Đi du học bằng ngân sách nhưng không về ở Quảng Ngãi: “Nhân tài con quan” lật kèo ngân sách

GD&TĐ - 4 du học sinh là con của những quan chức của tỉnh Quảng Ngãi được xét tuyển đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đã phá vỡ cam kết, không trở về làm việc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

4 “nhân tài con quan” đều… đủ tiêu chuẩn

Cụ thể, ông Phạm Thành Việt, năm 2014 đi du học Thạc sĩ tại Anh Quốc. Ông Việt là con trai của ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch TP Quảng Ngãi.

Bà Huỳnh Thị Lan Viên, năm 2014 đi du học Thạc sĩ ở Anh Quốc. Bà Viên là con gái của ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi.

Bà Nguyễn Lê Ngọc Hà, năm 2015 đi du học Thạc sĩ tại Anh Quốc. Bà Hà con của ông Nguyễn Chín, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, năm 2012 đi du học tại Australia. Bà Hạnh là con gái của ông Phạm Thanh Hải, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi.

Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi xác nhận sự việc. Cả 4 trường hợp này đều là con của lãnh đạo tỉnh đi du học theo đề án thu hút nhân tài của Quảng Ngãi.

Họ đều có nguyện vọng được đào tạo trình độ thạc sĩ ở nước ngoài. Bốn người này bảo đảm tiêu chí là những sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi, xuất sắc, có tuổi đời không quá 40, trình độ ngoại ngữ IELTS từ 6.0 trở lên.

Cũng theo ông Dụng, việc tuyển nhân tài để đưa đi nước ngoài đào tạo, nâng cao được thông báo rất rộng rãi. 4 “nhân tài con quan” nêu trên sau khi nộp hồ sơ, được Thường vụ tỉnh ủy xét duyệt rất kỹ. Sau đó mới chuyển danh sách cho ngành Nội vụ ban hành Quyết định hỗ trợ ngân sách đi du học.

Ngân sách đầu tư thấp nhất 1,9 tỷ, cao nhất 3,5 tỷ

Đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi quy định: Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi có 3 công chức và 6 sinh viên được xét hồ sơ đi du học tại Anh Quốc, Australia và Philippines.

Sau khi học xong đã có 5 trường hợp trở về làm việc tại địa phương như đã cam kết. 4 trường hợp nêu trên thì 3 không quay về. Một trường hợp có về làm vài tháng rồi sau theo chồng chuyển vào TPHCM công tác.

Theo cam kết, những trường hợp được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo từ ngân sách, nếu sau khi hoàn thành chương trình đào tạo mà không trở về phục vụ quê hương như cam kết thì sẽ phải hoàn trả lại gấp 2 lần số tiền đào tạo đã được đầu tư trước đó.

Vì vậy, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 4 Quyết định về việc “thu hồi kinh phí đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài” đối với 4 trường hợp nêu trên.

Cụ thể, ông Phạm Thành Việt (hơn 1,9 tỉ đồng), bà Huỳnh Thị Lan Viên (hơn 2,05 tỉ đồng); bà Nguyễn Lê Ngọc Hà (gần 2,4 tỉ đồng); bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (gần 3,5 tỉ đồng). Theo đó, 4 trường hợp này phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền trong khoảng thời gian là 2 năm.

Giải pháp nào chống “lật kèo”

Thực ra, không riêng tỉnh Quảng Ngãi có đề án đưa nhân tài của địa phương mình đi đào tạo ở nước ngoài. Quảng Ngãi cũng không phải là địa phương đầu tiên bị nhân tài “lật kèo” theo kiểu một đi không trở lại.

TP Đà Nẵng là một trong những địa phương làm việc này từ rất sớm. Đà Nẵng đã từng đưa 616 trường hợp đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng sau khi hoàn tất chương trình đạo tạo có đến 93 trường hợp “lật kèo”.

Việc nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo ở nước ngoài nhưng không thực hiện cam kết sau khi tốt nghiệp đã đẩy chính quyền Đà Nẵng đến việc phải khởi kiện 32 nhân tài ra trước tòa án để…đòi lại tiền đào tạo. Sau khi bị khởi kiện ra tòa, nhiều nhân tài đã tự nguyện bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Một số thì đang trong giai đoạn xét xử. Một số khác đã vào giai đoạn thi hành án… Tổng số tiền thu lại từ các trường hợp nhân tài “lật kèo” ở TP Đà Nẵng lên đến 89 tỷ đồng.

Chuyện “lật kèo” cho thấy có nhiều vấn đề cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Ví như chuyện đãi ngộ đối với những trường hợp được lựa chọn để gửi đi đào tạo, bố trí công tác, thi tuyển công chức…

Có ý kiến bao biện rằng, người được chọn đi du học ai cũng có một mong ước trở về phục vụ quê hương. Tuy nhiên, cuộc sống không phải muốn là được. Một số người về nước không được bố trí đúng chuyên môn, công tác thi tuyển công chức nhiêu khê.

Khi đã tìm được đơn vị công tác thì gặp phải vấn nạn “con gà tức nhau tiếng gáy” ngay chính trong phòng, ban của mình. Trong khi đó, nhiều tập đoàn, công ty tư nhân và nước ngoài luôn mời chào với mức lương hấp dẫn.

Việc lựa chọn nhân tài để hỗ trợ kinh phí đào tạo du học tránh “lật kèo” là câu chuyện rất dài. Việc người được chọn đi “là con ai” cần minh bạch. Đồng lương, vị trí công tác cần phải đảm bảo. Có như vậy mới mong hết những pha “lật kèo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ