Đi là đến - Kỳ 1: Một chuyến đi nhớ đời

GD&TĐ - Cuối năm 1973, tôi làm việc tại Trường Sư phạm Việt Bắc, đang có cơ hội đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì nhận được quyết định về công tác tại báo Người giáo viên nhân dân nay là báo Giáo dục & Thời đại. 

Đi là đến - Kỳ 1: Một chuyến đi nhớ đời
Nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ có thâm niên công tác trên 30 năm tại Báo Giáo dục& Thời đại. Đi và viết là công việc thường ngày của người làm báo. Biết bao cảm xúc và nhiều kỷ niệm về nghề nghiệp, về tờ báo thân yêu mà tác giả đã gắn bó suốt đời mình được bộc lộ chân thành trong tập ký “ĐI LÀ ĐẾN”. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Báo Giáo dục & Thời đại, tòa soạn xin trích giới thiệu với bạn đọc một số bài viết trong tập ký này.

Làm báo là nghề tôi yêu thích từ đã từ lâu. Những năm 60, công tác tại ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc, tôi đã có một số bài viết đăng trên báo này. 

Nay được về làm phóng viên của báo, tôi mừng khôn xiết. Về trụ sở của báo tại 14 phố Lê Trực hôm trước, hôm sau Tổng biên tập cử ngay đi dự hội nghị Tổng kết công tác giáo dục miền núi tại tỉnh Bắc Kạn. Chân ướt chân ráo với công việc mới, tôi thật sự lo lắng và e ngại, nghĩ bụng:” Người ta thử thách mình đây”, rồi tự động viên mình: “Đã làm phóng viên là phải đi…”

Thế là từ ngày đầu tiên ấy cho đến suốt hơn 30 năm qua trong nghề, tôi có hàng trăm chuyến đi. Trên khắp các tỉnh thành phố trong cả nước, ở đâu có phong trào thi đua “Hai tốt” là chúng tôi có mặt. Không có khó khăn, vất vả, gian nan nào, kể cả bom đạn giặc Mỹ ngăn cản được bước chân chúng tôi. 

Có lần chúng tôi đi xuyên Việt đến tận mũi Cà Mau. Để đậu chân ở nhiều nơi, gặp gỡ được nhiều nhà trường, nhiều thầy giáo, học sinh, chúng tôi đi bằng đủ mọi phương tiện giao thông. 

Có lần đi nhờ xe tải chở cá mắm, ngồi trên thùng xe ruột gan lộn tùng phèo, xuống xe rồi còn nôn nao suốt mấy ngày liền. 

Có lần trên tàu hỏa suốt một buổi sáng tàu đông, không len chân lên được, đứng chôn chân một chỗ đến tê dại cả người. 

Và rất nhiều lần cuốc bộ hàng ngày đường trên vùng rẻo cao, dốc đứng, bàn chân tứa máu…

Trong đời làm báo của mình, tôi không bao giờ quên một chuyến đi bộ 8 ngày (bốn ngày đi, bốn ngày về) lên xã vùng cao Pù Nhi của tỉnh Thanh Hóa, tìm hiểu về cuộc sống và những việc làm của thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc. 

Từ năm 1978 trở về trước, lên Pù Nhi chưa có đường, muốn lên đó phải vạch lá, luồn rừng mà đi. Mùa hè năm ấy, tôi đã được gặp và trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc ở Hà Nội. Thầy đưa một đoàn học sinh người Mông về thăm Thủ đô. Mọi thứ ở đây đều làm các em ngỡ ngàng. 

Ngồi trò chuyện với các em ở tầng trệt trong ngôi nhà cao tầng, thấy ở tầng trên có bước chân, tiếng người, các em thốt lên rất ngây thơ: “Ồ, người Mông mình ở trên núi cao thế mà người Kinh còn ở cao hơn ta, họ ở trên cả đầu ta”. 

Đi thăm Quảng trường Nhà hát Lớn, các em bảo: “Quê mình có chỗ rộng rãi như thế này để phơi ngô, phơi lúa thì tốt nhỉ?”. Thấy xe điện kêu leng keng trên đường phố, các em tròn xoe mắt hỏi: “Con gì đi nhanh thế?...” 

Đám học trò của thầy Trạc hấp dẫn tôi từ những chuyện như thế. Nhất định tôi phải lên chỗ dạy học của thầy Trạc xem sự thể ra sao!

Hạ quyết tâm thế tưởng đi ngay được. Nhưng dò hỏi đường đi lối lại, nhiều người khuyên không đi bộ được đâu, lạ nước,lạ cái nguy hiểm lắm. Pù Nhi nằm dọc biên giới Việt Lào, có người bày cách đi ô tô quá cảnh sang Lào rồi quay lại. 

Nhưng thời bấy giờ ra nước ngoài là một việc quá phức tạp với nhiều thủ tục. Băn khoăn, nấn ná mãi mới đến mùa hè năm 1981, tôi mới lên đường. Vào thị xã Thanh Hóa rồi ngồi ô tô gần một ngày lên thị trấn Hồi Xuân. Gặp đồng chí bí thư huyện ủy Quan Hóa, đồng chí ấy một mực khuyên: “Để đảm bảo sức khỏe, nhà báo nên quay về Hà Nội, khi nào có đường ô tô lên Pù Nhi, xin mời nhà báo quay lại”.

Cả một đêm không chợp mắt ở Hồi Xuân, đã định thoái lui. May sao sáng hôm sau gặp được thầy giáo Thênh, giáo viên cũ của Pù Nhi. Chuyện trò với thầy, biết tôi có ý định lên Pù Nhi, thầy Thênh động viên: “Sợ gì, cứ đi là đến. Mình cũng muốn trở lại thăm trường. Ta cùng đi nhé!”. 

Thế là hai anh em lên đường. Hành trang gọn nhẹ, một chiếc ba lô đeo, một chiếc gậy chống. Riêng thầy Thênh có thêm một bình tông rượu lủng lẳng bên sườn. Thầy Thênh bảo: “Chúng ta sẽ đi trên con đường mà gần 20 năm, năm nào thầy Trạc cũng phải qua lại vài lần.” 

Ngày đi, đêm nghỉ. Bữa sáng, bữa tối thì ghé qua nhà dân hoặc một trường học nằm ven đường xin ăn nhờ ngủ đậu. Thầy Thênh trở thành người vừa đi đường vừa kể chuyện. Những lúc mệt thầy tợp vài ngụm rượu trong bình tông là lời lại ra.

Có lắm chuyện lạ, chuyện vui về con đường này. Ở xã Trung Lý có đoạn đi Kò Kài. Ở đây vắt nhiều vô kể. Người đi đường qua đây phải gắng sức chạy. Chạy tới vài cây số liền sao cho những con vắt bám vào người mình được ít nhất. 

Có đoạn qua Nam Xuân, Nam Tiến, Thiên Phủ tương đối bằng phẳng, xe đạp đi được. Đã có thời thầy Trạc lập “trạm xe” trên đoạn đường này. Chiếc xe đạp được gác lên cây rừng ven đường. Qua đây lấy xe xuống đi. Đến đoạn không đi được nữa lại gác xe lên cây rừng. Con đường còn qua các vùng thời tiết rất khác nhau. 

Đến địa phận Cổng Trời ta sẽ gặp hai địa danh bên này là Hiền Kiệt, bên kia là Pá Quăn. Pá Quăn mưa chín tháng trong năm, có thể nói ngày nào cũng mưa. Quần áo giặt phơi hàng tháng không khô. Có người đã phải gửi quần áo xuống Hiền Kiệt cách 7 cây số để phơi nhờ. 

Vì Hiền Kiệt có tới 9 tháng trong năm nắng ráo, hanh hao. Vượt qua Cổng Trời, con đường trên vùng cao biên giới này đều đi trong mây và trên mây. Nét đẹp thiên nhiên ở đây thật thơ mộng và kỳ vĩ. Mây tụ như những đám khói dưới thung sâu, mây tràn vào nhà làm quần áo lúc nào cũng ướt mèn. 

Còn trên đầu thì trời trong xanh. Trên đường chim khướu hót vang và hoa phong lan nở trên những cây rừng. Nhưng cái đẹp thoáng chốc ấy khó quyến rũ được người đi bộ bởi những con dốc. Hết dốc này đến dốc khác, leo dốc bở hơi tai. Một giáo viên Pù Nhi đã ghi lại một vài con dốc trên tờ báo Tiến lên của công đoàn trường:

…Chòm chim, Pá Hộc dốc ghê

Quặt sang dốc Há, dốc về Na Tao

Dốc từ Mường Lát dốc vào

Dốc dài Pha Đén, dốc cao Hun Pù…

Ai chưa lên Pha Đén, Hun Pù có thể nói là chưa đến Pù Nhi. Chòm Pha Đén ở trên độ cao 1.200 mét, vách núi nhiều chỗ dựng đứng. Trèo lên Pa Đén phải qua nhiều dốc “áp má” (người leo dốc má thường xuyên áp vào vách núi). 

Xã Pù Nhi nằm trải dài tới 35 cây số toàn là đèo với dốc. Thầy Trạc phải đi tới đi lui tất cả các chòm, bản trong xã mỗi năm tới cả chục lần để vận động con em người Mông đến lớp. Bốn ngày đi bộ lên Pù Nhi, tôi đã ở đó 10 ngày, tiếp tục đi bộ trên những con đường trong xã mà thầy Trạc đã đi để thấu hiểu nỗi gian nan vất vả và kinh nghiệm xây dựng phong trào giáo dục ở một xã vùng cao của thầy.

Hơn nửa thế kỷ đã qua đường lên Pù Nhi nay khác xa, dấu vết xưa chỉ còn là ký ức của người xưa. Bởi thầy Trạc cũng khuất núi từ lâu. 

Nhưng nhờ có chuyến đi này, tôi có hàng trăm trang tư liệu để viết hàng chục bài báo về thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc, góp một phần nhỏ vào việc giới thiệu công lao đóng góp của thầy Trạc đối với giáo dục Pù Nhi để các cấp các ngành từ địa phương đến trung ương xét tặng thầy danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Đó là thành quả của một chuyến đi mà tôi nhớ đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.