên năm cuối: Những con số báo động

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch học tập, làm khóa luận và tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ).

Sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Cao Thắng trong một giờ thực hành sau khi trở lại học.
Sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Cao Thắng trong một giờ thực hành sau khi trở lại học.

Mặc dù nhà trường đã chủ động và linh hoạt trong việc tháo gỡ và hỗ trợ nhưng tình trạng sinh viên năm cuối chậm tốt nghiệp vẫn khá phổ biến trong thời gian qua. 

70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM và buộc phải dừng việc học tập để chống dịch, các trường ĐH-CĐ tại TPHCM đã nhanh chóng thích ứng và chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến cho toàn bộ sinh viên. Tùy theo khối ngành nghề và khoá học mà các khoa, tổ bộ môn linh hoạt lồng ghép, xây dựng các phương án học tập, thực hành cho phù hợp.

“Bối cảnh dịch Covid-19 tại TPHCM buộc các trường phải tìm cách thích nghi để sinh viên năm cuối, nhất là những em cần làm các học phần thực hành, khóa luận có thể sớm hoàn thành chương trình học theo đúng thời gian niên khóa. Để tháo gỡ, ngoài việc xây dựng học phần thực hành dưới mô hình thực tế ảo, nhà trường đã mạnh dạn cho sinh viên năm cuối làm khóa luận được trở lại trường (theo nhóm nhỏ) học tập, nghiên cứu”, TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường CĐ Cao Thắng chia sẻ.

Là trường có số lượng sinh viên khá đông, lại chuyên về khối ngành kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM liên tục lên kế hoạch, thay đổi lộ trình học tập theo tình hình dịch bệnh để đảm bảo việc học, thực hành, làm khóa luận của sinh viên năm cuối đúng tiến độ. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng số lượng sinh viên chậm tốt nghiệp so với kế hoạch niên khóa vẫn xảy ra.

Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường, số lượng sinh viên chậm tốt nghiệp của trường khoảng vài trăm sinh viên, phần lớn do chưa học đủ học phần thực hành và chuẩn đầu ra tiếng Anh. Từ tháng 12/2021, trường cho sinh viên năm cuối trở lại trường học tập để hoàn thành nốt học phần thực hành còn thiếu, triển khai thi tiếng Anh chuẩn đầu ra cho sinh viên, cũng như hỗ trợ  sinh viên cần hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, số sinh viên chậm tốt nghiệp so với mọi năm chiếm 2/3 do nhiều lý do. Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách nhà trường, bình thường một đợt trường xét tốt nghiệp khoảng 2.000 sinh viên nhưng đợt xét tháng 9 vừa qua chỉ có khoảng 600 sinh viên.

“Một phần vì dịch bệnh các em không thể hoàn thành chương trình đào tạo đúng tiến độ. Nhưng lý do chủ yếu phần lớn rơi vào việc sinh viên không thể thi tiếng Anh đầu ra để hoàn thành chuẩn đầu ra tốt nghiệp. Một số ngành, đặc biệt là kỹ thuật, cần thực nghiệm đánh giá kết quả bằng trang thiết bị máy móc thì không thể triển khai thực tế trong đề tài tốt nghiệp nên tạm hoãn không bảo vệ đợi hết dịch”, PGS.TS  Nguyễn Trường Thịnh cho hay.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có khoảng 1.000 sinh viên năm cuối được xét tốt nghiệp năm 2021 nhưng bị vướng do chưa thể thi lấy chứng chỉ tiếng Anh và Tin học căn bản. “Trường đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trình bày do tình hình dịch Covid-19 nên tổ chức thi trực tuyến nhưng chưa được chấp thuận, nên từ đầu tháng 11 đến nay, ngoài việc gia hạn thời gian xét tốt nghiệp, nhà trường tạo điều kiện để sinh viên có chứng chỉ quốc tế nộp thay thế để xét tốt nghiệp, cũng như tổ chức thi tập trung cho nhiều khóa”, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thông tin.

Ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, số lượng sinh viên bị chậm tốt nghiệp vì vướng chuẩn đầu ra tiếng Anh khoảng 20% trên tổng số 2.500 sinh viên đến lịch tốt nghiệp năm 2021. Hiện trường dần tổ chức thi để các em sớm hoàn thành học phần, chuẩn đầu ra theo quy định.

Sinh viên năm cuối Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành sau khi được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 20/12/2021.
Sinh viên năm cuối Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành sau khi được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 20/12/2021.

Sinh viên, phụ huynh lo lắng

Để không ảnh hưởng quá nhiều đến tiến độ học tập và kế hoạch tìm kiếm việc làm của sinh viên, nhất là với em đã được các doanh nghiệp “đặt hàng” ngay từ khi chưa ra trường, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo căn cứ vào yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương để áp dụng biện pháp tổ chức đào tạo phù hợp; tổ chức thành các nhóm nhỏ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh năm cuối với số lượng bảo đảm theo quy định để tổ chức hoạt động thực hành, thực tập, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập các học phần của chương trình đào tạo chưa chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến toàn phần.

Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn các cơ sở đào tạo tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để người học hoàn thành khóa học bằng cách tổ chức hoạt động dạy và học, đánh giá kết quả học tập và đánh giá tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các văn bản hướng dẫn của Bộ.

Chính thức được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 20/12/2021, Nguyễn Văn Quyền, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên em phải tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến từ tháng 5/2021 đến nay. Ngay khi nhận thông tin được học trực tiếp trở lại em đã xin gia đình để bắt xe từ Đắk Lắk về Sài Gòn. Em chỉ còn học phần thực hành cuối là có thể hoàn thành tốt nghiệp nên được đi học lại em thấy vui lắm. Hiện có đơn vị tuyển dụng nhận về làm ngay sau khi tốt nghiệp nên việc đi học trực tiếp lại với em vô cùng quan trọng. Bởi ngành nghề em học là Công nghệ ô tô nên đòi hỏi phải thực hành nhiều để nâng cao tay nghề, kiến thức. Lịch tốt nghiệp có thể trễ một chút. Điều em hơi lo lắng là sợ đơn vị tuyển dụng vì cần nhân sự gấp sẽ tuyển dụng người khác khiến mình mất đi một cơ hội việc làm tốt".

Cũng có chung tâm trạng sốt ruột, Trần Thị Khánh Linh, quê Gia Lai, sinh viên Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Hiến do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chi phí ăn ở, sinh hoạt  trong quá trình học tập tại TPHCM của em phần nhiều đều dựa vào nguồn vốn vay tín dụng học tập sinh viên (Vay ngân hàng chính sách xã hội). Vì vậy, việc chậm tốt nghiệp so với kế hoạch 3 - 4 tháng khiến em cũng khá băn khoăn.

“Khoản vay của em sau 2 năm tốt nghiệp bắt đầu phải thực hiện giải ngân và trả. Tuy vậy, điều em lo lắng nhất chính là việc tốt nghiệp trễ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học và nhận chứng chỉ hành nghề hướng dẫn viên.  Em rất muốn hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh và học phần thực hành cuối khóa để sớm tốt nghiệp, sau đó xúc tiến ngay việc học, bổ sung chứng chỉ hành nghề. Các kế hoạch phục hồi du lịch của TP cũng đang triển khai rầm rộ, đơn vị khai thác lữ hành, tour du lịch bắt đầu thông báo tuyển dụng trở lại… Vì vậy, em sợ việc nhận bằng trễ thêm 2 - 3 tháng nữa sẽ mất cơ hội tìm kiếm cho mình”, Khánh Linh chia sẻ.

Anh Lê Nguyên Minh - phụ huynh của em Lê Hải Ng - sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã có kế hoạch cho con ứng tuyển vào làm việc tại đơn vị hành chính tại TP Cần Thơ sau khi con tốt nghiệp vào tháng 6. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch suốt nhiều tháng qua khiến cho việc tốt nghiệp của con bị chậm lại, gián tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch ứng thí vị trí nhân sự mà sở ngành kia đang cần.

“Do nhu cầu bổ sung nhân sự không thể chậm sau năm 2021 nên vị trí mà tôi biết và quan tâm cho con ứng tuyển đã tuyển xong. Tôi cũng nhiều lần liên hệ trường hỏi về các thủ tục xin giấy tốt nghiệp tạm thời, nhưng do con tôi vẫn còn 1 - 2 học phần thực hành cần hoàn thành cũng như thực hiện khóa luận nên nhà trường chưa thể cấp. Dù rất tiếc nhưng do hoàn cảnh của dịch bệnh nên cũng không biết phải làm sao, chỉ mong cháu sớm được trở lại học và hoàn thành tốt nghiệp trong đầu năm 2022”, anh Minh nói.

Sinh viên HUTECH trong giờ thực hành.
 Sinh viên HUTECH trong giờ thực hành.

Cơ sở đào tạo nặng nỗi lo

Không chỉ sinh viên, phụ huynh mà bản thân các đơn vị đào tạo cũng mang nhiều tâm tư khi hoạt động năm học của đơn vị buộc phải kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nhìn nhận: Dịch kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo và hoạt động thực hành, thực nghiệp của sinh viên nhà trường. Đặc biệt là các chi phí phát sinh cho công tác phòng chống dịch khi mọi kế hoạch tài chính của năm đều bị kéo dài thêm…

“Do đặc thù của bậc học với thời lượng tới 70% là học thực hành nên việc phải nghỉ dài ngày khiến ban giám hiệu nhà trường vô cùng trăn trở. Từ tháng 10/2021, nhà trường chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất kỹ càng để Sở LĐ,TB&XH TP thẩm định trước khi cho sinh học trở lại vào tháng 12.

Hiện, ngoài chi phí phát sinh khi phải thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, việc tập trung nhân lực, vật lực để cho sinh viên năm cuối học và thực hành cho kịp tiến độ ít nhiều cũng phát sinh thêm chi phí theo kế hoạch niên khóa. Khó khăn tất nhiên sẽ thêm nhiều cho nhà trường trong bối cảnh việc học trực tiếp của sinh viên vẫn rất hạn chế (mỗi lớp chỉ tối đa 30 sinh viên thay vì 70 - 80 em như trước kia) và phải thực hiện nghiêm quy tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế trong khi chi phí vận hành (mặt bằng, lương giảng viên) vẫn phải duy trì”, TS Lê Lâm chia sẻ.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 mới đây với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thống kê sơ lược cả nước hiện có gần 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, việc tháo gỡ, hỗ trợ và đưa các trường đại học sớm trở lại trạng thái học tập bình thường theo Bộ trưởng là ưu tiên hàng đầu để tránh thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội cũng như tiến trình phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...