Đi qua mùa Xuân cùng người bệnh

GD&TĐ - Do đặc thù công việc, nhiều y, bác sĩ phải căng mình làm việc xuyên Tết.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Dù không được đón Tết trọn vẹn bên gia đình, nhưng đối với họ, bệnh nhân sớm hồi phục sức khoẻ là món quà đầu năm ý nghĩa nhất.

Gia đình là hậu phương vững chắc

Có lẽ, chuyện “lỗi hẹn” với gia đình cùng nhau đón Giao thừa, đi chùa mùng 1, về quê mùng 2 để chăm sóc, cứu sống bệnh nhân đã không còn xa lạ đối với các y, bác sĩ trực Tết. Thế nhưng, hiếm khi nào họ coi đó là sự thiệt thòi.

Bởi lẽ, mỗi khi chứng kiến bệnh nhân qua cơn nguy kịch và hồi phục từng ngày, thì đó mới chính là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực Tết của các y, bác sĩ.

Đã có 12 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng và cũng từng ấy năm tham gia trực Tết tại đây, bác sĩ Lã Thị Mỹ Dung, Khoa Khám bệnh chia sẻ: “Sau hơn chục năm làm việc thì với tôi trực Tết trở nên bình thường như nó vẫn vậy. Mình đã quen thuộc với việc này, vì nghề y mình lựa chọn là vậy”.

Theo nữ bác sĩ, thời điểm mới công tác, khi con vẫn còn nhỏ, cũng có không ít lần chị cảm thấy tủi thân vì không được quây quần bên gia đình. Thậm chí, chị từng thấy mình rất vất vả khi Tết đến mà vẫn quay cuồng vì vẫn có bệnh nhân cần chữa trị.

“Thế nhưng, dần dần, tất cả những cảm xúc ấy cũng được lấp đầy bằng sự quan tâm, chúc Tết của lãnh đạo, bằng tình cảm của đồng nghiệp và niềm hạnh phúc khi thấy bệnh nhân sớm bình phục”, bác sĩ Mỹ Dung tâm sự.

Dù cảm thấy hạnh phúc với công việc, nhưng đối với gia đình của bác sĩ Dung, sự thiệt thòi là không thể tránh khỏi. Bởi, chồng chị cũng là bác sĩ. Anh Nguyễn Đức Hải, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 105 cũng “đi biền biệt” trong những ngày Tết đến Xuân về.

“Mình lấy chồng xa mà 2 vợ chồng đều trực Tết nên cũng hơn chục năm nay không được về quê ngoại trong những ngày này. Đến giờ, bố mẹ cũng chẳng hỏi năm nay Tết có về quê không mà chỉ nhắn cứ yên tâm, ông bà tự lo được hết. Trên này thì may mắn có bố mẹ chồng. Những ngày Tết hai cụ lại tất bật lo sắm Tết, lo chăm sóc 2 đứa nhỏ rồi đi chùa, đi chúc Tết cũng đều phải nhờ ông bà cả”, bác sĩ Dung kể.

Chị cho biết, hơn chục năm nay, chưa có lần nào hai vợ chồng cùng nhau cho con đi chơi Tết được. Chồng chị là bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, nên những ngày trước, trong, sau Tết vô cùng bận rộn và áp lực. Bởi, số người tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm phải nhập viện rất lớn.

Tuy nhiên, vợ chồng bác sĩ Dung luôn cảm thấy vô cùng may mắn. Bởi, dù người thân rất muốn vợ chồng chị có thể ở nhà để sum vầy bên nhau, nhưng gia đình cũng hiểu rằng, rất nhiều người bệnh cần bác sĩ.

Bác sĩ Dung cũng bày tỏ thêm về niềm vui đặc biệt: “Khác với mọi năm, Tết năm nay số lượng người phải nhập viện vì tai nạn giao thông đã giảm đi rất nhiều. Đây là niềm vui lớn nhất của tôi trong những ngày trực Tết vừa rồi. Cứ năm nào gần Tết, thấy bệnh nhân càng vắng, vãn tiếng còi xe cấp cứu thì chúng tôi lại càng hạnh phúc”.

Bác sĩ Lê Thị Trâm Anh cùng 'công dân nhí' ra đời trong những ngày đầu năm mới tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang. Ảnh: BSCC

Bác sĩ Lê Thị Trâm Anh cùng 'công dân nhí' ra đời trong những ngày đầu năm mới tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang. Ảnh: BSCC

Truyền thống đón Tết tại bệnh viện

Khác bác sĩ Dung, đối với BS Lê Thị Trâm Anh, Khoa Sản, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, thì việc trực Tết đã là điều không hề xa lạ. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều trong ngành Y, từ nhỏ, bác sĩ Trâm Anh đã theo bố mẹ đi làm, đi trực và môi trường bệnh viện cũng trở thành nơi thân quen.

“Từ bé, tôi đã quen với việc đón Giao thừa mà không có bố hoặc không có mẹ ở nhà. Năm nào gặp ca bệnh nguy kịch hay bệnh nhân đông thì cả bố và mẹ đều không đón Tết ở nhà. Những ngày đầu năm của gia đình tôi có lẽ cũng hơi khác so với những nhà khác. Bởi, sau những ca trực, nếu cứu sống thành công bệnh nhân thì niềm vui ngày Tết của cả gia đình được nhân lên nhiều lần và ngược lại”, nữ bác sĩ bày tỏ.

Song, theo bác sĩ Trâm Anh, có lẽ cũng chính vì thế mà chị lại có tình yêu mãnh liệt với nghề y từ nhỏ. Chị cũng yêu cảm giác được đón những đứa trẻ chào đời và quyết định chọn khoa Sản, rồi chọn cả chồng là bác sĩ luôn cho… giống bố mẹ.

“Nhiều người nói không nên lấy chồng cùng ngành. Song, việc có chồng làm cùng viện đối với tôi lại là niềm hạnh phúc. Những lúc mệt mỏi, áp lực, tôi được chồng thấu hiểu, thương cảm và gánh vác thêm công việc. Chính sự san sẻ đó của anh giúp tôi thêm yêu nghề”, bác sĩ Trâm Anh cho biết.

Cũng theo chị, hầu hết trường hợp nhập viện đêm Giao thừa đều là do chuyển dạ bất ngờ hoặc cấp cứu nguy kịch. Ngoài ra, không ít sản phụ có tâm lý cố ăn Tết cho xong nên thường nhập viện khi cổ tử cung mở nhiều, đau dữ dội. Do đó, bác sĩ sản khoa luôn nhắc nhở nhau phải giữ sự tập trung và đưa ra quyết định sáng suốt để đón những công dân đầu tiên của năm mới.

“Điều đặc biệt cũng là hạnh phúc nhất của bác sĩ sản là được chào đón những công dân nhí vào ngày đầu năm”, bác sĩ Trâm Anh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ