Địa phương quyết liệt trong mở cửa trường học an toàn

GD&TĐ - Đại diện các tỉnh/thành thể hiện quyết tâm trong việc mở cửa trường học một cách an toàn tại cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì sáng 17/2.

Cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì sáng 17/2. Ảnh: Thế Đại.
Cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì sáng 17/2. Ảnh: Thế Đại.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học sinh trở lại trường học, đại diện thành phố Hà Nội khẳng định đây không chỉ là mong muốn của các bậc cha mẹ, học sinh, nhà trường, mà còn là mong muốn cấp thiết của các cấp quản lý của thành phố.

Hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội còn phức tạp, nhiều ngày gần đây số ca mắc luôn dẫn đầu cả nước. Ngành Giáo dục đã xây dựng lộ trình đưa học sinh quay lại trường an toàn. Thành phố xác định cho học sinh quay lại trường không chỉ là việc của nhà trường, ngành Giáo dục, ngành Y tế mà là công việc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt gắn với hệ thống chính trị tại cơ sở.

Hiện, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã đến trường học trực tiếp; học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã học trực tiếp; các quận vẫn học online. Từ 21/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận sẽ quay trở lại trường học. Trong kế hoạch, dự kiến trẻ mầm non sẽ được đến trường từ 1/3/2022.

Đại diện của Hà Nội cũng cho biết đã yêu cầu các sở, ngành liên quan; quận, huyện, thị xã; các nhà trường rà soát các điều kiện để xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho học bán trú, sắp tới sẽ triển khai việc này.

Có nhiều điểm tương đồng với Hà Nội, đại diện của thành phố Hồ Chí Minh thông tin: cơ bản việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trên địa bàn được triển khai khá tốt. Thành phố đã tổ chức tập tập huấn cho thầy cô, phụ huynh; cũng như ban hành các văn bản chỉ đạo theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Cùng với đó, dựa trên nguyên tắc linh hoạt để tổ chức hoạt động dạy học với mong muốn: việc học trực tiếp diễn ra liên tục, ổn định, xử lý hiệu quả các phát sinh để tác động là nhỏ nhất có thể, bảo đảm ổn định trong giảng dạy.

Việc học của các khối lớp tại Hồ Chí Minh đến nay cơ bản ổn định, theo đó học sinh từ lớp 6 trở lên đến trường đạt tỉ lệ cao (trên 93%). Riêng bậc mầm non, trên 72% phụ huynh đồng thuận cho trẻ tới trường nhưng trong 2-3 ngày đầu tiên quay lại trường học, tỉ lệ trẻ đi học chỉ đạt trên 66%.

Song song dạy học trực tiếp, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì các hình thức dạy học khác, dạy học trực tuyến để bảo đảm quyền lợi của những học sinh vì điều kiện không thể đến trường (còn ở các địa phương khác chưa về được, là F0, F1…)

Đại diện của thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ thứ Hai (ngày 14/2) đến nay, thành phố ghi nhận 74 trường hợp F0 phát sinh trong quá trình tổ chức dạy học; các trường hợp này đều được cơ sở giáo dục xử lý theo đúng hướng dẫn.

Học sinh Trường Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội đi học trực tiếp trở lại.
Học sinh Trường Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội đi học trực tiếp trở lại.

Tại Hải Phòng, dù dịch bệnh Covid-19 sau Tết Nguyên đán có tăng, nhưng vẫn kiểm soát tốt. Thành phố chỉ đạo nhất quán và quyết liệt trên tinh thần chung là không chủ quan, không sợ hãi căng thẳng; chỉ cần 1 học sinh đi học trực tiếp vẫn mở cửa trường.

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thông tin điều này và cho biết thành phố đã sớm mở cửa trường học, 100% trường mầm non, tiểu học đón học sinh trở lại từ 14/2; 100% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, dạy nghề - giáo dục thường xuyên đọc học sinh trở lại từ 7/2.

Hoạt động tổ chức dạy học được triển khai linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tiếp, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Tại Vĩnh Long, thông tin từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Kim Thanh, địa phương này đã tổ chức cho học sinh trở lại trường từ 7/2 với những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về phương án phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Các phương án đều có sự tham gia của y tế, nêu rõ tình huống khi xuất hiện trường hợp nhiễm trong giáo viên, học sinh thì xử lý thế nào. Quy trình này đã được tập huấn cho các cơ sở giáo dục trong thời gian qua. Tỉnh cũng quan tâm phân công rõ trách nhiệm từng khâu, từng người, đặc biệt là Ban chỉ đạo các ấp để khi có vấn đề xảy ra sẽ xử lý hiệu quả nhất…

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đồng thời nêu quan điểm, tổ chức dạy học trực tiếp cần bảo đảm tổ chức đầy đủ các hoạt động trên cơ ở an toàn.

Là địa phương dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt nên từ 10/1/2022, Hậu Giang dã cho phép thí điểm học sinh lớp 12 của 3 huyện có số ca mắc thấp nhất đi học trực tiếp.

Từ 7/2, toàn bộ học sinh trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn học trực tiếp trở lại. Ghi nhận sau một tuần, tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 97%; gần 3% học sinh vắng là do trước đó nhiễm bệnh và đang theo dõi sức khỏe tại nhà…

Từ 14/2, trẻ mầm non, học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại Hậu Giang đi học trở lại; tuy nhiên tỷ lệ trẻ mầm non đến trường còn chưa cao, chủ yếu do phụ huynh lo lắng vì con chưa được tiêm phòng vaccine.

Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Hậu Giang cũng thông tin về 128 trường hợp nhiễm qua 3 đợt mở cửa trường học; trong đó có 46 giáo viên và 82 học sinh. Tất cả điều điều trị tại nhà, sức khỏe ổn định sau 2-3 ngày. Hiện còn 33 trường hợp F0 là học sinh và 10 trường hợp F0 là giáo viên. Những giáo viên này nếu bảo đảm sức khỏe và điều kiện vẫn bố trí cho dạy trực tuyến.

“Đáng mừng, 100% giáo viên, học sinh F0 trên địa bàn tỉnh là mắc trong cộng đồng được phát hiện kịp thời, không có trường hợp nào lây nhiễm trong trường học” - nêu thông tin này, đại diện tỉnh Hậu Giang đồng thời cho biết sẽ bàn bạc trao đổi với các ngành chuyên môn và các trường để đánh giá, dự kiến chậm nhất đầu tháng 3 sẽ tổ chức hoạt động bán trú bình thường trong các trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ