'Địa ngục trường luyện thi' tại Hàn Quốc

GD&TĐ - Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục được đánh giá cao về mặt thành tích.

Các trung tâm luyện thi là 'nỗi ám ảnh' với học sinh Hàn Quốc.
Các trung tâm luyện thi là 'nỗi ám ảnh' với học sinh Hàn Quốc.

Tuy nhiên, phía sau ánh hào quang đó là khủng hoảng dân số nghiêm trọng.

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được ví như “địa ngục trường luyện thi”, ám chỉ hệ quả của văn hóa cạnh tranh gay gắt. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng dân số nghiêm trọng.

Giáo dục từ lâu đã là một trong những yếu tố then chốt quyết định tương lai của mỗi người dân Hàn Quốc. Nhưng thay vì dừng lại ở trường lớp chính quy, hầu hết học sinh, kể cả từ lứa tuổi mẫu giáo, đều bị cuốn vào guồng quay của các trung tâm luyện thi tư nhân, hay còn gọi là hagwon. Những trung tâm này mọc lên dày đặc tại các khu dân cư đông đúc, đặc biệt là khu Daechi-dong thuộc quận Gangnam, nơi được ví như “thánh địa” của giáo dục tư nhân.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, trong năm 2023, người dân đã chi tổng cộng hơn 27,1 nghìn tỷ won cho các dịch vụ giáo dục tư nhân. Đây là con số kỷ lục trong 3 năm liên tiếp, ngay cả khi quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm không phanh. Trung bình mỗi học sinh trung học tiêu tốn khoảng 740 nghìn won mỗi tháng chỉ riêng cho hagwon.

Việc học tập cũng không kém phần khắc nghiệt. Nhiều học sinh chỉ ngủ 4 - 5 tiếng mỗi đêm để ôn luyện cho các kỳ thi. Những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ, các em cũng học dày đặc từ sáng đến tối.

Chính sự khắc nghiệt này khiến nhiều người trẻ chọn không sinh con. Họ lo ngại bản thân không đủ khả năng tài chính, tinh thần và thời gian để nuôi dạy con cái trong một môi trường giáo dục áp lực đến nghẹt thở. Hệ quả là tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã chạm mức thấp kỷ lục nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp.

Trường hợp của Ahn Ji Won, 49 tuổi sống tại vùng ngoại ô Seoul, là một ví dụ tiêu biểu cho áp lực khủng khiếp mà các bậc phụ huynh Hàn Quốc đang phải gánh chịu. Gia đình cô chi đến 6 triệu won mỗi tháng cho việc học của hai con, chiếm hơn 70% ngân sách sinh hoạt hằng tháng.

Nỗ lực từ chính phủ nhằm cải cách cũng chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol từng yêu cầu loại bỏ các câu hỏi “siêu khó” khỏi kỳ thi tuyển sinh đại học chuẩn hóa (CSAT) để giảm sự phụ thuộc vào giáo dục tư nhân.

Tuy nhiên, thay vì yên tâm, nhiều phụ huynh lại càng lo lắng hơn và đầu tư nhiều hơn vào các lớp học ngoài giờ để chuẩn bị cho những thay đổi khó lường trong hệ thống thi cử.

Không chỉ đơn thuần là dạy học, các cố vấn kỳ thi còn cung cấp dịch vụ thi thử, định hướng trường học, và trong một số trường hợp, cả thông tin nội bộ từ các viên chức tuyển sinh đại học. Với mức giá lên đến 100 triệu won cho mỗi học sinh mỗi năm, rõ ràng giáo dục đã trở thành một cuộc chơi đầy rủi ro và đắt đỏ, chỉ dành cho những gia đình có điều kiện.

Áp lực học tập không còn là vấn đề cá nhân mà đã trở thành gánh nặng xã hội. Nó bào mòn tài chính, hủy hoại sự cân bằng trong đời sống gia đình, khiến nhiều người trẻ mất niềm tin vào tương lai và không còn muốn sinh con.

Với tốc độ này, Hàn Quốc đang đứng trước một vòng luẩn quẩn nghiệt ngã: Càng lo cho tương lai con cái, người dân càng từ bỏ việc làm cha mẹ, và càng từ bỏ làm cha mẹ, quốc gia càng rơi sâu vào khủng hoảng dân số.

Phụ huynh Ahn Ji Won chia sẻ: “Tôi cảm thấy hối tiếc vì đã sinh con, bởi không còn khả năng chuẩn bị cho tuổi già của bản thân. Đây thực sự là một cuộc chiến không thể quay lại”.

Theo Kyodo News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Công tư, tư công

GD&TĐ - Chuyến đi Ấn Độ 4 ngày của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance pha trộn giữa chuyện tư và việc công. Vợ ông Vance là người Mỹ gốc Ấn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng chồng - ông Nguyễn Du (lúc còn sống) bên kỷ vật là lá cờ Tổ quốc do chính tay bà may. Ảnh: TT -HG

Ký ức hào hùng tuổi thanh xuân

GD&TĐ - Trong gần 50 năm sau ngày giải phóng, bà Lan luôn gìn giữ cẩn thận một lá cờ Tổ quốc do chính tay mình may vào tháng 3/1975.