Tăng lương nhà giáo: lấy nguồn từ đâu?

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) – cho rằng: thực hiện điều chỉnh lương của nhà giáo phải tuân thủ Nghị quyết 37/2004/QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội, tức khoản chi cho lĩnh vực GD&ĐT, dạy nghề chiếm tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm. Như vậy, nguồn kinh phí nào để thực hiện phương án điều chỉnh tăng lương cho nhà giáo?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

>>Bài 1: Hiểu đúng bản chất phương án điều chỉnh lương của nhà giáo

>>Bài 2: Đề xuất 2 phương án tăng lương cho nhà giáo

4 nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh lương nhà giáo

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Vân, kinh phí dùng để thực hiện điều chỉnh lương nhà giáo có thể từ 4 nguồn sau:

Nguồn thứ nhất: Phần kinh phí dôi dư sau khi cắt giảm khoản chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT (chủ yếu các các trường ĐH) khi chuyển sang tự chủ tài chính toàn bộ hoặc một phần.

Chủ trương và cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi này đã ban hành, cụ thể là: Nghị quyết số 19-NQ/TW, hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ước tính, nếu đến 2021, hệ thống trường ĐH thực hiện đúng lộ trình chuyển sang tự chủ tài chính theo tiến độ và kế hoạch như Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra thì mỗi năm sẽ tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng để phục vụ phương án tăng lương cho nhà giáo.

Nguồn 2: Phần tăng (tính theo con số tuyệt đối) từ NSNN cho giáo dục theo từng năm

Thực hiện Nghị quyết 37/2004/QH11, tỷ lệ cân đối NSNN cho lĩnh vực GD&ĐT từ năm 2008 đến nay cơ bản giữ ổn định ở mức 20% tổng chi NSNN. Nhưng do hàng năm, tổng chi NSNN tăng, nên về số tuyệt đối thì mỗi năm NSNN cân đối cho lĩnh vực GD&ĐT được bổ sung thêm từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng để chi cho các nhiệm vụ tăng thêm.

Theo dự toán NSNN năm 2018, tổng chi NSNN là 1.523.200 tỷ đồng. Nếu giữ nguyên tỷ lệ chi cho lĩnh vực GD&ĐT với mức 20% tổng chi ngân sách thì dự toán chi NSNN cho GD&ĐT năm 2018 sẽ là 304.640 tỷ. Con số này của năm 2017 là 287.000 tỷ đồng.

Như vậy phần tăng chi cho lĩnh vực GD&ĐTcủa năm 2018 so với 2017 là 26.640 tỷ đồng (304.640 tỷ - 287.000 tỷ). Một phần của khoản tăng thêm sẽ được phân bổ để tăng lương khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,3 triệu lên 1,39 triệu đồng/tháng từ tháng 7/2018 và một phần trong số còn lại có thể sử dụng thực hiện chính sách tăng lương theo phương án nói trên;

Ngoài ra, nếu tính đủ theo tỷ 20% (theo Nghị quyết 37/2004/QH11) thì tổng chi cho lĩnh vực GD&ĐT là 287.000 tỷ đồng (năm 2017) và 304.640 tỷ (năm 2018). Trong kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm theo lĩnh vực, khoản chi cho GD&ĐT bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Ví dụ 2017 phân bổ 215.167 tỷ (chiếm 15,47%) cho chi thường xuyên trong lĩnh vực GD&ĐT và dạy nghề; phần còn lại 4,53% (62.833 tỷ đồng) phân bổ sang chi đầu tư cho lĩnh vực GD&ĐT. Do vậy, nếu thực hiện việc tiết kiệm chi và sắp xếp lại cấu trúc chi cho GD&ĐT thì phải áp dụng trong phạm vi 20% tổng chi NSNN mà không giới hạn trong số chi thường xuyên cho GD&ĐT.

Nguồn ba: Kinh phí ngân sách dôi dư do giảm biên chế và giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT.

Nguồn kinh phí từ NSNN dôi dư do sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực GD&ĐT và dạy nghề. Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW thì số lượng đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập sẽ giảm do sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở GD&ĐT hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH.

Số lượng trường CĐ, trung cấp nghề cũng giảm do sáp nhập trường trung cấp vào trường CĐ; giải thể các trường trung cấp, CĐ hoạt động không hiệu quả để đảm bảo nguyên tắc trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Ngoài ra, Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng chủ trương sáp nhập trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.

Nguồn kinh phí từ NSNN dôi dư do giảm biên chế: Với chủ trương thay đổi phương pháp giảng dạy và triệt để ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy cũng như có kế hoạch giải quyết hiện tượng thừa/ thiếu cục bộ giáo viên hiện nay thì hàng năm có thể giảm khoảng 2%/ tổng biên chế giáo viên. Việc tinh giảm biên chế có thể giảm áp lực chi lương từ NSNN và chuyển nguồn lực này vào phục vụ phương án tăng lương.

Như vậy nếu giảm biên chế và giảm số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT và dạy nghề sẽ tiết kiệm một một khoản không nhỏ trong khoản chi thường xuyên cho giáo dục hàng năm góp phần thực hiện phương án điều chỉnh tăng lương cho nhà giáo.

Nguồn 4: Xã hội hóa giáo dục và phần trích từ khoản thu hoạt động sự nghiệp, tiết kiệm chi ngân sách.

Như vậy, nếu việc điều chỉnh tăng lương cho nhà giáo giới hạn trong khoảng 8.000 đến 9.000 tỷ/năm thì các nguồn nói trên hoàn toàn có thể đảm nhận được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các điều kiện quan trọng

Để con số trên thành hiện thực và phương án điều chỉnh tăng lương thành công, theo PGS Nguyễn Văn Vân, phải lưu ý các điều kiện sau:

Thứ nhất: Hoàn thiện khung pháp lý về chế độ tài chính cho các trường ĐH, CĐ công lập, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính và cắt giảm khoản chi sự nghiệp cho các chủ thể này, cụ thể:

Sửa đổi căn bản về chế độ tài chính của cơ sở giáo dục ĐH (trong Luật Giáo dục Đại học 2012) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014);

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập không đáp ứng được các đặc thù về chế độ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập, do vậy cần 1 Nghị định riêng về chế độ tài chính cho đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự chủ tài chính;

Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017 chỉ là khung pháp lý phục vụ hoạt động thí điểm và chỉ áp dụng trong khoảng thời gian 2014-2017. Do vậy, cần khung pháp luật chính thức cho hoạt động chuyển đổi các ĐH công lập sang cơ chế tự chủ tài chính;

Thứ 2: Cần sự phối hợp thống nhất hành động của tất cả hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc cơ cấu lại 20% ngân sách dành cho giáo dục. Hiện nay, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục được phân bổ cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, được chia thành các khoản chi hoạt động sự nghiệp và chi đầu tư phát triển và chịu sự quản lý, sử dụng của rất nhiều chủ thể khác nhau: Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các bộ chủ quản khác và chính quyền địa phương.

Do vậy, mọi chủ trương về sắp xếp cơ cấu lại kết cấu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, cũng như chính sách tiết kiệm chi để tăng lương cho nhà giáo sẽ không thực hiện được nếu không có sự thống nhất và quyết tâm của toàn bộ hệ thống cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Thứ 3: Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và UBND các cấp trong lĩnh vực quyết định dự toán và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, đặc biệt là khoản chi ngân sách địa phương dành cho giáo dục. Chủ thể “hưởng lợi” từ phương án điều chỉnh tăng lương là đội ngũ nhà giáo bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPH và thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương.

Chỉ khi khi có sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi các ĐH, CĐ công lập thuộc tỉnh sang cơ chế tự chủ tài chính; tái cơ cấu hệ thống trường dạy nghề, tinh giảm biên chế và tuân thủ đúng tỷ lệ 20% tổng chi NSNN dành chi giáo dục khi lập dự toán ngân sách địa phương thì mới có kinh phí dôi dư để phục vụ phương án tăng lương.

Thứ 4: Sự đồng thuận của xã hội là nhân tố quan trọng để thực hiện phương án này. Các chủ trương lớn về xã hội hóa giáo dục, chuyển đổi học phí các trường ĐH, CĐ sang cơ chế giá, phương án tái cơ cấu khoản chi NSNN cho giáo dục… có ảnh hưởng đến người mọi người dân, người học, người nộp thuế… Nếu không nhận được sự đồng thuận của các chủ thể bị tác động nói riêng và xã hội nói chung thì phương án điều chỉnh lương nhà giáo khó thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.