Diễn ra trong 3 ngày, (từ 21 – 24/10), Biotechmart 2014 được chờ đợi sẽ còn chứng kiến thêm nhiều hợp đồng nữa trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y dược, nông nghiệp công nghệ cao và xử lý môi trường.
Lần đầu tiên tổ chức, Biotechmart 2014 thu hút 25 gian hàng giới thiệu những công nghệ, dịch vụ và sản phẩm của nhiều đơn vị nghiên cứu trong cả nước như Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Bệnh viện Quân đội 108… cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y sinh học và liên quan.
Thượng tá PGS.TS Lê Hữu Song - Phó Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 - cho biết: Công nghệ sinh học đã và đang làm thay đổi thế giới. Tại Việt Nam, công nghệ sinh học đã và đang góp phần quan trọng trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường và đặc biệt ý nghĩa với lĩnh vực y - dược học.
Bệnh viện TƯQĐ 108 mang tới chợ công nghệ lần này những sản phẩm “tự chế” chất lượng cao với 11 đầu sản phẩm đã và đang được ứng dụng thành công tại cơ sở. Đây là thành quả chất xám của nhóm nghiên cứu Khoa Sinh học phân tử, góp phần giải quyết yêu cầu tối ưu hóa bài toán “giá thành - chất lượng”, ứng dụng hỗ trợ hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Đặc biệt, Chợ công nghệ lần đầu tiên còn thu hút sự tham gia tích cực của một số trường Đại học.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và protein (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) - nhận định: Đây là nơi để các nhà khoa học giao lưu, nắm bắt thực tế phát triển của ngành công nghệ sinh học, để từ đó có ý tưởng phát triển sản phẩm, tối ưu sản phẩm đang nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm phù hợp yêu cầu và đòi hỏi của thị trường.
Đồng thời, quá trình tham gia hội chợ chắc chắn sẽ có tác động tích cực trở lại đối với công tác đào tạo các cử nhân, cao học, nghiên cứu sinh, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm công nghệ trong trường đại học.
Bà Trần Thị Vĩnh Liên - đại diện gian hàng Trường ĐH Nông Lâm và Trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ (Đại học Huế) - cho biết: Đơn vị mang tới Chợ công nghệ lần này 12 nhóm sản phẩm công nghệ. Chúng tôi mong muốn quảng bá rộng rãi hơn tới cộng đồng về các công trình và sản phẩm nghiên cứu của sinh viên. Việc tìm kiếm đối tác, giao lưu, gặp gỡ doanh nghiệp là cơ hội tốt để tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm đường đưa các công trình trên giấy hướng tới ứng dựng trong thực tế.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Biotechmart 2014, TS. Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN - nhận định: "Biotechmart 2014 không chỉ giới thiệu kết quả nghiên cứu mới mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể tiếp cận với những thành tựu KH&CN tiên tiến, đồng thời tìm kiếm được đối tác và cơ hội đầu tư qua các hội thảo”.
Được biết, trong khuôn khổ Biotechmart 2014 còn có 6 hội thảo chuyên đề và tọa đàm, trong đó đáng chú ý là Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực Y dược; Phát triển nông nghiệp sạch bằng công nghệ sinh học; Phương thức tìm kiếm thông tin KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tiếp cận các Quỹ hỗ trợ phát triển.
Theo Ths. Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Thông tin Công nghệ Việt Nam (Bộ KH&CN), Ban tổ chức đặt kỳ vọng hỗ trợ những giải pháp công nghệ, cách tiếp cận mới và các chính sách mới về đầu tư đổi mới công nghệ, các Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN cho các doanh nghiệp thông qua những kết quả nghiên cứu KH&CN về công nghệ sinh học của các nhà nghiên cứu được trình bày tại hội thảo.