Có nên giữ nguyên gốc?
Mấy năm trước, việc trùng tu, sửa chữa chùa Trăm gian, một trong những di sản văn hóa vật thể độc đáo của Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý cũng như nhận thức, cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Để làm tốt việc này, trước tiên phải là về vấn đề nhận thức.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho biết: “Về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trên thế giới cũng tồn tại những trường phái khác nhau. Nhiều nơi có xu hướng giữ nguyên gốc cho dù nó đổ nát nhưng cũng có nước cho phục dựng lại di tích như nó vốn có. Tuy nhiên, nếu là phục dựng thì dù khéo đến đâu cũng không phải là nguyên gốc.
Đất Thăng Long – Hà Nội có hàng nghìn di tích, chủ yếu được xây dựng bằng gạch, gỗ cách đây hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn, kết cấu không còn vững chắc. Nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ vỡ cần phải chống xuống cấp kịp thời. Tuy nhiên, kinh phí địa phương dành cho việc trung tu di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế, không đáp ứng yêu cầu thực tế.
Các di tích đã xuống cấp càng xuống cấp nghiêm trọng, yêu cầu tài chính càng lớn hơn dẫn tới bất cập trong thủ tục phê duyện và triển khai nhất là trong điều kiện “xin – cho” vẫn tồn tại những yếu tố khách quan.
Chính điều này dẫn tới địa phương, một số tổ chức và cá nhân khi bố trí được kinh phí trùng tu di tích đã tìm mọi cách “lách luật” để “xin” và được “cho”. Và cũng chính vì thế, khi làm nếu không đủ hiểu biết cũng như tính toán kỹ lưỡng đã làm mất đi yếu tố nguyên gốc của di tích”.
Vấn đề này, nhiều nhà khoa học đã đặt ra yêu cầu phải giữ nguyên gốc di sản bởi không còn nguyên gốc đồng nghĩa với việc làm mất di sản.
Các nhà báo cũng đã dùng cách nói “Di sản nghìn năm tuổi bị biến thành công trình một tuổi” để phê phán gay gắt cách “làm mới” di tích đồng nghĩa với việc phá di tích.
Tuy nhiên, khi nghe các nhà quản lý trực tiếp phân trần cũng thấy có cái lý trong thực tiễn: Việc “làm mới” di tích cần phải lên án nhưng giữ nguyên gốc di sản chỉ đơn giản cho người nói, không dễ cho người làm. Cụ thể, nhiều di sản không còn gốc thật để giữ.
Chẳng hạn: Chùa Một Cột có từ thời Lý nhưng cũng mới được dựng lại sau hòa bình (1954); Văn Miếu - Quốc Tử giám được xây dựng từ thời Lý nhưng cũng có nhiều hạng mục không còn nguyên gốc nữa. Tường Văn Miếu cũng được xây dựng bằng gạch vồ thu lượm từ một công trình khác. Bia tiến sĩ được dựng vào thời Lê và được phục dựng lại mấy năm trước đây…
Việc xây dựng một công trình mới theo kiến trúc cũ làm nơi thờ các vị vua có công xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử giám qua các triều đại, đồng thời thờ Chu Văn An – Vạn thế sư biểu với tư cách là Tư nghiệp Quốc Tử giám là giữ nguyên gốc tư tưởng kính thầy, hiếu học, trọng hiền tài, chứ không chỉ nguyên gốc cái vật chất chứa đựng tư tưởng đó.
Chùa Một cột (Hà Nội) |
Bảo tồn toàn bộ giá trị của di sản
Trong lý luận cũng như trong quản lý, người ta đưa ra khái niệm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên thực tế, giá trị di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều được tạo bởi cả hai yếu tố vật thể và phi vật thể, nếu không muốn nói yếu tố phi vật thể có ý nghĩa hơn nhiều và có sức sống trường tồn.
Nói như vậy không có nghĩa là giá trị vật chất của di sản bị coi nhẹ, càng không đồng nghĩa với việc tùy tiện làm mất đi cái gốc vật chất làm nên di sản.
Điều muốn nhấn mạnh ở đây là cách hiểu khái niệm “nguyên gốc” được vận dụng linh hoạt trong thực tiễn không được phép xa rời nguyên tắc bất di, bất dịch: “Không làm mất, làm biến dạng giá trị di sản, hay nói một cách dân dã là phải giữ được hồn cốt của di sản”.
Giải thích về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho biết: “Trong điều kiện có thể giữ nguyên gốc cả yếu tố vật thể và phi vật thể, chúng ta cần giữ cho kỳ được cả hai yếu tố nguyên gốc đó. Còn trong điều kiện bất khả kháng không thể giữ nguyên gốc yếu tố vật thể, phải cân nhắc kỹ lưỡng để có phương án tối ưu hạn chế thấp nhất sự sai lệch so với nguyên gốc đồng thời phải giữ nguyên yếu tố phi vật thể của di sản. Yếu tố phi vật thể chính là hồn, cốt của di sản.
Chẳng hạn như, chúng ta không tìm được vật liệu nguyên gốc của Tháp Chăm, nhưng không vì thế mà làm mất hồn cốt của Tháp Chăm… Chúng ta đã kỳ công nghiên cứu chất kết dính các viên gạch xây dựng tháp nhưng cho đến nay chưa tìm ra nó là thứ gì mà ông cha chúng ta có thể tạo ra kết cấu bền vững đến như thế với các khe hở - mạch vữa giữ các viên gạch mỏng manh. Cho nên, việc bảo tồn yếu tố vật thể nguyên gốc đối với Tháp Chăm là không thể, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay.
Hay, việc các viên gạch vồ trong thành Đoan Môn bị mục khuyết, phương án tối ưu chỉ là thay bằng các viên gạch vồ có kích thước và màu sắc tương tự được sản xuất thủ công hiện nay chứ không có viên gách nguyên gốc”.
Từ thực tế khách quan đó, đã đến lúc các nhà bảo tồn cần thống nhất cách đặt vấn đề bảo tồn di sản văn hóa là bảo tồn toàn bộ giá trị của di sản chứ không chỉ là yếu tố vật chất của di sản cho dù đó là di sản văn hóa vật thể.
Hơn nữa, cần nhìn nhận người làm công tác bảo tồn như là người sáng tạo văn hóa chứ không chủ là người “lính cách gác di sản”. Người sáng tạo văn hoá ấy phải làm sống lại di sản ăn hóa trong cuộc sống hiện tại, thổi vào nó sức sống mạnh mẽ vốn có để có thể trường tồn trong tương lai. Như thế, nhiệm vụ của bảo tồn không chỉ giữ nguyên hay tái tạo giá trị cũ mà còn tạo mảnh đất tốt để các giá trị mới đơm hoa, kết trái.