Bệnh teo đường mật bẩm sinh trong gan ở nước ngoài thuộc diện hiếm gặp nhưng ở Việt Nam, trẻ mắc bệnh này ngày càng nhiều. Nguy hiểm là triệu chứng vàng da sau sinh giống như nhiều bệnh lý khác.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết đã thực hiện ca ghép gan cho bé trai Lương Gia Kh. (10 tuổi, nhà ở tỉnh Cà Mau). Bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh nằm ở vị trí trong gan.
Theo lời kể của chị Phạm Thủy T. - mẹ bé, lúc mới sinh, Kh. đã bị vàng da; các bác sĩ (BS) điều trị, chiếu đèn nhưng suốt hai tuần, da vẫn không hết vàng. Thậm chí, khi bé đi đại tiện phân lại màu bạc, thậm chí có màu trắng, chứ không phải màu vàng.
Bác sĩ người Bỉ đang cùng các bác sĩ Việt Nam thực hiện lấy - ghép gan tại BV Nhi đồng 2
Bệnh nhi được các BS BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thăm khám và phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh. Đường mật bị tắc nghẽn nằm ở trong gan nên sẽ gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến bệnh nhi đối diện với việc ói ra máu nhiều lần; về lâu dài, sẽ gây dãn tĩnh mạch thực quản, vỡ tĩnh mạch, khiến chảy máu ồ ạt và có thể tử vong nhanh chóng.
Ngay lập tức, các BS tiến hành phẫu thuật Kasai (một thủ thuật) cải thiện tình trạng teo đường mật bẩm sinh. Lúc này, bé được ba tháng rưỡi tuổi. Thế nhưng đến khi được hai tuổi, trong lúc đang ngồi chơi, bé Kh. bỗng ói ra máu ướt cả áo. Đến nay, bé đã bảy lần ói ra máu.
Bệnh nhi lại được gia đình đưa đến BV Nhi Đồng 2 thăm khám. BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Đồng 2, khẳng định, với những trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, sớm hay muộn cũng phải ghép gan, việc phẫu thuật Kasai chỉ là hình thức kéo dài thời gian ghép gan cho bệnh nhi; nhưng nếu không phẫu thuật Kasai thì bé sẽ chết trong thời gian ngắn. Trường hợp tốt nhất là ghép gan ngay từ đầu nhưng người cho gan quá ít.
Nhìn con đối diện trước cái chết, gia đình chị T. lần lượt xét nghiệm máu nhưng tất cả kết quả đều không phù hợp giữa người cho và người nhận, ngoại trừ mẹ ruột của bé là chị T. 39 tuổi.
Bé Kh. đang chờ hồi phục sức khỏe sau ghép gan.
Theo BS Trần Thanh Trí, đây là ca ghép gan thứ 11 tại BV Nhi Đồng 2 nhưng lại là lần đầu tiên, các BS dùng phương pháp lấy trọn gan trái để ghép cho bệnh nhi vì em đã 10 tuổi, trong khi các ca ghép gan trước đây chỉ vài tuần tuổi, bệnh nhi lớn nhất cũng ba tuổi nên việc lấy gan đơn giản hơn, chỉ lấy một phần của gan trái.
Cơ thể bé Kh. đã lớn, gần vào tuổi dậy thì nên đòi hỏi diện tích gan cần ghép đủ lớn mới đảm bảo thành công; ngược lại, việc cắt lấy nhiều diện tích gan sẽ khó thực hiện đối với BS và gây nguy hiểm cho mẹ ruột của bé. Dù biết nguy hiểm nhưng chị T. vẫn mong muốn BS được lấy gan để cứu con.
9g sáng 27/3/2017, hai BS người Bỉ cùng với 24 BS Việt Nam đến từ các BV Nhi Đồng 2, Nhân dân Gia Định và Đại học Y Dược TP.HCM đã phối hợp lấy được gan trái của chị T. ra và chuyển gấp qua phòng kế bên - nơi con chị đang được gây mê, nằm chờ nhận gan của mẹ. Đến 15g cùng ngày, chị T. được đóng ổ bụng, riêng ca mổ ghép gan cho bé Kh. thì đến 21g mới xong. Hiện, hai mẹ con chị T. đang được cách ly và theo dõi.
BS Trần Thanh Trí cho biết, ở nước ngoài, bệnh teo đường mật bẩm sinh trong gan rất hiếm gặp nhưng số ca bệnh này ở Việt Nam ngày càng nhiều, với tỷ lệ 1/6.000 trẻ được sinh ra, riêng BV Nhi Đồng 2 là nơi duy nhất ở phía Nam mổ ghép gan cho trẻ với 11 ca thì đã ghi nhận đến 70% do teo đường mật bẩm sinh.