"Lạm thu" núp bóng xã hội hóa giáo dục

"Lạm thu" núp bóng xã hội hóa giáo dục

(GD&TĐ) - Trong nhiều thứ lo của cha mẹ học sinh khi con bước vào năm học mới, lo nhất không phải là quần áo, sách vở mà là các khoản đóng góp ngoài quy định – những khoản đóng góp được các nhà quản lý gọi là “lạm thu”. Lạm thu đã trở thành nỗi ám ảnh của cả xã hội chứ không riêng gì cha mẹ học sinh. 

“Lách luật”?

Điều 105 Luật Giáo dục quy định về học phí, lệ phí tuyển sinh. Theo đó, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào khác. Để không vi phạm quy định này, hiện nay trong các trường học, việc lạm thu đã chuyển sang nằm núp bóng trong các khoản đóng góp được gọi là "xã hội hóa giáo dục", “tự nguyện”, "quỹ cha mẹ học sinh", “thu để phục vụ học sinh”...

Khái niệm “xã hội hóa giáo dục” là một khái niệm đầy nhân văn, với mục tiêu huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay góp sức xây dựng giáo dục bằng hai nguồn lực: Nguồn lực vật chất (tài lực, vật lực, nhân lực, đất đai…) và nguồn lực phi vật chất (ủng hộ chủ trương giáo dục, tạo môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần hỗ trợ giáo dục, tư vấn giáo dục, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giáo dục…). Nhưng tiếc thay, trong thực tế, hiệu trưởng nhiều trường ở Nghệ An chưa tập trung tìm cách khai thác các nguồn lực xã hội hóa giáo dục mà chỉ tìm cách huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp đúng sai. 

Ở Nam Đàn (Nghệ An) trong năm học 2012 - 2013, đến tận cuối năm 2012 mới chỉ có khoảng 50% số trường gửi kế hoạch về Phòng và được Phòng phê duyệt kế hoạch vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học. Sở GD&ĐT Nghệ An cũng vậy, đến cuối năm 2012, trong số 91 trường THPT và 21 trung tâm GDTX do Sở trực tiếp quản lý, Sở chỉ nhận được và phê duyệt kế hoạch cho 36 đơn vị. Thế nhưng, thực tế các trường thuộc Phòng cũng như các trường thuộc Sở, không trường nào là không tổ chức huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường – rõ ràng, phần lớn các nhà trường đã bất chấp quy định của Sở “chỉ được triển khai thực hiện khi cấp trên phê duyệt kế hoạch”. 

Rồi cách phê duyệt cũng lạ - một kiểu phê duyệt tiếp tay cho bình quân hóa mức đóng góp. Đầu năm học 2012 - 2013, tại thành phố Vinh, có trường ghi trong bản kế hoạch là vận động mỗi cha mẹ học sinh lớp 7, 8, 9 đóng góp 300.000 đồng và mỗi cha mẹ học sinh lớp 6 đóng góp 350.000 đồng, thế nhưng lãnh đạo Phòng GD&ĐT Vinh vẫn ký, đóng dấu. 

Rồi còn áp đặt mức thu một cách vô lý từ phía chính quyền. Mới đầu năm học 2013 - 2014 này, để có tiền trả cho phía nhà thầu thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất cho Trường Mầm non Lê Mao, UBND phường Lê Mao đã ấn định mức thu xã hội hóa giáo dục đối với các cháu vào học ở trường này. Tại Thông báo số 29/TB-UBND ngày 06/8/2013 do Chủ tịch UBND phường ký gửi Ban Giám hiệu Trường Mầm non Lê Mao quy định: “.... trẻ dưới 3 tuổi, mức huy động là 1.500.000 đồng; … trẻ từ 3 - 4 tuổi, mức huy động là 1.000.000 đồng; … trẻ 5 tuổi, mức huy động là 800.000 đồng”.

Tuy chưa được sự phê duyệt của Phòng GD&ĐT thành phố Vinh, nhưng không thể không thực hiện thông báo của UBND phường, Trường Mầm non Lê Mao đã tiến hành thu tiền khi cha mẹ các cháu đến làm thủ tục nhập học cho con nên gây ra sự bức xúc lớn. Lúc này báo chí lên tiếng, UBND phường Lê Mao có công văn trả lời..... đổ tất cả lỗi đó là do nhà trường và yêu cầu trả lại tiền đã thu, thu hồi lại thông báo, chờ sau cuộc họp cha mẹ các cháu sẽ bàn bạc. Trong khi theo Nghị định 115 về phân cấp quản lý giáo dục, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát để xử lý kịp thời nếu vấn đề lạm thu xảy ra.

 Điều 10, Chương 2 của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện. “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh...".

Thực tế lại khác hẳn. Quỹ cha mẹ học sinh có được phần lớn không phải từ sự tự nguyện mà là sự áp đặt của vài ba ông bà trong Ban đại diện. Nhưng quan trọng hơn là việc chi tiêu quỹ không đúng quy định: Chi nhiều cho việc chúc mừng, thăm hỏi không những chỉ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày Tết âm lịch mà còn có cả ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/11), thậm chí chi cả việc mừng sinh nhật thầy cô giáo; chi cho việc trang trí lớp, giặt giũ chăn màn ở các lớp bán trú, vệ sinh lớp học, trồng cây, phô-tô tài liệu ôn tập ... 

d
Các cháu Trường MN Lê Mao bị UBND phường Lê Mao áp đặt mức thu đầu năm học 2013 - 2014

Cơ quan quản lý không kiểm tra, xử lý hoặc xử lý không nghiêm

Trường không trình, không được phê duyệt kế hoạch vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học vẫn cứ triển khai thực hiện, nhưng Sở cũng như các Phòng GD&ĐT đều không hề lên tiếng về việc làm sai này. 

Việc kiểm tra, giám sát sự hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thu của cha mẹ học sinh thì gần như hoàn toàn đang bị bỏ ngỏ. Ngay các cuộc thanh tra của Sở GD&ĐT Nghệ An và các Phòng GD&ĐT trong nhiều năm nay cũng chưa bao giờ thấy đề cập đến nội dung này.  

Có kiểm tra, thanh tra, có kết luận nhưng xử lý sau kết luận chưa nghiêm. Ví như năm học 2012 - 2013, sau hơn một tháng thanh tra tại 105 đơn vị cơ sở tại 15/20 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, đầu tháng 2/2013, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã có Kết luận số 197/SGD&ĐT-TTr. Kết luận thanh tra của Giám đốc Sở đã chỉ rõ: Yêu cầu 12 trường thu sai quy định phải trả lại tiền cho học sinh; tổ chức kiểm điểm đối với Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng và những cá nhân có liên quan. Thế nhưng sau khi kết luận thanh tra ban hành được 45 ngày, là đã hết thời hạn thực hiện theo quy định 2 ngày, Sở cũng chỉ nhận được báo cáo xử lý của 2 trường. 

Hay như năm học 2011 - 2012, Sở GD&ĐT Nghệ An thanh tra 113 trường học thì phát hiện 31 trường vi phạm việc thực hiện các khoản thu đầu năm học. Giám đốc Sở yêu cầu các đơn vị có vi phạm phải tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định cho học sinh; tổ chức kiểm điểm, phê bình đối với Hiệu trưởng các trường có vi phạm; đặc biệt, Giám đốc Sở yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phù hợp đối với những đơn vị có sai phạm lớn.

Hết thời hạn giao xử lý kết luận sau thanh tra, chỉ có 04/31 trường có báo cáo gửi về Sở. Điều đáng nói hơn là đến cuối năm học 2011 - 2012, 5 trường vi phạm nặng bị Giám đốc Sở đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật thì cả 5 trường đều được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc, Tập thể Lao động tiên tiến. 

Minh Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ