Đi tìm thuốc giải

GD&TĐ - Ngày 29/5 theo giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đã đến thành phố Uvalde tưởng niệm các nạn nhân và thăm hỏi gia đình nạn nhân trong vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chuyến thăm Texas là chuyến công du thứ ba của Tổng thống Biden tới địa điểm xả súng hàng loạt kể từ khi nhậm chức. Theo Cơ quan Lưu trữ Bạo lực súng đạn Mỹ, tính đến tháng 5/2022, 213 vụ xả súng hàng loạt đã xảy ra trên khắp nước Mỹ. Năm 2021, 692 vụ xả súng hàng loạt được ghi nhận, cao hơn so với 610 vụ vào năm 2020.

Những năm gần đây, Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng nhắm vào người dân vô tội, trong đó có trẻ em và người cao tuổi. Năm 2021, súng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em Mỹ, cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người dưới 18 tuổi.

Điều này khiến nhiều người giận dữ đặt câu hỏi tại sao vấn nạn bạo lực súng đạn ở nước này vẫn chưa có “thuốc giải”. Những người ủng hộ kiểm soát súng đã vạch ra kế hoạch sâu rộng và cụ thể để giảm số người chết do súng gây ra.

Các chính sách được kiến nghị bao gồm bắt buộc kiểm tra lý lịch trong các giao dịch súng, tăng giới hạn với đối tượng mua súng hợp pháp. Thậm chí, nhiều người đề xuất cấm người dưới 21 tuổi mua súng.

Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò của tổ chức Gallup, chỉ 52% người Mỹ ủng hộ kiểm soát súng chặt chẽ hơn. 19% người Mỹ ủng hộ lệnh cấm súng ngắn. Các chuyên gia phân tích cho rằng, số người ủng hộ kiểm soát súng thấp như vậy là do tình trạng bạo lực trong xã hội Mỹ, số lượng người sở hữu súng quá lớn hoặc nạn phân biệt chủng tộc...

Vấn đề kiểm soát súng từng không ít lần được mang ra thảo luận trước quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp hàng trăm vụ xả súng hàng loạt xảy ra mỗi năm, quốc hội nước này đã nhiều lần không thông qua luật kiểm soát súng đạn.

Năm 2013, quốc hội Mỹ đã cố gắng thông qua một dự luật yêu cầu tăng cường kiểm tra lý lịch của người mua súng, vài tháng sau vụ xả súng kinh hoàng tại Trường Tiểu  học Sandy Hook, bang Connecticut khiến 28 người thiệt mạng.

Dự luật đã không được thông qua vì hầu hết đảng viên Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ phản đối.

Lý do phản đối được cho là do quyền sở hữu súng đã gắn liền với bản sắc của đảng Cộng hòa. Nhiều cử tri đảng Cộng hòa coi súng là một phần của con người họ. Ngoài ra, súng là một biểu tượng trong văn hóa Mỹ. Hình ảnh cây súng đã gắn liền với những chàng trai cao bồi ở miền Tây hoang dã.

Một trong những rào cản quan trọng khác là Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), tổ chức ủng hộ sử dụng súng. Hàng năm, NRA chi tới 3 triệu USD để gây ảnh hưởng đến các chính sách về súng đạn.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa quốc hội Mỹ sẽ từ bỏ nỗ lực kiểm soát súng. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy đã chỉ trích các đồng nghiệp vì thiếu hành động trong thời gian qua và kêu gọi một sự thay đổi mạnh mẽ trước quốc hội.

“Con cái chúng ta đang sống trong sợ hãi mỗi khi bước chân vào lớp học vì chúng lo sợ mình sẽ là nạn nhân kế tiếp. Chúng ta đang làm gì vậy? Quý vị đang làm gì vậy? Tại sao chúng ta ở đây?”, ông Chris Murphy hối thúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ