Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, suy tĩnh mạch chi dưới rất thường gặp. Đây là một bệnh mạn tính ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Để điều trị hiệu quả cần phối hợp nhiều biện pháp, trong đó việc thay đổi lối sống đóng vai trò nền tảng.
Đi bộ là môn thể dục nhẹ nhàng mang lại nhiều lợi ích nên được hầu hết người dân lựa chọn tập luyện. Đa phần bệnh nhân sau khi bị suy giãn tĩnh mạch đã bỏ thói quen đi bộ, thậm chí một số người không dám vận động vì sợ làm bệnh nặng thêm.
Ngay cả các bác sĩ chuyên khoa cũng có ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Bác sĩ Phong giải thích hệ tĩnh mạch có cấu tạo như một mạng lưới gồm các cấu trúc hình ống. Các tĩnh mạch nhỏ ở xa sẽ dẫn máu về tĩnh mạch lớn hơn, sau đó đổ về tim.
Trong lòng tĩnh mạch chi dưới có các van. Van được cấu tạo bởi 2 lá van giống như chiếc túi, mặt lõm hướng lên trên. Một phần lá dính vào thành tĩnh mạch, phần còn lại tự do trong lòng mạch.
Hệ thống tĩnh mạch chi dưới bao gồm các tĩnh mạch nông, sâu và xuyên. Tĩnh mạch nông nằm sát dưới da. Tĩnh mạch sâu nằm sâu trong các khoang cơ của chi. Các nhánh tĩnh mạch xuyên nối từ hệ thống tĩnh mạch nông đến tĩnh mạch sâu.
Khi ta đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải thắng trọng lực mới có thể chảy về tim. Để làm được điều này, các cơ phải ép các tĩnh mạch sâu ở chân và bàn chân đồng nhịp với hoạt động đóng mở của các van tĩnh mạch.
Khi cơ ở chân co, các van trong tĩnh mạch sẽ mở ra. Khi cơ thả lỏng, van đóng lại, ngăn không cho máu bên trên chảy ngược xuống dưới.
Toàn bộ tiến trình đem máu trở về tim như vậy gọi là bơm tĩnh mạch. Với phương thức hoạt động như thế, các van tạo nên hệ thống dòng chảy một chiều từ dưới lên trên và từ nông vào sâu.
Bệnh suy tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch hư và không thể khép kín. Khi đó, máu chảy ngược xuống dưới theo chỗ hở của van tĩnh mạch, làm ứ đọng và tăng áp lực tĩnh mạch.
Tĩnh mạch sâu có thể chịu đựng tốt khi có tình trạng tăng áp lực, trong khi tĩnh mạch nông vốn được bao quanh bởi mô liên kết lỏng lẻo sẽ giãn to ra và viêm.
Cơ chế gây bệnhkhi tĩnh mạchgiãn hoặcvan bị hư.Từ trái qua: (1) tĩnh mạch bị giãn to, (2) khi hai van mở ra máu vẫn bơm lêntrên được, (3) van đóng lại không kín, máu chảy ngược xuống dưới qua chỗ hở của hai lá van, tạo nên dòng chảy ngược. Ảnh:Ngọc Thể. |
Hiện tượng máu ứ đọng làm tăng áp lực tĩnh mạch, gây đau nhức, khó chịu, giãn tĩnh mạch nông, phù chân, thay đổi tình trạng da và lở loét. Chính vì thế các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch đều hướng tới mục tiêu khắc phục tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch do ứ đọng.
Đi bộ tác động như thế nào đến tĩnh mạch
Thể tích và áp lực trong tĩnh mạch sẽ thay đổi khi đi bộ. Ở tư thế đứng yên, bàn chân tiếp xúc với mặt đất sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch.
Khi gót chân được nhấc lên cao, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân (đám rối Bejar) sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân.
Sau đó, động tác co cơ cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi. Cứ như thế, dòng máu sẽ chảy về tĩnh mạch cao hơn, rồi về tim.
Sự co cơ khi đi bộ sẽ giúp bơm tĩnh mạch hoạt động hiệu quả. Lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu đo được khi đang vận động tích cực cao hơn rất nhiều so với lúc đứng yên.
Từ đó giúp máu được đẩy mạnh về tim, làm giảm tình trạng ứ đọng cũng như áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.
Nghiên cứuthực nghiệm đo áp lực tĩnh mạch nông khi đứng yên và di chuyển. ẢnhTrái: khi đứng yên, cột nước dâng cao ngang tim. Ảnh phải: khi di chuyển cổ chân liên tục, cột nước giảm xuống |
Trong thực nghiệm đánh giá sự thay đổi áp lực tĩnh mạch nông khi đi bộ, người ta luồn một kim nhựa vào lòng tĩnh mạch nông ở bàn chân của người và nối kim với một cột nước.
Ở tư thế đứng yên, cột nước dâng cao đến ngang tim. Khi gấp duỗi cổ chân liên tục, cột nước vơi xuống giữa 50-60%. Thí nghiệm mô phỏng hoạt động đi bộ này cho thấy áp lực trong hệ tĩnh mạch nông giảm xuống đáng kể khi di chuyển.
Như vậy việc đi bộ giúp đẩy máu từ hệ tĩnh mạch sâu về tim tốt hơn, làm giảm áp lực của hệ tĩnh mạch nông. Nhờ đó giảm các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng của bệnh suy tĩnh mạch.
Hầu hết bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đều cho biết cảm thấy dễ chịu hơn sau một thời gian đi bộ và thay đổi lối sống. Như trường hợp chị Vân bị suy tĩnh mạch gây đau nhức và khó chịu 2 chân, đã chữa trị cách đây 2 năm nhưng không thuyên giảm.
Gần đây chị kết hợp điều trị và thay đổi lối sống, tập đi bộ theo tư vấn của bác sĩ, chỉ sau khoảng thời gian ngắn, các cơn đau giảm hẳn. Bệnh nhân tiếp tục đi bộ và leo cầu thang mỗi ngày thì các triệu chứng cải thiện rõ rệt.
Nghiên cứu gần đây được cập nhật trong y văn cho thấy những người suy tĩnh mạch mạn tính đi bộ ít hơn 10 phút mỗi ngày có nguy cơ loét chân cao hơn nhóm duy trì hoạt động thể dục tích cực trên 10 phút. Các hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới đều khuyến cáo bệnh nhân suy tĩnh mạch nên đi bộ.
Lưu ý: nếu người bệnh chưa có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu từ từ, sau đó tăng dần thời lượng và quãng đường. Giai đoạn đầu, có thể sẽ thấy khó chịu hoặc đau chân , nhưng về sau sẽ cải thiện dần.
Đi bộ cần sự di chuyển linh hoạt của cổ chân mới mang lại hiệu quả cao. Những người bị loét chân do suy tĩnh mạch thì vận động cổ chân sẽ bị hạn chế nên cần được vật lý trị liệu cổ chân và liệu pháp giảm đau trước khi đi bộ.