Đi trước về chậm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau một thời gian theo đuổi chính sách zero Covid, Việt Nam đã quyết định thay đổi cách chống dịch và đã thành công.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Đi trước về chậm” là cụm từ để chỉ ngành du lịch Việt Nam mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc tới tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhân một năm nước ta mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 (15/3/2022 - 15/3/2023).

Sau một thời gian theo đuổi chính sách zero Covid, Việt Nam đã quyết định thay đổi cách chống dịch và đã thành công. Những bước thăm dò đón du khách quốc tế vào đầu năm 2022 đã giúp chúng ta tự tin trong việc mở hoàn toàn các cửa khẩu, từ đường bộ, đường biển, đặc biệt là đường hàng không như trước khi có dịch.

Ngày 15/3/2022, các cửa khẩu của Việt Nam mở toang để trở thành một trong số ít những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đón khách quốc tế mà không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về phòng dịch như trước đó.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch sau đại dịch Covid-19 lại không được như mong đợi. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, trong năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách quốc tế.

Dù được đánh giá là cao gấp 23,3 lần so với năm 2021 nhưng lượng khách vẫn giảm 79,7% so với năm 2019 - năm trước khi có dịch Covid-19. Trong khi đó, nước láng giềng Thái Lan, dù đến tháng 7/2022 mới mở cửa hoàn toàn, nhưng trong năm 2022 họ đã đón đến 11 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa dự kiến.

Còn với Singapore, dự kiến đón 4 - 6 triệu khách nhưng họ đã đón 6,3 triệu lượt trong năm 2022. Các nước Malaysia, Campuchia đều vượt chỉ tiêu đề ra về đón khách quốc tế sau đại dịch.

Trong số 3,66 triệu lượt khách quốc tế mà Việt Nam đón trong năm 2022 thì có đến trên 965 nghìn du khách đến từ Hàn Quốc. Khách đi bằng đường hàng không cũng chiếm tuyệt đối với gần 90%.

Có một thực tế khách quan là, số khách đến từ Trung Quốc - thị trường chủ yếu của Việt Nam, do họ theo đuổi chính sách zero Covid nên gần như vắng bóng tại các điểm du lịch từ khi có dịch đến nay.

Thêm nữa, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina cũng ảnh hưởng không nhỏ đến số khách được xem là “quen” đến Việt Nam trong năm qua. Sự phát triển thị trường du lịch không đồng đều, nguồn khách chỉ tập trung vào một vài nước, đến khi gặp sự cố là vỡ ngay kế hoạch.

Tại buổi họp trực tuyến nói trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương phải tìm cho ra nguyên nhân do đâu mà chúng ta đi trước nhưng lại về chậm so với các nước trong khu vực để có sự điều chỉnh hợp lý và nhanh chóng lấy lại vị thế như trước khi có dịch.

Sẽ có nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân từ các bộ ngành Trung ương cũng như các tỉnh, song phải thừa nhận một điều là, ngoài phong cảnh trời ban cho - một trong những lý do để thu hút du khách, còn lại, chúng ta gần như quá thụ động trong việc bày ra các sân chơi, gọi là các “sản phẩm du lịch” để vừa thu hút, vừa giữ chân du khách và còn đón khách quay trở lại như các nước đã làm.

Phải có những sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ thì mới mong có lượng khách ổn định như cách làm của Thái Lan chứ nếu chỉ biết thụ hưởng của trời cho như lâu nay thì khách sẽ chán...

Một tín hiệu vui cho ngành du lịch là bắt đầu từ 15/3, Trung Quốc đã cho phép mở tour theo đoàn đến Việt Nam, mở ra một cơ hội mới cho ngành du lịch nước ta để có thể cán mốc đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ