Thủ tướng Đức A.Merkel
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận xã hội mới được Viện nghiên cứu Insa tiến hành, khối đảng cầm quyền tại Đức gồm Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU), Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu đã phá vỡ kỷ lục về sự sụt giảm mức tín nhiệm, xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo đó, mức tín nhiệm của khối đảng cầm quyền này đã giảm xuống đến 29,5%, mức thấp nhất trong lịch sử nước Đức. Đối với khối này, đây là kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử. Trước đó, kỷ lục sụt giảm uy tín của của CDU / CSU đã là 30%.
Mặc dù uy tín của liên minh cầm quyền sụt giảm khá mạnh nhưng theo kết quả cuộc khảo sát xã hội học được thực hiện theo sự đặt hàng của tạp chí Stern và kênh truyền hình RTL, hiện vẫn có đến 45% cử tri Đức muốn thấy bà Merkel tiếp tục nắm giữ chức vụ Thủ tướng Đức sau cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2017.
Đây là mức ủng hộ cao nhất so với tất cả các ứng cử viên tiềm năng khác cho ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới.
Đây được đánh giá là kết quả khá ngạc nhiên vì bà Merkel thời gian gần đây liên tục bị chỉ trích nặng nề vì những hậu quả kinh tế-xã hội do cuộc khủng hoảng nhập cư gây ra cho nước Đức.
Đứng thứ hai trong danh sách các ứng cử viên được cử tri Đức ủng hộ cho chức vụ Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới là Martin Schulz, thành viên đảng Xã hội-Dân chủ Đức (SPD), đồng thời là đương kim Chủ tịch Nghị viện châu Âu.
Ông Martin Schulz nhận được sự ủng hộ của 29% cử tri Đức. Đứng thứ ba trong danh sách này là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế đương nhiệm Zigma Gabriel cũng thuộc SPD khi nhận được 18% cử tri ủng hộ.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của phần lớn cử tri Đức nhưng bà Merkel sẽ chỉ có thể tiếp tục chức vụ Thủ tướng nếu như đảng của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm 2017.
Theo quy định của Đức, chức vụ Thủ tướng nước này sẽ chỉ được xác định căn cứ vào kết quả bầu cử Quốc hội. Cử tri Đức sẽ lựa chọn các đảng phái trong cuộc bầu cử Quốc hội và mỗi một đảng phái sẽ đưa ra ứng cử viên của mình cho chức vụ Thủ tướng.
Nếu một đảng phái không thể giành chiến thắng áp đảo thì đảng phái đó sẽ phải bắt đầu quá trình liên minh với các đảng phái khác để có thể thành lập chính phủ mới.
Theo các kết quả thăm dò dư luận xã hội thời gian gần đây, nhiều khả năng liên minh cầm quyền hiện nay (giữa CDU và CSU) sẽ tiếp tục giành thắng lợi và sẽ tiếp tục liên minh để thành lập chính phủ mới.
Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều khả năng bà Merkel sẽ tiếp tục được nắm giữ chức vụ Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới. Hiện có đến 56% cử tri Đức bày tỏ sự ủng hộ với liên minh cầm quyền này.
Mặc dù vậy, bà Merkel vẫn chưa chắc về khả năng có tiếp tục được liên minh CDU-CSU ứng cử vào chức vụ Thủ tướng Đức hay không.
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức sẽ diễn ra vào mùa Thu năm 2017.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.