Di sản: Truyền cảm hứng học tập

Di sản: Truyền cảm hứng học tập

(GD&TĐ) - Mục đích của việc giáo dục thông qua di sản là nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy  những giá trị của di sản văn hóa, rèn luyện tính chủ động sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập. Sau một năm triển khai thí điểm, những kết quả mang lại đã cho thấy hiệu quả tích cực từ hoạt động này. 

Nâng cao các kỹ năng giảng dạy

HS tỉnh Phú Thọ tham gia hát Xoan tại lễ hội. Ảnh : T. A
HS tỉnh Phú Thọ tham gia hát Xoan tại lễ hội.   Ảnh : T. A
 

Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Các địa phương được chọn làm thí điểm đều đã quán triệt tốt chủ trương sử dụng di sản trong dạy học. Trên thực tế, các cơ sở giáo dục đã tích cực triển khai áp dụng sử dụng di sản trong dạy học vào các bài học cụ thể trong các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc; Đồng thời tổ chức tốt việc sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, thu thập và xử lý các thông tin, viết các bài báo cáo và trình bày kết quả. 

Từ nhận thức đúng đắn, nhiều giáo viên đã tích cực sử dụng di sản vào dạy học trong các bài học cụ thể, hoặc các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh học trải nghiệm tại di sản. Điển hình như Trường THCS Nông Trang (Phú Thọ) với các môn Lịch sử, Âm nhạc, Địa lý; Trường THCS Hồng Hải (Hạ Long, Quảng Ninh) với hoạt động ngoài giờ môn Âm nhạc; trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) với dạy học tại di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám môn Lịch sử; Trường THCS Trần Phú (Bắc Giang) với giờ học ở trên lớp có sử dụng di sản môn Địa lý... Thông qua việc áp dụng thí điểm, năng lực của nhiều giáo viên đã được nâng cao thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh.

 Nhiều kế hoạch bài học do giáo viên thiết kế đã thể hiện rõ sự thông hiểu về tiến trình sư phạm của việc sử dụng di sản trong dạy học. Giáo viên đã có khả năng thiết kế nội dung dạy học phù hợp với việc sử dụng di sản trong dạy học, đảm bảo dựa theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời đa dạng hóa được phương pháp và hình thức tổ chức dạy học có sử dụng di sản. Bên cạnh đó, việc dạy học tại di sản cũng góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học cũng như kiểm tra đánh, giá kết quả học tập của HS. 

Cô Hoàng Thị Mỹ Lệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ (Thừa Thiên Huế) cho biết: Việc trải nghiệm tại di sản giúp GV hình thành những hình thức kiểm tra đa dạng, phong phú; Không chỉ những bài kiểm tra ở trên lớp mà còn có những hình thức kiểm tra, đánh giá mới như sưu tầm tư liệu, viết báo cáo, trình bày báo cáo…. 

Để tổ chức tốt hoạt động học của học sinh trong việc sử dụng di sản trong dạy học, đòi hỏi giáo viên phải lựa chọn và sử dụng thành thạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp theo định hướng tổ chức hoạt động. Qua đó, năng lực khai thác sử dụng phương pháp, hình thức dạy học của giáo viên được nâng cao. Khi dạy học tại nơi có di sản, giáo viên và học sinh phải gia tăng cường độ làm việc.

Giáo viên không thuyết trình về các hiện tượng, sự vật cần tìm hiểu mà cần hướng dẫn học sinh tự quan sát, thu thập thông tin, trao đổi trong nhóm để xử lý các thông tin, tìm hiểu về di sản, để tìm cách trình bày lại những hiểu biết của cá nhân hoặc nhóm. Đôi khi học sinh có thể được yêu cầu tổ chức triển lãm những hiện vật, bài viết giới thiệu về di sản do các em thu thập được. Môi trường làm việc thay đổi đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học phù hợp, sao cho tập thể học sinh được lôi cuốn vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu di sản. 

Mang lại hiệu quả giáo dục 

Việc sử dụng di sản trong dạy học tác động đến tư tưởng, tình cảm của học sinh.  Sau khi được tìm hiểu học tập, học sinh nhận thức được giá trị của những di sản văn hóa xung quanh, thấy yêu quí trân trọng và tự hào hơn về quê hương mình, từ đó có thái độ và hành vi đúng đắn, có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của quê hương. Việc sử dụng di sản trong dạy học góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức, kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức. 

Cô Lê Kim Hưng - GV Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) - chia sẻ: Với môn âm nhạc, qua băng đĩa, GV có thể hướng dẫn cho HS nghe và tìm hiểu về cái hay, cái đẹp của ca từ giai điệu. Từ những sản phẩm âm nhạc dân gian, các em sẽ có thêm những kiến thức về văn hóa, vùng miền với chiều dài lịch sử.

Các di sản văn hóa, dù là vật thật hay qua phim, ảnh, tranh vẽ,… được sử dụng trong dạy học, giáo dục đều góp phần nâng cao tính trực quan, giúp người học mở rộng khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến bài học tồn tại trong di sản.

Trong quá trình tiếp cận với di sản văn hóa theo sự hướng dẫn của giáo viên, các hiện tượng sự vật, các giá trị ẩn chứa trong di sản sẽ được các em tìm hiểu. Những điều tưởng như quen thuộc sẽ trở nên hấp dẫn hơn, sống động hơn và học sinh sẽ có hứng thú với chúng, từ đó các em có động cơ học tập đúng đắn, trở nên tích cực và phấn đấu tiếp nhận kiến thức mới cũng như có thái độ và hành vi thân thiện, bảo vệ di sản tốt hơn.

Di sản văn hóa cũng là phương tiện quan trọng giúp học sinh rèn một số kỹ năng học tập như kỹ năng quan sát, thu thập, xử lý thông tin, qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết thu được trong quá trình tiếp cận với di sản; Kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn đã học để giải thích những hiện tượng, sự vật có trong các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa cũng góp phần phát triển một số kỹ năng sống ở học sinh, giúp học sinh hình thành nhân cách.

Thông qua phương pháp sử dụng di sản trong dạy học sẽ làm cho những giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học khởi sắc và có thể truyền cảm hứng cho các học sinh. Điều này giúp các em không chỉ hiểu về di sản theo nghĩa rộng mà còn giúp các em tư duy sâu hơn về các giá trị truyền thống, qua đó tác động đến tình cảm, đạo đức và hình thành nhân cách. 

TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa  (Hội Di sản Việt Nam)

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.