Đi vào vết xe đổ

GD&TĐ - Cuối tháng 2, ít nhất 67 người chết đuối sau khi một chiếc thuyền chở người tị nạn bị đắm ở vùng biển động ngoài khơi bờ biển phía Đông Italy.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong số những người thiệt mạng có 20 trẻ em, trong đó có một trẻ sơ sinh.

Trong những năm qua, Italy đã trở thành điểm đến hàng đầu của những người di cư muốn tìm đường vào châu Âu. Tuy nhiên, tuyến đường thủy từ Tunisia sang Italy ở Địa Trung Hải được xem là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Bất chấp cảnh báo trên, hàng nghìn người di cư vẫn tìm cách vượt biển vào châu Âu thông qua con đường này.

Sự kiện cuối tháng 2 vừa qua là một lời cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra với người tị nạn khi chạy trốn khỏi quê hương trước khi họ có thể chạm đến châu Âu như mong ước. Tuy nhiên, sau sự kiện này, dòng người tị nạn đổ vào châu Âu dự kiến vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu suy giảm.

Tình trạng người di cư bất hợp pháp đã bùng nổ ở các quốc gia châu Âu trong bối cảnh khu vực này phải vật lộn để đối phó với số lượng người nhập cư khổng lồ từ xung đột Nga - Ukraine. Trong thời gian dài, đây vẫn là thách thức hiện hữu mà châu Âu chưa thể giải quyết được.

Đứng trước vấn đề trên, Thủ tướng Italy Georgia Meloni nhấn mạnh: “Những quy định hiện hành về tình trạng di cư đang đặt trách nhiệm nặng nề lên những nước mà người di cư đặt chân đến đầu tiên tại châu Âu như Italy, Hy Lạp.

Italy sẽ không thể tự giải quyết vấn đề trên nên Liên minh châu Âu (EU) cần can thiệp, bắt đầu từ việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài”.

Tuy nhiên, thay vì là thực thể thống nhất, EU là một liên minh của nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia có chương trình nghị sự và quan điểm riêng về vấn đề người di cư. Do đó, khi tình trạng di cư đạt đến một mức độ nghiêm trọng nhất định, mỗi bên thường sẽ phản ứng theo cách khác nhau.

Còn nhớ trong cuộc khủng hoảng năm 2015, Hungary đã dựng hàng rào dọc biên giới để ngăn người di cư. Đức thiết lập chính sách mở cửa nhưng chính điều này đã khiến tình trạng di cư trầm trọng hơn vì khuyến khích các quốc gia đơn phương hành động. Những lo ngại về khủng hoảng di cư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Vương quốc Anh rời EU vào năm 2020.

Năm 2016, EU đã thống nhất đi đến thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong đó, EU sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế, đổi lấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào EU.

Nhưng ngay cả khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đi đến thỏa thuận, đây vẫn không phải là giải pháp lâu dài. Trong quá trình thực thi các điều khoản trong thỏa thuận, hai bên đã nảy sinh nhiều bất đồng. Nhiều quốc gia EU thay vì tham gia vào kế hoạch đã tiến hành thảo luận tìm giải pháp mới trong trường hợp thỏa thuận đổ vỡ.

Một lần hiếm hoi khác EU thể hiện hành động thống nhất là liên quan đến tình trạng người tị nạn Ukraine. Tuy nhiên, điều tương tự đã không diễn ra với các cuộc di cư của người tị nạn từ các quốc gia khác.

Di cư hàng loạt và những thách thức mà tình trạng trên diễn ra nằm ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia châu Âu đơn lẻ mà cần sự thống nhất và hành động đoàn kết của cả liên minh. Thế nhưng, các chính trị gia EU đang phớt lờ những bài học trong quá khứ và đi vào “vết xe đổ” của năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.