Phụ huynh thế giới chi hơn 44.000 USD cho việc học của con

Khảo sát thực hiện trên 8.400 phụ huynh ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ về chi phí giáo dục của con từ tiểu học đến hết đại học.

Phụ huynh thế giới chi hơn 44.000 USD cho việc học của con

Báo cáo "Không ngừng vươn cao" thuộc chuỗi khảo sát "Giá trị của giáo dục" được thực hiện hàng năm của tập đoàn HSBC, công bố vào tháng 6/2017, cho thấy các bậc cha mẹ trên toàn cầu chi trung bình 44.221 USD cho việc học của con từ bậc tiểu học đến hết đại học.

Hơn 8.400 phụ huynh ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát, bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Ai Cập, Pháp, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Singapore, Đài Loan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Anh và Mỹ.

Chi phí phụ huynh thế giới trả cho việc học của con Đơn vị: USD Hong Kong UAE Singapore Mỹ Đài Loan Trung Quốc Australia Malaysia Anh Mexico Canada Ấn Độ Indonesia Ai Cập Pháp 10 20 40 60 80 100 200

Báo cáo dựa trên ý kiến của phụ huynh theo phương pháp lấy mẫu đại diện ở mỗi quốc gia, bao gồm người hiện có ít nhất một con từ 23 tuổi (hoặc sắp sửa 23 tuổi) trở xuống và còn đi học. Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có ít nhất 500 cha mẹ tham gia khảo sát (trong đó 150 người hiện có con học đại học hoặc cao đẳng).

Trong đó, cha mẹ ở Hong Kong (với mức chi 132.161 USD), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (99.378 USD) và Singapore (70.939 USD) phải chi trả nhiều nhất cho các khoản mục liên quan đến giáo dục con cái, bao gồm học phí, tài liệu, di chuyển và ăn ở.

Theo báo cáo, 87% cha mẹ cho biết chịu trách nhiệm về ngân sách học tập của con, 76% dự kiến tiếp tục lo liệu tài chính cho chương trình đào tạo sau đại học của con, 74% dùng thu nhập hàng ngày để trang trải cho các chi phí học tập của con và 82% cha mẹ sẵn sàng hy sinh ưu tiên cá nhân để giúp con cái thành tài.

Ngoài các khoản vay học tập, chỉ 15% sinh viên bậc đại học có đóng góp vào ngân sách học tập của bản thân, trong khi 16% nhận được sự hỗ trợ của nhà nước hay chính phủ (thông qua một chương trình học bổng, tài trợ, hoặc trợ cấp học tập) và 8% được nhà trường hỗ trợ kinh phí.

Kỳ vọng vào tương lai của con

Báo cáo chỉ ra các ngành học phụ huynh mong muốn con theo đuổi nhất là y dược (13%), kinh doanh, quản trị và tài chính (11%), kỹ sư (10%). Bên cạnh đó, cứ 10 người làm cha mẹ thì có hơn 9 người cân nhắc chương trình đào tạo sau đại học cho con mình, và 76% trong số đó dự kiến tiếp tục chịu trách nhiệm về tài chính.

Cứ 10 người làm cha mẹ thì có gần 8 người (78%) nghĩ rằng tấm bằng sau đại học có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp con có được việc làm toàn thời gian trong lĩnh vực mà chúng lựa chọn. Trung Quốc (91%), Indonesia (91%) và Mexico (90%) là những quốc gia đánh giá cao nhất về tầm quan trọng của bằng cấp sau đại học trong việc đảm bảo các triển vọng nghề nghiệp.

Cha mẹ ở châu Á là những người lạc quan nhất về triển vọng thành đạt của con. 75% cha mẹ trên toàn thế giới tin tưởng rằng con họ sẽ có tương lai tươi sáng, con số này ở Ấn Độ là 87% và ở Trung Quốc là 84%.

Nhận xét về các kết quả của cuộc khảo sát, giáo sư Colin B. Grant, Phó chủ tịch (Phân khúc quốc tế), Đại học Southampton, cho biết: “Bằng việc đặt ra những kỳ vọng cao và sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho con cái học tập đến bậc sau đại học, phụ huynh cho thấy họ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thành công của con cái".

Thực tế tại Việt Nam hiện nay cũng phản ánh bức tranh chung trên toàn cầu. Khảo sát người tiêu dùng của Nielsen vào tháng 8/2016 cho thấy cha mẹ Việt xem trọng tương lai giáo dục của con, thể hiện qua việc chi tiêu cho giáo dục chiếm gần phân nửa (47%) tổng chi tiêu của gia đình.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2016, số người Việt Nam đang học tập tại nước ngoài đã lên đến 130.000 với chỉ khoảng 4% trong số đó du học bằng ngân sách nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ