PGS.TS Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN) - trả lời:
Nhân học nghiên cứu về con người ở các khía cạnh khác nhau, như sinh học, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị,...
Chương trình đào tạo ngành Nhân học có các môn học cơ bản sau đây:
Nhân học đại cương, Nhân học ngôn ngữ, Nhân học hình thể, Nhân học phát triển, Nhân học tôn giáo, Nhân học y tế, Nhân học đô thị, Nhân học sinh thái, Nhân học về giới, Lịch sử và Lý thuyết Nhân học, Phương pháp nghiên cứu Nhân học, Điền dã dân tộc học,...
Một điểm quan trọng là Nhân học nhấn mạnh đến cả lý thuyết và thực tiễn. Sinh viên không chỉ học tập trên giảng đường, ở trường đại học, mà còn đi thực tập điền dã dân tộc học, nhằm rèn luyện và nâng cao năng lực đáp ứng được các yêu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Sau khi tốt Cử nhân ngành Nhân học, em có thể tiếp tục học:
Thạc sĩ Nhân học ở Bộ môn Nhân học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) hoặc ở Khoa Nhân học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP Hồ Chí Minh)
Tiến sĩ Nhân học ở Bộ môn Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội).
Còn nếu em giỏi tiếng Anh thì em sẽ rất nhiều cơ hội học Cao học hoặc Tiến sĩ ở nước ngoài bằng học bổng của Nhà nước hoặc học bổng của nước ngoài.