Đi từ chạng vạng tới ánh bình minh

GD&TĐ - Cái ám ảnh trong “Vợ nhặt” là sự xung đột của những mảng màu sáng - tối trong không gian, thời gian và cả trên những khuôn mặt người trong hành trình đấu tranh sinh tồn và phát triển.

“Vợ nhặt” mở ra bằng buổi chiều chạng vạng mặt người nhưng câu chuyện lại được kết thúc trong một buổi sáng mùa hè sáng lóa.
“Vợ nhặt” mở ra bằng buổi chiều chạng vạng mặt người nhưng câu chuyện lại được kết thúc trong một buổi sáng mùa hè sáng lóa.

Hành trình ấy, chúng tôi gọi đó là cuộc hành trình đi từ chạng vạng tới ánh bình minh!

1.

Thời gian được nhà văn Kim Lân lựa chọn trong truyện ngắn “Vợ nhặt”  là cái chạng vạng của một ngày. Nhưng đó không phải là cái chạng vạng để báo hiệu hừng đông, mà đó là cái chạng vạng của nạn đói khủng khiếp năm 1945. Buổi chiều, tự thân nó đã hay gợi ra nỗi buồn trong lòng người. Buổi chiều trong “Vợ nhặt” lại càng tàn tạ, u uất. Nó đã nuốt trọn vào mình bóng dáng xanh xám như những bóng ma của những người đói từ mạn Nam Định, Thái Bình đang trên hành trình tìm kiếm cơ hội thoát khỏi nanh vuốt tử thần, để rồi bất lực nằm xuống trong một cái đám ma khổng lồ từ Quảng Trị tới Bắc Kì thật khủng khiếp và ghê sợ: Người chết như ngả rạ... Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

Trong hoàn cảnh ấy, Tràng lấy vợ, mà nói đúng hơn, như nhà văn Kim Lân nói là nhặt vợ và dẫn cô ta về nhà trong cái khung cảnh đầy mùi tử khí ấy. Hành trình của họ trở về xóm ngụ cư cũng là hành trình đi vào vực thẳm của bóng tối xác xơ, heo hút với từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không có nhà nào có ánh đèn, lửa. Bóng tối như cô đặc lại, từ một khuôn cửa tối đến dòng sông trắng uốn khúc trong cánh đồng tối như đang bủa vây lấy những thân phận người. Cả không gian của “Vợ nhặt” đặc quánh trong bóng tối, ngột ngạt trong mùi tử khí và ảm đạm, hắt hiu trong âm thanh của tiếng quạ trên những cây gạo đầu làng cứ gào lên từng hồi thê thiết, trong âm thanh của tiếng khóc hờ tỉ tê của những gia đình có người chết đói. Đêm tân hôn của Tràng và người vợ nhặt cũng được gieo mầm trên mảnh đất của bóng tối, tiếng quạ và tiếng hờ khóc tỉ tê nghe càng rõ ...

2.

Bóng tối của nạn đói khủng khiếp trước năm 1945 không chỉ in bóng đen lên không gian và thời gian mà còn hằn lên nét u sầu trên những khuôn mặt người của xóm ngụ cư nghèo khổ. Trời tối, xóm ngụ cư xác xơ, tiếng khóc hờ của những gia đình có người chết đói, mùi đốt đống rấm, mùi tử khí và những đám mây quạ đen kịt che kín cả bầu trời. Từ đám trẻ con đến người lớn ở xóm ngụ cư đều mang một khuôn mặt hốc hác u tối, một dáng hình ủ rũ trong bóng chiều nhá nhem. Ngay cả bà cụ Tứ, mẹ Tràng, khi đón người con dâu mới, cho dù có cố gắng bao nhiêu thì vẫn không thể không nhìn thấy bóng tối trùm lấy hai con mắt. Và cả người vợ nhặt, khi đón nhận bát cháo cám trên tay bà cụ Tứ, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Rõ ràng, tất cả những con người ấy đang không khỏi phập phồng một nỗi lo cho sự ngắc ngoải của mình bên bờ vực thẳm của cái đói. Như vậy, bóng tối, tự thân nó đã trở thành một không gian nghệ thuật đầy ám ảnh trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Đêm tối, mắt tối, khuôn mặt u tối cùng với màu đen của những đám mây quạ thực sự đã trở thành những sắc màu hãi hùng, ám ảnh tâm trí độc giả. Nhưng viết Vợ nhặt, Kim Lân không muốn hướng chúng ta về phía bóng tối của nạn đói mà quan trọng hơn, ông muốn chúng ta nhìn thấy ánh sáng của buổi bình minh đang ló rạng!

3.

Vợ nhặt mở ra bằng buổi chiều chạng vạng mặt người nhưng câu chuyện lại được kết thúc trong một buổi sáng mùa hè sáng lóa. Ánh sáng rực rỡ ấy không chỉ tỏa ra từ vầng dương theo vòng quay tuần hoàn của vũ trụ, mà quan trọng hơn, nó tỏa ra từ những khuôn mặt người. Có vợ, Tràng không giấu nổi niềm hạnh phúc ngập tràn trên khuôn mặt: Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Anh dường như đang chấp nhận đánh một canh bạc đầy mạo hiểm với sinh mệnh của chính anh và mẹ của mình. Và ngay cả những người dân xóm ngụ cư nghèo khổ, chứng kiến cảnh Tràng và người vợ nhặt dắt díu nhau về ngã tư xóm chợ xác xơ, heo hút với những trận gió từ cánh đồng thổi vào ngăn ngắt, những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Ánh nắng của buổi sáng mùa hè sáng lóa ấy soi rọi vào túp lều rúm ró, vào mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại và vào từng khuôn mặt người làm bừng lên những tia hi vọng mới. Người vợ nhặt trở về với bản tính hiền hậu đúng mực; Tràng thấy trưởng thành hơn với vai trò của người đàn ông trụ cột trong gia đình: Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

Và đặc biệt, nhà văn Kim Lân đã đi vào đặc tả ánh sáng tỏa ra từ khuôn mặt của bà cụ Tứ: Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Cái ánh sáng rạng rỡ rỏa ra từ khuôn mặt của người mẹ nghèo khổ ấy không chỉ là niềm vui khi thấy đứa con trai mình cuối cùng cũng đã yên bề gia thất, mà quan trọng hơn, đó là niềm hi vọng lớn lao vừa được nhen nhóm. Một người đã đi gần hết quãng đời, bà cụ Tứ hiểu rõ những nguy cơ chết đói đang chực chờ cả cái gia đình này ở phía trước. Nhưng những giọt nước mắt lo lắng của bà đành lặn ngược vào trong để gieo vào lòng các con niềm hi vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn đang chờ đợi ở phía trước. Một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo cộng với nồi cháo cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ trong bữa cơm thảm hại ngày đói đang đối chọi gay gắt, quyết liệt với ánh sáng mùa hè, với ánh sáng tỏa ra từ những khuôn mặt người,với ánh sáng của niềm vui tỏa ra từ những câu chuyện lạc quan về tương lai, về sự sinh sôi nảy nở.

Đó còn là ánh sáng lan tỏa từ tình người nồng ấm trong bữa cơm gia đình, bởi như chính Tràng cảm nhận chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Dẫu ngoài sân đình, tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập; dẫu trên khuôn mặt người mẹ già nua, khắc khổ, dấu vết lăn dài của giọt nước mắt vẫn còn đó, thì ở đây, trong cái túp lều rúm ró này, ánh sáng vẫn là chủ đạo, tình người vẫn nồng hậu, thiết tha. Và câu chuyện phá kho thóc của Nhật, chia cho người đói trở thành khúc vĩ thanh xa mờ và bất tận ngân vang mãi trong lòng người đọc. Lá cờ đỏ bay phấp phới, đoàn người chạy rầm rập, câu chuyện phá kho thóc Nhật... dường như đang vẫy gọi, báo hiệu cho một tương lai sẽ đến với bà cụ Tứ, với Tràng và người vợ nhặt. Tương lai ấy đang đến rất gần, thật gần...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ