Bảng xếp hạng năm nay đã mở rộng tới 505 trường với 92 trường lần đầu tiên được xuất hiện, trong số này có ĐH Tôn Đức Thắng của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam góp mặt 7 trường ĐH, gồm: là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế. Trong đó, ĐHQG Hà Nội xếp thứ nhất (trong các trường ĐH Việt Nam) với vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018).
Tháng 6/2018, Tổ chức xếp hạng QS cũng đã công bố kết quả xếp hạng thế giới năm 2019. Theo đó, lần đầu tiên 2 ĐHQG của Việt Nam có tên trong top 1.000 các ĐH hàng đầu thế giới. Mặc dù kết quả còn khá khiêm tốn nhưng đây là một bước tiến dài trong quá trình hội nhập của ĐH Việt Nam.
Năm 2013, Việt Nam mới chỉ có 2 ĐHQG có tên trong nhóm 201+ của bảng xếp hạng. Sau 5 năm, ĐHQG Hà Nội đã vượt lên hơn 76 bậc và Việt Nam đã có thêm 5 trường ĐH được xếp hạng.
Ngoài ra, hệ thống xếp hạng GD ĐH quốc tế UniRank cũng vừa công bố Bảng xếp hạng 67 trường ĐH tại Việt Nam năm 2018. Theo bảng xếp hạng này, ĐHQG Hà Nội đứng vị trí thứ nhất. Các vị trí tiếp theo lần lượt gồm: ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM); ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM).
UniRank là hệ thống xếp hạng giáo dục ĐH quốc tế đánh giá và xếp hạng hơn 13.600 trường ĐH của 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. UniRank khai thác cơ sở dữ liệu lớn, đo lường các chỉ số dựa trên nền tảng website. Các trường được xếp hạng thỏa mãn các điều kiện sau: Được cấp phép và/hoặc được công nhận kiểm định bởi tổ chức có liên quan đến GD ĐH hợp pháp của Việt Nam; cấp bằng ĐH thời gian đào tạo ít nhất 4 năm (bằng cử nhân) hoặc sau đại học (thạc sĩ hoặc tiến sĩ); thực hiện phương thức đào tạo trực tiếp.
Từ năm 2005, UniRank thực hiện xếp hạng các ĐH thế giới thường niên dựa trên cơ sở dữ liệu website do chính UniRank khảo sát, nghiên cứu, đánh giá độc lập; không chịu ảnh hưởng và không phụ thuộc vào dữ liệu của các trường cung cấp.