Con trai lớn bây giờ đã ngoài 30 tuổi làm việc ở nước ngoài, con gái thứ hai đang là sinh viên.
Thỉnh thoảng trò chuyện, các con tôi ít kể về những kỷ niệm đẹp của chúng thời đi học ấy, mà thường nói về những ám ảnh bộ đồng phục học sinh. Các con tôi và bạn bè chúng thường nhớ lại chất vải bộ đồng phục hồi ấy do nhà trường chọn thường là cứng, thô ráp, mặc vào mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì tha hồ nóng bức. Các con tôi chỉ mong đi học về để cởi phăng thật nhanh bộ đồng phục loại này. Ở bậc tiểu học hay lên đến các cấp trung học đều bị mặc một đồng phục giống nhau như thế, chỉ khác mỗi tên trường may trên vai áo.
Hồi ấy, chúng tôi là bậc bố mẹ, không dám nói với con rằng, có thể tiền bố mẹ nộp để may đồng phục nhưng phụ huynh không được quyền chọn vải, không được quyền chọn thợ may, chọn giá cả. Việc ấy là của nhà trường…
Chúng tôi tuyệt nhiên cũng không muốn gieo vào tâm hồn non tơ của con mình điều chúng tôi nghĩ, rằng có thể là ban phụ huynh, có thể lãnh đạo nhà trường đã “đấu thầu” may những bộ quần áo rẻ tiền, kém chất lượng như thế để xà xẻo, bớt xén tiền của các con, hoặc được hưởng tỷ lệ phần trăm nào đấy từ nhà may độc quyền, bị chỉ định. Điều đó cũng chỉ là có thể, nhưng không ai dám khẳng định chắc chắn, chỉ ngấm ngầm “chịu nạn” và nỗi nghi hoặc càng ngày càng lớn dần theo từng lớp trưởng thành của các con. Bọn trẻ lớn lên, chúng tự nhận thức.
Vậy là trên bước đường đời, ngoài những kỷ niệm đẹp lung linh của mái trường, tâm hồn của bọn trẻ như lứa các con tôi vẫn tiếp tục bị vẩn đục chuyện “tham nhũng vặt” của một vài cá nhân có quyền hành trong nhà trường. Sự vẩn đục ấy qua thời gian liệu có gột rửa được không?
Cho đến hiện nay, câu chuyện bộ đồng phục không những không giảm mà còn lan ra nhiều thứ “thu tự nguyện” khác trong nhà trường. Chủ yếu là ở thành phố. Nó tiếp tục gây bức xúc trong nhiều thế hệ học sinh. Người ta gọi nó bằng cái tên nghe nhẹ thênh là sự “lạm thu”. Và câu chuyện “lạm thu” luôn trở thành một vấn đề thời sự gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là những ngày mở đầu năm học mới. Năm nay cũng vậy. Đủ thấy câu chuyện “lạm thu” với những biến tướng tiêu cực của nó vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì sao vậy?
“Lạm thu” theo cách hiểu thông thường là “thu quá”, “thu sai” tiền của học sinh, phụ huynh. Loại thu tiền kiểu này, ta thường gọi một cách đẹp đẽ là xã hội hoá giáo dục. Khác với kinh phí thu theo quy định của Nhà nước buộc học sinh nào cũng phải nộp như học phí, mua sách giáo khoa..., thì thu xã hội hoá là tự nguyện, là theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Đặc biệt là nhà trường không thể đứng ngoài kiểu thu này, nếu không muốn nói là nhân vật quan trọng.
Xã hội hoá giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội, cả nước ngoài nhằm đầu tư, giúp đỡ hiệu quả cho công tác giáo dục khi mà nguồn lực của đất nước tuy đã cố gắng hằng năm nhưng khó có thể đáp ứng đầy đủ.
Không nói đâu xa, lấy ví dụ từ hai ngôi trường tôi từng được học từ cấp 2 và cấp 3 ở nông thôn, gần đây có một doanh nhân cũng từng học với tôi ở hai trường này đã quyết định hỗ trợ mấy tỷ đồng để đầu tư máy tính, xây dựng phòng học chuẩn cho các em lớp chuyên, đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, xây mới các phòng học cho trường. Trong toàn quốc, hẳn những chuyện các doanh nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ cho các ngôi trường cả miền núi lẫn miền xuôi đều trở nên không hiếm.
Thế nhưng câu chuyện lạm thu thì hoàn toàn khác. Với mục đích hết sức trong sáng lúc đầu là thu thêm tiền để phục vụ nhu cầu của con em mình, mua thêm trang thiết bị học tập nhưng dần dần việc thu tiền ấy biến tướng thành lạm thu gây bức xúc ngay trong học sinh và phụ huynh. Nào là thu tiền bảo hiểm tai nạn, tiền mua ghế chào cờ, tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền trang phục học sinh, tiền tham quan, học kỹ năng sống, học các môn tăng cường, tiền quỹ hội, quỹ lớp, tiền quỹ hoạt động ban phụ huynh...vv. Tất cả những loại tiền này bản chất là phải được tự nguyện, không được cào bằng.
Theo chúng tôi, thu tiền tự nguyện vì mục đích hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện cũng nên được ủng hộ. Với suy nghĩ tất cả vì tương lai con em chúng ta nên các phụ huynh và học sinh dễ dàng tự nguyện đóng góp trong điều kiện kinh tế của mình.
Vấn đề là ở chỗ sự tự nguyện đó dần dần bị khai thác triệt để, số tiền và các khoản đóng góp bị lạm dụng, thu cao, thu nhiều đã gây bất bình trong giới phụ huynh. Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí cả Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ráo riết về việc này. Tuy nhiên, do lạm thu có liên quan đến lợi ích, tiêu cực của một số ít cá nhân nên việc đấu tranh xoá bỏ nó cũng không thể một sớm một chiều.
Cần nhận thức rằng, việc lạm thu trong nhà trường hiện nay cần phải gọi đúng tên là hiện tượng tiêu cực. Nó làm hoen ố môi trường giáo dục, tác động tiêu cực đến công tác dạy và học, cũng như giáo dục đạo đức, nhân cách đối với học sinh. Nếu không đấu tranh giải quyết triệt để hiện tượng tiêu cực này, nó sẽ lây lan, mọc rễ trong giáo dục thì càng ngày càng nguy hiểm đối với sự nghiệp đào tạo của chúng ta. Bởi vì, bản chất của giáo dục, đào tạo nói chung là nêu gương của người thầy. Thầy cô giáo, nhất là Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu mà có những hành động tiêu cực, tham nhũng vặt, không còn nêu gương với đồng nghiệp và học sinh thì ảnh hưởng xấu, gây tác hại vô cùng lớn.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, muốn chống được “lạm thu”, có hai “nhân vật” phải để mắt đầu tiên là hiệu trưởng và trưởng ban phụ huynh. Giải pháp gì cũng chỉ xoay quanh hai nhân vật quan trọng này.
Đối với Hiệu trưởng nhà trường, nếu có yêu cầu “thu tự nguyện” hay thu “xã hội hóa” trước hết phải xin ý kiến cấp trên quản lý trực tiếp ngay từ đầu năm, những mục gì, khoản gì, sau khi được cấp trên đồng ý mới được họp với phụ huynh nhà trường để triển khai. Nguyên tắc thứ hai, là phải minh bạch các khoản thu chi, nhất là trước các phụ huynh.
Những khoản thu chi lớn như may đồng phục học sinh, Hiệu trưởng có thể giao cho Hội phụ huynh hoặc cùng phối hợp tổ chức mua sắm, may đo công khai, đảm bảo chất lượng và mỹ thuật, tránh hiện tượng tiêu cực. Không nên giao cho giáo viên chủ nhiệm dùng uy quyền để vận động phụ huynh “thu tự nguyện”, dễ gây phản cảm, phản giáo dục đối với các em học sinh. Nhiều thầy cô giáo dạy trung học phổ thông cũng cho chúng tôi biết, các thầy cô chủ nhiệm sợ nhất là việc phải vận động phụ huynh thu các khoản kinh phí tự nguyện. Không làm thì sợ hiệu trưởng, làm thì xấu hổ với phụ huynh.
Riêng đối với hội phụ huynh, mọi thu chi phải tham khảo xin ý kiến hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng mới là người chịu trách nhiệm chính mọi hoạt động của nhà trường, hội phụ huynh thu sai, “lạm thu” cần quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.
Cái gì hợp lý phục vụ nhu cầu học tập của các em mới được huy động thu từ phụ huynh, mức thu phải hợp lý, mọi khoản thu chi phải minh bạch và được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh. Những trường hợp gia đình nào khó khăn quá thì Hội phụ huynh có thể vận động tài trợ, không áp đặt, cào bằng, dễ gây tổn thương đối với các em học sinh của những gia đình đặc biệt khó khăn này. Nếu hội phụ huynh thu sai, gây tiêu cực thì hiệu trưởng phải liên đới chịu trách nhiệm.
“Lạm thu” với những biến tấu tiêu cực của nó dường như ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng tại sao ít thấy được phát hiện và xử lý nghiêm túc để làm gương. Muốn giải quyết hiệu quả, thời gian tới cần phải tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm nhằm chấn chỉnh và xử lý kịp thời các hiện tượng “lạm thu”, góp phần đẩy lùi và triệt tiêu tiêu cực.
Ngoài yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, của UBND tỉnh, cấp trên quản lý cần yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường, Hội phụ huynh học sinh phải có sổ sách thu chi rõ ràng, minh bạch để phục vụ kiểm tra khi có yêu cầu. Kiểm tra thiếu khách quan, để “lạm thu” xảy ra, cần xem xét trách nhiệm của cả cấp trên của các trường mới đảm bảo chặt chẽ và nghiêm túc.
Môi trường giáo dục là thánh đường của giáo dục đạo đức và nhân cách cho thế hệ tương lai của nước nhà. Đừng để “tham nhũng vặt” thông qua “lạm thu” để lại di chứng trong suy nghĩ của lớp trẻ như câu chuyện bộ đồng phục học sinh mà chúng tôi vừa kể lúc mở đầu viết bài báo nhỏ này.