Quyền sống của di chỉ khảo cổ

GD&TĐ - Những di chỉ khảo cổ học ở nước ta về thời kỳ cách đây trên 3.000 năm còn lại chưa tới 1%. Những Phùng Nguyên (Phú Thọ), Đông Sơn (Thanh Hóa), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Óc Eo (An Giang)… nay chỗ còn chỗ mất. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ở Hà Nội ngoài Cổ Loa ra chỉ có Vườn Chuối. Hoàng thành Thăng Long tuy đã được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, nhưng các cổ vật cũng chỉ cách nay 1.200 năm.

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối qua 9 lần khảo cổ (lần 1 năm 1969, cách nay 50 năm) đã lộ ra những cổ vật, hiện vật vô cùng giá trị như: Gò bếp, than tro, di vật liên quan đúc đồng của cư dân Gò Mun, Đông Sơn... Di tích lớn và quan trọng khác là các mộ táng Đông Sơn, minh chứng cho sự phân chia giai cấp cũng như văn hóa tâm linh của thời đại kim khí ở cư dân sơ sử Thủ đô.

Một di chỉ khảo cổ học giá trị như vậy mà 50 năm nay, ngành văn hóa và chính quyền thành phố chưa đưa vào danh mục kiểm kê di tích và xếp hạng. Dù là được xếp hạng cấp tỉnh thì khi quy hoạch, di tích đó cũng được Luật Di sản văn hóa bảo vệ. Chưa được bảo vệ, thì khi đô thị mở rộng, di chỉ khảo cổ bị nằm vào quy hoạch khu đô thị hay làm đường chạy qua không khó hiểu.

Quy hoạch Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tầm nhìn của quy hoạch thể hiện 3 vấn đề: Xanh - Văn hiến - Văn minh. Một trong những mục tiêu chính của quy hoạch là “Xây dựng hình ảnh của Hà Nội, một đô thị lịch sử, văn hoá truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng của Hà Nội”. Vậy thì tại sao không bảo tồn toàn bộ khu di chỉ Vườn Chuối với hơn 1 ha?

Di chỉ sẽ được xếp hạng di tích quốc gia. Một di sản văn hóa bên một khu đô thị Kim Chung - Di Trạch hiện đại thu hút khách tham quan sẽ càng làm cho khu đô thị đẹp và sang trọng hơn. Còn đường vành đai 3,5 sẽ được quy hoạch điều chỉnh lại cho phù hợp. Việc tốn kém có thể sẽ phát sinh thêm, nhưng là điều cần thiết. Tiền có thể mua được khu đô thị chứ không thể mua được dấu tích lịch sử từ thời Hùng Vương.

Trên đường vành đai 2 từ Cầu Giấy đi lên Cầu Nhật Tân ở Thủ đô Hà Nội, ta bắt gặp dưới chân cầu vượt ở Bưởi một cây cổ thụ bên một ngôi miếu nhỏ. Đó không chỉ là nơi duy nhất ở Thủ đô mà khi làm đường giao thông, người ta đã điều chỉnh quy hoạch để tránh cây. Một cây cổ thụ còn được nhà quy hoạch tôn trọng sự tồn tại, vậy lẽ nào di chỉ cất lên tiếng nói từ thời Hùng Vương lại không có quyền sống?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ