Trung Quốc ghi nhận kỷ lục ở cả 2 chiều du học

GD&TĐ - Du học sinh Trung Quốc ra nước ngoài tăng kỷ lục nhưng ở chiều ngược lại, du học sinh quốc tế đến Trung Quốc cũng đạt con số kỷ lục.

Trung Quốc ghi nhận kỷ lục ở cả 2 chiều du học

Tiếp tục xu hướng “Tây du”

Không có dấu hiệu nào cho thấy lượng du học sinh Trung Quốc giảm xuống. Bộ Giáo dục Trung Quốc ghi nhận có tổng số 608.400 du học sinh ra nước ngoài học tập năm 2017. Đây là lần đầu tiên vượt mốc 600.000 du học sinh và đạt mức tăng 11,7% so với năm 2016.

Theo một công bố của Bộ Giáo dục, số “rùa biển” – chỉ những du học sinh trở về Trung Quốc sau khi du học - cũng tăng trong năm 2017 - tăng 11,9% lên 480.900. Như vậy tổng số du học sinh Trung Quốc sau khi hoàn tất học tập trở về quê hương đạt 80%, tương đương năm 2016.

Số liệu của Bộ Giáo dục cũng cho thấy, năm 2017 có 541.300 du học sinh du học tự túc, chiếm 88,97%, trong khi 31.200 du học bằng ngân sách.

Theo nhà nghiên cứu Đài Loan Sheng-Ju Chan thì có 2 lí do chính dẫn tới xu hướng tăng du học sinh Trung Quốc.

Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế dẫn tới tăng số hộ trung lưu, thêm nhiều gia đình có khả năng trang trải cho những chương trình du học đắt đỏ.

Thứ hai là kỳ vọng thành công, khi có bằng cấp của những trường đại học có tiếng thế giới nghĩa là có cơ hội tốt hơn trong sư nghiệp.

Phân tích về xu hướng du học sinh Trung Quốc trở về nước, Hiệu trưởng Học viện Bắc Kinh Kaiwen, ông Shiny Wang, cho rằng chính sách của Tổng thống Mỹ Trump (thắt chặt cấp visa và việc làm với người nước ngoài) là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới một số lớn du học sinh Trung Quốc trở về nhà sau khi học xong.

Xu hướng tăng du học sinh là tin mừng với nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài, đặc biệt là UK, nơi khoảng 1/3 sinh viên không thuộc EU là người Trung Quốc.

Cùng lúc với ghi nhận số du học sinh ra nước ngoài cao kỉ lục, Trung Quốc cũng ghi nhận kỷ lục về số du học sinh quốc tế đến nước này học tập. Cụ thể năm 2017 số du học sinh tới Trung Quốc là 489.200 người và giúp duy trì vị trí điểm du học phổ biến nhất tại châu Á – theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Duy trì “sức mạnh mềm”

Tăng mạnh du học sinh quốc tế là bởi một số nhân tố, bao gồm các chương trình có mức học phí hợp lí, sự tác động chính sách của chính phủ Trung Quốc và thứ hạng các trường đại học được cải thiện – theo phân tích của Kevin Prest.

“Các trường đại học Trung Quốc đang hấp dẫn hơn” – Prest nói – “Bạn có thể nhìn vào thứ hạng quốc tế hoặc các công trình nghiên cứu được công bố. Tôi nghĩ rằng, các trường đại học Trung Quốc đang thực sự vươn lên qua thời gian”.

Học phí rẻ là một yếu tố quan trọng tác động tới quyết định du học. Mức học phí tại Trung Quốc chỉ trong khoảng 1.500 - 7.500 USD.

Đặc biệt các quốc gia “Vành đai và Con đường”, chỉ những quốc gia có tên trong Sáng kiến “Một vành đai một con đường” 2016 của Trung Quốc - chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số du học sinh.

Khu vực này, nơi Trung Quốc đặc biệt muốn cải thiện quan hệ và tăng ảnh hưởng, chiếm tới 64,9% du học sinh năm 2016 nhờ chương trình học bổng riêng.

Cấp ngân sách khủng cho học bổng du học là một chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh cái gọi là “sức mạnh mềm” thông qua ảnh hưởng giáo dục và văn hoá. Có khoảng 12%, tương đương 58.600 du học sinh đến Trung Quốc theo một hình thức học bổng.

Bên cạnh các nhân tố trên, theo Prest, tăng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh cũng góp phần lớn thu hút du học sinh quốc tế.

Chuyên gia Kevin Prest tại Hội đồng Anh cảnh báo rằng sự phụ thuộc của các trường phương Tây vào sinh viên Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro. “Về dài hạn, các trường ĐH Trung Quốc có chất lượng tốt lên, số học sinh Trung Quốc tốt nghiệp THPT giảm cơ học” - Prest nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ