Cụ thể, theo Thông tư 06, quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.
Hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua). Trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư lần đầu, số lượng người tham dự cuộc họp phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Trường hợp không đủ số người tham dự, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp phường, xã nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, biểu quyết là biểu thị sự đồng tình hay không đồng tình của cá nhân hay tập thể khi quyết định một vấn đề nào đó bằng cách bỏ phiếu kín, giơ tay hoặc bằng phương tiện điện tử. Những vấn đề trong một tổ chức, tập thể nếu không có sự đồng thuận giữa các thành viên thì biểu quyết là phương pháp có hiệu quả.
Và thực tế hiện nay, quyền biểu quyết đang được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Tuy nhiên, cách hiểu và phương pháp thực thi quyền biểu quyết như thế nào để đạt hiệu quả mới là quan trọng, tránh dẫn đến những tình huống khó xử.
Cụ thể trong trường hợp này có vài tình huống giả định: Người tham gia hội nghị khi biểu quyết có phải mang theo “sổ đỏ - sổ hồng” để chứng minh diện tích căn hộ mình đang sử dụng khi biểu quyết hay không? Người biểu quyết được tham gia biểu quyết tương ứng với diện tích căn hộ đang sử dụng hay chỉ được biểu quyết một lần?
Giả sử trong trường hợp biểu quyết nhiều lần - tương ứng với diện tích căn hộ thì các ý kiến có được mâu thuẫn với nhau hay không? Việc kiểm phiếu hay đếm số lượng người biểu quyết sẽ được thực hiện như thế nào? Có sự phân biệt hay không khi chủ các căn hộ có diện tích lớn có “nhiều quyền” hơn chủ căn hộ có diện tích nhỏ...?.
Trả lời những câu hỏi, giả định này là đúng hay sai chắc chắn phải cần thời gian, qua thực tiễn áp dụng. Thế nhưng, trong bối cảnh việc quản lý các chung cư còn có nhiều tồn tại, gây bức xúc cho cư dân như hiện nay thì việc quy định về thời hạn tổ chức hội nghị dân cư là cần thiết, nhưng nếu quy định về biểu quyết như trong Thông tư thì liệu đã khả thi hay chưa?