Độc đáo bảo tàng nghề đá ở Ngũ Hành Sơn

GD&TĐ - Mới đây, dưới chân ngọn Thủy Sơn thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã chính thức đi vào hoạt động.

Anh Lê Văn Hòa - Giám đốc Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, hướng dẫn du khách về cách nhận biết đá Non Nước. Ảnh: Hoàng Vinh
Anh Lê Văn Hòa - Giám đốc Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, hướng dẫn du khách về cách nhận biết đá Non Nước. Ảnh: Hoàng Vinh

Không chỉ giới thiệu đến người dân và du khách những giá trị của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, anh Lê Văn Hòa còn lưu giữ những ký ức của làng đá nổi tiếng dưới chân núi Ngũ Hành.

Bảo tàng ký ức dưới chân núi Ngũ Hành

Anh Lê Văn Hòa giới thiệu các di vật được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: Hoàng Vinh

Anh Lê Văn Hòa giới thiệu các di vật được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: Hoàng Vinh

“Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của nghề điêu khắc đá Non Nước, năm 2014, Bộ VH,TT&DL đã quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Mới đây, dưới chân ngọn Thủy Sơn thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã chính thức đi vào hoạt động.

Đến đây, du khách không chỉ chiêm ngưỡng được dấu tích thời gian của các loại đá, mà còn hiểu rõ hơn về làng nghề điêu khắc đá độc đáo nhất Việt Nam.

Bảo tàng có diện tích khoảng 700 m2, được chia ra làm 3 gian phòng với các chủ đề khác nhau. Không gian bảo tàng được trưng bày hơn 300 di vật đá có tuổi đời từ 50 - 100. Điều đặc biệt chính là những di vật bằng đá ấy được người thợ đá chế tác hoàn toàn bằng phương thức thủ công.

Dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng, anh Lê Văn Hòa, Giám đốc bảo tàng, chia sẻ, nghề đá mỹ nghệ Non Nước ra đời và tồn tại cách đây hàng trăm năm. Trước đây, người làm nghề đá chủ yếu làm thủ công thô sơ, sau này cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các trang thiết bị ra đời được thay thế cho những dụng cụ làm đá thô sơ.

“Dòng chảy của thời gian luôn làm mọi thứ thay đổi. Đối với làng nghề đá Non Nước cũng như vậy. Nghề điêu khắc đá qua mỗi thời kỳ đều có những nét riêng. Chính vì vậy, tôi xây dựng bảo tàng này để giữ lại những tinh hoa của quá khứ, từ đó làm nền tảng động viên cho thế hệ làm nghề đá mai sau”, anh Hòa chia sẻ.

Theo lời anh Hòa, bản thân anh cũng xuất thân là một thợ làm đá từ lúc 14 tuổi. Sau hàng chục năm gắn bó với nghề đá, vì “cơm áo gạo tiền” anh Hòa chuyển sang làm nhân viên của Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Thế nhưng, nghề đá như thấm vào trong máu thịt, không lúc nào anh quên được những ngày tháng cơ cực với nghề. Vì vậy, anh Hòa luôn ấp ủ sẽ xây dựng một bảo tàng.

Ở nơi đó anh sẽ trưng bày những ký ức của nghề đá, những công cụ thô sơ gắn liền làng nghề hàng trăm năm tuổi. Qua đó, người dân và du khách hiểu rõ lịch sử thăng trầm của làng nghề “độc nhất vô nhị” dưới chân núi Ngũ Hành.

Đầu năm 2021, anh Hòa bắt tay vào việc lên ý tưởng thành lập bảo tàng. Khi anh chuẩn bị hiện thực hóa công trình thì đại dịch Covid-19 ập tới, nhưng anh Hòa nhất quyết không bỏ cuộc. Đến ngày 30/4/2023, Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước của anh Hòa đã chính thức đi vào hoạt động.

Để du khách hiểu hết nghề đá mỹ nghệ Non Nước, điểm đến đầu tiên anh Hòa bố trí gian trưng bày giới thiệu các dụng cụ làm đá thuở sơ khai như: Búa, đục, mũi xó, mũi bạt, ve, mũi ngô…

Tiếp đến là khu giới thiệu các loại đá dùng để chế tác, các dụng cụ tách, chẻ đá; những sản phẩm điêu khắc được chạm khắc bằng đồ thô sơ. Cuối cùng là gian trưng bày những sản phẩm được điêu khắc và hoàn thiện bằng công nghệ tinh xảo…

Mỗi hiện vật là một câu chuyện về quá trình hình thành phát triển làng nghề đá Non Nước. Ngoài ra, khách tham quan sẽ được nghe thuyết minh về những dấu tích thời gian của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, quá trình hình thành một sản phẩm điêu khắc đá.

Các dụng cụ thô sơ làm điêu khắc đá thời kỳ trước. Ảnh: Hoàng Vinh

Các dụng cụ thô sơ làm điêu khắc đá thời kỳ trước. Ảnh: Hoàng Vinh

Điểm đến văn hóa, giáo dục

Anh Hòa tâm sự, ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương pháp điêu khắc thủ công dường như đã đi vào quên lãng. Số người thợ nhớ được hết các phương pháp thủ công giờ cũng lớn tuổi.

“Để sống lại không gian làng nghề xưa cũng như hơn 300 hiện vật trưng bày, nhiều năm qua tôi cùng với anh em đã ngày đêm tìm kiếm. Đến nay đã có hàng trăm di vật qua các thời kỳ phát triển làng nghề đá đã được lưu giữ và trưng bày ở bảo tàng.

Tôi muốn cho mọi người thấy hết được toàn cảnh cách một người thợ đá làm ra tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ công thế nào. Đó cũng là điều thôi thúc tôi xây dựng bảo tàng này”, anh Hòa nói thêm.

Các di vật được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: Hoàng Vinh

Các di vật được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: Hoàng Vinh

Chỉ mới mở cửa trong một thời gian ngắn, nhưng lượng khách đến tham quan bảo tàng đông lên từng ngày. Theo nhiều du khách, đây là điểm đến lý tưởng trong hành trình tham quan, tìm hiểu các di tích, di sản ở Đà Nẵng.

Bảo tàng hiện đang trưng bày hơn 300 di vật, trong đó hơn 60 di vật quốc gia. Đặc biệt là tấm bia của cụ Huỳnh Bá Quát có niên đại khoảng 300 năm, di vật tượng Phúc Lộc Thọ… Cạnh đó, là những sản phẩm do các nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề như: Nghệ nhân Nguyễn Sang, Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Việt Minh…

Đến tham quan bảo tàng, chị Nguyễn Mai Hương (trú tỉnh Hưng Yên) cho rằng, rất ấn tượng về cách trưng bày, bố trí nơi đây. “Bảo tàng cho tôi biết được những giá trị văn hóa mà cha ông ta đã để lại thông qua các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Chắc chắn rằng đây sẽ là nơi thu hút nhiều khách tham quan không chỉ du khách trong nước, mà còn khách quốc tế”, chị Hương nói.

Chia sẻ về dự định sắp đến, anh Hòa cho rằng, sẽ liên kết với các công ty du lịch để hình thành một tuyến du lịch trải nghiệm cho du khách. “Ngoài mục đích du lịch, bảo tàng còn hướng đến mục đích giáo dục.

Thông qua những tác phẩm trong bảo tàng giúp các em học sinh, sinh viên trên địa bàn hiểu rõ hơn về làng nghề truyền thống mà cha ông ta đã hình thành và phát triển”, anh Hòa cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.

Hướng dẫn đọc sách online hiệu quảKhám phá chạy deadline là gì