Rửa tay là một trong những bước cơ bản và đơn giản nhất nhằm giảm nguy cơ lây lan hoặc nhiễm vi trùng gây bệnh tiềm ẩn.
Rửa tay thường xuyên và đúng cách sẽ giúp loại bỏ vi trùng nhiều nhất có thể, đặc biệt là vào thời điểm như trước khi ăn, dụi mắt hoặc ngoáy mũi; sau khi sử dụng nhà vệ sinh hoặc tiếp xúc ở các nơi công cộng.
Việc tuyên truyền cho mọi người về vệ sinh đôi tay sạch sẽ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sức khỏe trong cộng đồng, đồng thời làm giảm đến 31% số lượng bệnh nhân bị tiêu chảy và khoảng hơn 21% số người bị cảm lạnh.
Điều này dẫn đến một hệ quả tích cực là giảm thiểu lượng kháng sinh đáng kể cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu thực tế đã cho thấy, hầu hết mọi người không thực sự loại bỏ được hết vi trùng khi rửa tay, nhất là ở nơi công cộng, bởi một công đoạn cuối cùng tưởng chừng đơn giản nhưng lại nắm chốt phần cuối của công đoạn vệ sinh tay: làm khô bằng máy sấy khô tay hay lau tay bằng khăn giấy?
Đây thực sự là một thách thức đối với mọi người khi phải lựa chọn phương án tối ưu nhất đảm bảo an toàn tối đa vệ sinh sạch sẽ cho mình.
Giữa truyền thống và hiện đại, sử dụng khăn giấy để lau khô bàn tay, hay dùng máy sấy không khí nóng thổi khô nước đọng trên bàn tay của bạn sẽ an toàn cho sức khỏe?
Sự thực khoa học về máy sấy khô tay
Nghiên cứu được công bố trên Applied and Environmental Microbiology cho biết chính không khí nóng mà máy sấy khô tay tạo ra là nguyên nhân làm sinh sôi vi khuẩn và bào tử của vi khuẩn trên bàn tay của bạn, và thậm chí những vi khuẩn này cũng có thể được tung ra xa lên đến 3m (9,8 feet), và cuối cùng mọi thứ lại quay trở về như cũ.
Một nghiên cứu khác gần đây của các nhà khoa học tại Đại học Y Connecticut (Mỹ) đã làm thí nghiệm đặt các đĩa cấy vi khuẩn vào 36 phòng tắm và dùng máy sấy tay sấy trong vòng 30s.
Kết quả cho thấy, sau khi phơi nhiễm, vi khuẩn đã thực sự phản ứng với không khí ấm nóng, mỗi đĩa nuôi cấy tăng từ 18 đến 60 tế bào vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh cho người.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng thử so sánh các đĩa nuôi cấy này với nhóm đĩa nuôi cấy chỉ tiếp xúc với không khí trong phòng tắm trong hai phút mà không cần có máy sấy.
Lần này, các đĩa ở nhóm thứ hai chỉ tăng trung bình một ít tế bào vi khuẩn trên một đĩa.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt các bộ lọc không khí có hiệu suất cao (HEPA) trên máy sấy tay để xác định xem liệu nó có làm giảm lượng vi khuẩn khi thổi khí vào tay người dùng hay không.
Điều này có làm giảm vi khuẩn gấp bốn lần, nhưng không loại bỏ hoàn toàn tất cả các vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu khuẩn, pseudomonas alcaligenes, bacillus cereus và Brevundimonas diminuta/ vesicularis.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Journal of Hospital Infection thử nghiệm làm nhiễm khuẩn bàn tay của chủ thể bằng lactobacilli để mô phỏng bàn tay bị bẩn và sau đó đưa tay vào máy sấy không khí, máy sấy không khí ấm hoặc khăn giấy.
Kết quả cho thấy máy sấy không khí thổi bay lượng vi khuẩn nhiều hơn gấp 4.5 so với máy sấy không khí ấm, thậm chí nó còn khuếch tán lượng vi khuẩn ra phòng tắm nhiều hơn đến 27 lần so với việc chỉ dùng khăn giấy.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã đo khoảng cách mà các virus này bị phân tán và thấy chúng có thể di chuyển tới 3 mét.
Những kết quả này chứng minh một điều rằng ngay cả khi máy sấy sạch mà bạn chưa rửa tay thật sạch, bạn vẫn sẽ làm lây lan nhiều loại vi khuẩn, bao gồm những mầm bệnh và bào tử mang vi khuẩn lây bệnh nguy hiểm khác nhau.
Bạn có biết máy sấy tay vừa thổi không khí ra, vừa tiếp nhận không khí vào máy không? Có một giả thuyết được đưa ra rằng vi khuẩn cũng có khả năng xâm nhập vào trong máy sấy tay từ đường không khí vào đấy.
Từ đó, bề mặt ẩm ướt cùng không khí ấm sẽ tạo ra điều kiện môi trường ẩm ướt lí tưởng cho vi khuẩn tăng trưởng và phát triển. Lúc này, thiết bị sấy chứa rất nhiều vi khuẩn lại phân tán thêm lượng khuẩn gấp đôi ra môi trường bên ngoài.
Trước hoặc sau mỗi hoạt động khác nhau, chúng ta rất cần rửa tay để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho cơ thể . Với đoạn video ngắn dưới đây, bạn sẽ biết được cách rửa tay như nào là khoa học. (video)
Danh sách dưới đây sẽ giúp bạn xác định xem đâu là thời điểm thích hợp để rửa tay:
- Khi tay dính nhiều đất bẩn
- Sau khi từ ngoài đường về nhà
- Thường xuyên rửa tay nhất là trong mùa cảm cúm, cảm lạnh
- Trước khi ăn
- Sau khi hắt xì hoặc ho
- Trước và sau khi đi thăm hoặc chăm sóc người ốm bệnh
- Sau khi chơi cùng trẻ hoặc cầm đồ chơi của trẻ
- Sau khi cầm rác, dùng điện thoại hoặc bắt tay với người khác
- Sau khi ôm vật nuôi, dọn rác thải, đồ ăn hoặc chất thải của động vật
- Sau khi đi vệ sinh hoặc thay bỉm (hoặc băng vệ sinh)
- Trước và sau khi cầm đồ ăn, đặc biệt là thực phẩm sống như trứng sống, thịt, hải sản hoặc gia cầm
- Sau khi từ các nơi công cộng (cửa hàng tạp hóa, trường học, công viên…) về nhà
Hậu quả của việc vệ sinh không hiệu quả sẽ làm gia tăng bệnh tật và gây ra bao tổn thất chi phí dành cho y tế.
Trong một nghiên cứu sử dụng các tân binh của quân đội, các nhà nghiên cứu phát hiện việc tuyên truyền phương pháp rửa tay khoa học ở một Trung tâm Huấn luyện Hải quân lớn đã làm giảm 45% bệnh nhân ngoại trú khám bệnh về đường hô hấp .
Tuy rằng chi phí y tế chăm sóc sức khỏe giảm, năng suất quân binh tăng đáng kể, nhưng việc duy trì hiệu quả lâu dài từ chương trình giảng dạy như trên còn phải tùy thuộc vào sự thử thách của thời gian.
Để việc rửa tay đúng cách có hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh, có những nguyên tắc sau:
- Sử dụng nước ấm và xà bông loại nhẹ. Bạn không cần xà phòng kháng khuẩn loại quá mạnh.
Ngay cả Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh xà phòng kháng khuẩn có hiệu quả mạnh trong việc ngăn ngừa bệnh tật hơn là xà phòng loại thường và nước.
- Làm ướt tay, thêm xà phòng và tạo bọt từ bàn tay lên đến cổ tay, chà trong ít nhất 15-20 giây (lưu ý, hầu hết mọi người chỉ rửa trong khoảng 6 giây). Để ước lượng thời gian lí tưởng, hãy hát bài hát "Chúc mừng sinh nhật" 2 lần.
- Kì cọ kĩ càng tất cả các bề mặt của bàn tay, bao gồm cổ tay, các kẽ ngón tay của bạn và vùng xung quanh móng tay của bạn.
- Rửa thật sạch dưới vòi nước ấm đang chảy.
- Lau khô tay thật kỹ bằng khăn giấy. Ở những nơi công cộng, hãy sử dụng khăn giấy để mở cửa, ngăn ngừa khả năng vi trùng trên tay nắm cửa truyền vào tay bạn.
Không ít những nghiên cứu đã chứng minh độ thiếu hiệu quả của máy sấy tay, vì vậy có vẻ như chuyển sang khăn giấy để lau khô tay của bạn sẽ hợp lý và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, một khảo sát cho biết có 62% số dân thích dùng giấy hơn máy sấy vì tin rằng khăn giấy làm giảm vi khuẩn trên tay nhiều hơn máy sấy tay.
Mặt trái ngoài lề ngành công nghiệp khăn giấy vệ sinh
Tuy nhiên, khăn giấy có một nhược điểm là tốn kém, khó phân hủy, nhất là lượng tiêu thụ giấy vệ sinh này càng tăng, dẫn đến nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Trong quá trình sản xuất chuyên sâu hiện nay, người ta sử dụng gần 3.000 loại hóa chất khác nhau và gần 200 loại hóa chất đặc biệt.
Các loại hóa chất thường được sử dụng bao gồm xút ăn da, chlorine dioxide, natri dithionite và natri silicate.
Chúng bao gồm cả việc tìm kiếm sợi xơ nguyên thủy, dẫn đến nạn phá rừng nghiêm trọng, cộng thêm việc thải ra các hóa chất độc hại như dioxin (gây ung thư) và furan vào môi trường.
Quy trình sản xuất khăn giấy cũng tương tự như các loại giấy thương mại khác: vỏ cây được bóc tách ra khỏi thân cây và cắt thành từng miếng nhỏ; tiếp theo, các chất phụ gia hóa học sẽ hỗ trợ làm phân hủy các sợi liên kết trong gỗ, tạo ra bột gỗ; cuối cùng, hỗn hợp này sẽ được xử lý, làm sạch và tẩy trắng bằng clo.
Thị trường ngành công nghiệp sản xuất khăn giấy có trị giá lên tới gần 6 tỷ USD. Để làm ra 1 tấn khăn giấy, họ sử dụng 17 cây và 20.000 gallon nước, như vậy mỗi ngày, lượng nguyên liệu cần tiêu thụ là 51.000 cây.
Chỉ cần mỗi hộ gia đình bớt dùng lại 1 cuộn/năm, ta có thể cứu được 544.000 cây. Nếu sử dụng ít hơn 3 cuộn/năm, ta tiết kiệm được 120.000 tấn chất thải cùng 4,1 triệu đô la phí vệ sinh môi trường.
Hàng năm, chỉ riêng Mỹ đã tiêu thụ 13 tỷ bảng Anh khăn giấy, vị chi mỗi người tốn 45 bảng/năm.
Nếu mỗi người có thể tiết kiệm bằng cách dùng một chiếc khăn vải lau tay mỗi ngày, nó sẽ làm giảm 571 triệu bảng lãng phí cho khăn giấy mỗi năm.
Như vậy, qua sự so sánh trên, chúng ta thấy rằng máy sấy khô tay tuy tiện lợi, hiện đại nhưng lại tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn thêm phát triển.
Khăn giấy an toàn hơn nhưng dùng nhiều sẽ dẫn đến hệ quả ô nhiễm môi trường trong tương lai. Vậy giải pháp nào sẽ là hợp lý hơn cả cho vệ sinh an toàn của bạn và những người thân trong gia đình?
Câu trả lời đó là tiết kiệm khoa học. Nghĩa là, bạn có thể giảm lượng khăn giấy sử dụng cho việc lau sạch tay hàng ngày ở cả nơi công cộng lẫn trong gia đình, cố gắng sử dụng nhiều nhất là 1-2 mẩu vuông khăn giấy để.
Bên cạnh đó, nên giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại đối với bản thân và gia đình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chuẩn bị cho mình một chiếc khăn mùi xoa thật sạch để dùng riêng cho cá nhân mình, và lưu ý hãy vệ sinh khăn tay sạch sẽ mỗi ngày.